Theo GS Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục quản lí chất lượng (Bộ Giáo dục Đào tạo), năm nay, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 1.071.393 (tăng hơn 45.000 thí sinh so với Kỳ thi năm 2023). Trong đó, thí sinh tự do là 46.978 chiếm 4,38% tổng số thi sinh. Thí sinh đăng ký trực tuyến là 1.014.020 chiếm 94,66% tổng số thí sinh.
Tổng số thí sinh đăng ký miễn thi Ngoại ngữ là 66.927 thí sinh chiếm 6,25% tổng số thí sinh (Trong đó, Hà Nội có: 21.554 thí sinh; TP HCM có: 13.076 thí sinh).
Tổng số điểm thi trên cả nước là 2.323 (tăng 51 điểm thi so với Kỳ thi năm 2023) với 45.149 phòng thi.
Đoàn công tác của Bộ Giáo dục Đào tạo đã kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 10 tỉnh/thành phố gồm: Lào Cai, Yên Bái, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Đà Nẵng, Long An, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc, TP. Hà Nội.
Qua đánh giá cho thấy, các Sở giáo dục đào tạo đã chủ động chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm tổ chức coi thi, chấm thi theo đúng quy định, đảm bảo thuận lợi tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Đội ngũ cán bộ làm thi được huy động và tổ chức tập huấn đầy đủ, đảm bảo nắm vững quy chế trước khi bố trí tham gia thực hiện các khâu của kỳ thi, đặc biệt cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra phải được tập huấn và đánh giá đạt yêu cầu mới bố trí làm nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, vẫn có một số địa phương vẫn còn chưa chuẩn bị đầy đủ điều kiện, chưa có giải pháp dự phòng cụ thể về nhân lực, trang thiết bị. Một số phòng thi còn tiếp giáp với đường hoặc khu dân cư nên cần chú trọng tăng cường an ninh an toàn vòng ngoài.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng đề nghị tất cả Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố tiếp tục quán triệt một cách đầy đủ, sâu sắc, nghiêm túc và cụ thể hóa những nhiệm vụ mà Thủ tướng đã nêu trong Chỉ thị số 15 ngày 16/5/2024. Trong đó nêu rất rõ đối với nhiệm vụ của Bộ Giáo dục Đào tạo, đối với UBND các tỉnh thành phố, kèm theo nhiệm vụ của các bộ ngành, liên quan như Công an, Viễn thông, Giao thông vận tải, Y tế...
Với các nhóm vấn đề, tựu chung lại có 4 từ khóa là “tuyệt đối an toàn” bao gồm an toàn về bảo quản, in ấn, vận chuyển đề thi, bài thi; an toàn về vệ sinh thực phẩm; an toàn về phòng chống cháy nổ; an toàn về điện nước; an toàn giao thông… Chức năng an toàn này ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi vị trí cần được cụ thể hóa, phân công trách nhiệm, rõ về nội dung và phương pháp chỉ đạo.
“Xử lý kịp thời những vấn đề, tình huống phát sinh, bất thường” tức là với quy mô lớn, phức tạp, hàng triệu thí sinh dự thi, hàng trăm nghìn cán bộ tham gia vào công tác thi thì không thể tránh khỏi những sơ suất, tình huống bất thường như thiên tai lũ lụt, điện, nước… phải có phương án dự phòng, có tiên lượng trước. Mặt khác, tuyệt đối không để thí sinh mang điện thoại, thiết bị vào phòng thi.
Thứ trưởng nhấn mạnh cần tiếp tục đề cao công tác con người. Dù hiện nay, các thiết bị công nghệ cao với mục đích gian lận xuất hiện tràn lan như thế nào đi nữa thì quan trọng nhất phải lựa chọn con người. Cần tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ, nhận thức để mỗi người thấy được trách nhiệm, thậm chí là những rủi ro nếu vi phạm, nguy cơ đối diện nếu gian lận, và hình thức xử lý nếu vi phạm.