“Hôm trước, báo Sài Gòn Giải Phóng có phản ánh việc Bí thư Thành ủy Tp.HCM Lê Thanh Hải trực tiếp tiếp xúc với dân để giải quyết hai vụ khiếu kiện. Sau khi gặp Bí thư, công dân Nguyễn Tấn Lực đã phát biểu rằng chỉ mất 20 phút đã xong việc, sau gần 20 năm đi khiếu kiện”.
Đây là dẫn chứng được đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nêu ra, khi ông nói về sự vô cảm, thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết vụ việc trong lĩnh vực đất đai, tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 7/11 về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai.
Đại biểu Hà Công Long (Gia Lai) dẫn chứng thêm một vụ việc tại dự án Lai Vu, đã có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2006, trong đó yêu cầu “phải tính toán lại diện tích đất dự án cụm công nghiệp tàu thủy Hải Dương, bảo đảm phù hợp để các hộ dân vẫn có đất để sản xuất".
Tuy nhiên, theo đại biểu Long, đến nay, đất đó như thế nào thì các vị đại biểu Quốc hội đã biết, và dân thì vẫn chưa có đất sản xuất.
Ngoài những nguyên nhân về bất cập của cơ chế chính sách, thái độ vô cảm của một bộ phận không nhỏ cán bộ giải quyết trước các vụ việc của người dân đã dẫn tới khiếu nại, tố cáo về đất đai vẫn chiếm tỷ lệ rất cao.
“Vụ việc cưỡng chế thu hồi đất tại một địa phương ở gần đây là một điển hình cho việc làm thiếu tình người, bất chấp pháp luật của chính quyền địa phương nơi này. Dư luận đặt câu hỏi, việc cưỡng chế thu hồi đất đầm nuôi tôm này nhằm mục đích gì nếu không được công luận lên tiếng? Ngay cả việc khởi tố nguyên phó chủ tịch của huyện này đã đúng người chủ mưu cầm đầu hay chưa? Tại sao vụ việc đã được nhiều cấp, thậm chí cả tòa án xem xét mà không đạt tới chân lý?”, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) phát biểu.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng, trong nhiều năm qua, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai diễn biến theo chiều hướng phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự quản lý đất đai, gây thiệt hại về mặt vật chất, gây mất an ninh trật tự và làm giảm lòng tin của nhân dân.
Vị đại biểu này cũng nhìn nhận, trong quản lý đất đai, thì lợi ích nhóm chính là "phần chìm của tảng băng nổi". Nhóm lợi ích đã khai thác triệt để những khe hở của pháp luật tác động vào quá trình xây dựng quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, đấu thầu quyền sử dụng đất, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân hối lộ người có thẩm quyền để đầu cơ trục lợi từ đất.
“Chúng tôi không lấy làm ngạc nhiên ở một số nơi chính quyền vì đứng về phía các nhà đầu tư nên không tuân thủ trình tự thủ tục thiếu công khai, dân chủ, công bằng trong việc thực hiện quy hoạch thu hồi đất, cưỡng chế thu hồi đất, gây thiệt hại cho lợi ích chính đáng của người dân”, đại biểu Hồng nói.
Trước những con số về khiếu kiện được nêu trong báo cáo giám sát, đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) khẳng định, để dẫn đến thực trạng này có nguyên nhân là "thái độ vô cảm, bàng quan với bức xúc của dân" của cán bộ hoặc "cố tình bao che vì lợi ích dòng họ, lợi ích nhóm"; việc bồi thường còn để xảy ra sai sót, thiếu công khai, minh bạch; cán bộ cố tình làm sai để sách nhiễu...
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate