April 27, 2022 | 14:29 GMT+7

Kiểm tra 5 dự án hạ tầng giao thông tại Hà Nội, đẩy nhanh tiến độ

Ánh Tuyết -

5 dự án xây dựng hạ tầng giao thông trên địa bàn TP. Hà Nội đầu tư theo phương thức PPP sẽ được kiểm tra, đánh giá trong năm 2022 để xử lý những vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện...

Chính quyền quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội vừa tổ chức cưỡng chế 27 hộ tại ngõ 176 Định Công với diện tích khoảng 2.900m2 để đẩy nhanh tiến độ dự án đường Vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - Quốc lộ 1.
Chính quyền quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội vừa tổ chức cưỡng chế 27 hộ tại ngõ 176 Định Công với diện tích khoảng 2.900m2 để đẩy nhanh tiến độ dự án đường Vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - Quốc lộ 1.

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch kiểm tra, đánh giá các chương trình, dự án đầu tư của TP. Hà Nội năm 2022. Thông qua kiểm tra sẽ phát hiện những tồn tại, khó khăn, vướng mắc để có giải pháp kịp thời tháo gỡ, kiến nghị các cấp có thẩm quyền xử lý những vướng mắc, phát sinh, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, dự án.

Đồng thời, phát hiện những hạn chế, bất cập của quy định về giám sát, đánh giá đầu tư, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung.

Kế hoạch nêu rõ, đối với dự án vốn đầu tư công, dự án vốn nhà nước ngoài đầu tư công và dự án vốn khác cơ quan đầu mối chủ trì thực hiện kiểm tra là Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố.

 

Sở Giao thông vận tải là cơ quan đầu mối chủ trì thực hiện kiểm tra 5 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP, gồm dự án đường Vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - Quốc lộ 1 do Liên danh Công ty Cổ phần Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội cùng Công ty Xây dựng công trình Hoàng Mai làm chủ đầu tư, dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây do Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 5 -CTCP là nhà đầu tư...

Được biết, đường trục phía nam Hà Tây được khởi công từ 26/4/2008, tuy nhiên tiến độ triển khai rất chậm.

Đến tháng 12/2013, UBND thành phố chỉ đạo tạm dừng triển khai dự án, xác định điểm dừng kỹ thuật tại Km19+900. 

Trong quá trình triển khai dự án, có xảy ra tranh chấp nội bộ giữa nhà đầu tư với doanh nghiệp dự án, đồng thời phải giải quyết các tồn tại về thực hiện nghĩa vụ tài chính theo kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ.

Liên quan đến đường Vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng - Quốc lộ 1, dự án được UBND TP. Hà Nội phê duyệt quy hoạch từ năm 2002 với chiều dài khoảng 2,1km, mặt cắt đường 40m với tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, thực hiện theo hình thức hợp đồng BT (Xây dựng - Chuyển giao).

Theo kế hoạch dự án sẽ hoàn thành vào năm 2016 nhưng do công tác giải phóng mặt bằng đến 10 năm vẫn chưa xong nên dự án đã chậm tiến độ hơn 6 năm.

Đầu tháng 4 vừa qua, chính quyền quận Hoàng Mai tổ chức cưỡng chế 27 hộ tại ngõ 176 Định Công với diện tích khoảng 2.900m2 để tiến hành giải phóng, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Sở Giao thông vận tải là cơ quan đầu mối chủ trì thực hiện kiểm tra 5 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP. Nguồn: UBND TP. Hà Nội.
Sở Giao thông vận tải là cơ quan đầu mối chủ trì thực hiện kiểm tra 5 dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP. Nguồn: UBND TP. Hà Nội.

Đối với các dự án đầu tư vốn khác tại Kế hoạch 235/KH-UBND ngày 21/10/2021 của UBND thành phố về tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm luật đất đai, UBND TP. Hà Nội yêu cầu các sở có trách nhiệm tổ chức thực hiện đúng, đầy đủ theo nội dung, trách nhiệm, nhiệm vụ được UBND thành phố giao.

Về giám sát, đánh giá đầu tư đối dự án có vốn đầu tư nước ngoài, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu quy định tại Nghị định số 29/2021/NĐ-CP, Thông tư Số 02/2022/TT-BKHĐT ngày 14/02/2022 Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về công tác giám sát, đánh giá đầu tư đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

"Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất UBND thành phố tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư đối với dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và tổ chức thực hiện công tác giám sát, đánh giá dự án đầu tư nước ngoài thuộc thẩm quyền của UBND thành phố, thời hạn hoàn thành trước 30/4/2022", UBND TP. Hà Nội lưu ý.

UBND TP. Hà Nội cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn tối thiểu 5 dự án đầu tư công thực hiện đánh giá theo kế hoạch và đột xuất.

Đồng thời, giao các sở quản lý chuyên ngành: Xây dựng, Giao thông vận tải, Công thương, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Giáo dục, Văn hóa - Thể thao lựa chọn tối thiểu 2 dự án thuộc lĩnh vực ngành quản lý, tổ chức đánh giá hiệu quả đầu tư hoặc đánh giá tác động của dự án theo quy định.

UBND TP. Hà Nội yêu cầu cơ quan đầu mối chủ động lựa chọn, quyết định phương thức thực hiện kiểm tra, đánh giá các chương trình, dự án thuộc danh mục kế hoạch theo quy định, phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời, quyết định thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá, tổ chức thực hiện kiểm tra, đánh giá theo quy định...

Về phía các cơ quan, đơn vị được kiểm tra, chuẩn bị, cung cấp các tải liệu theo yêu cầu của cơ quan, đoàn kiểm tra. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan, đoàn kiểm tra trong quá trình thực hiện. Triển khai thực hiện thông báo, kết luận của cơ quan kiểm tra.

UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng, ban hành quy định phân công tổ chức thực hiện giám sát, đánh giá các chương trình, dự án đầu tư thuộc thẩm quyền của cấp huyện quản lý. Thời hạn hoàn thành chậm nhất trước ngày 30/4/2022, báo cáo UBND thành phố đồng thời gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư đề theo dõi.

Bên cạnh đó, tổ chức xây dựng, phê duyệt kế hoạch giám sát, đánh giá đầu tư các chương trình, dự án đầu tư của huyện năm 2022 theo quy định. Thời hạn hoàn thành chậm nhất trước ngày 15/5/2022 báo cáo UBND thành phố và gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi...

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate