October 04, 2022 | 11:05 GMT+7

Kiên Giang lập kỷ lục tăng trưởng cao nhất trong 10 năm

Du lịch Kiên Giang là ngành tăng trưởng mạnh nhất, lũy kế 9 tháng ước đón 6,11 triệu lượt khách, tăng 162,9% so cùng kỳ...

Ngành du lịch Kiên Giang tăng trưởng ấn tượng trong 9 tháng đầu năm 2022
Ngành du lịch Kiên Giang tăng trưởng ấn tượng trong 9 tháng đầu năm 2022

Theo báo cáo của UBND tỉnh Kiên Giang, trong quý 3 kinh tế - xã hội của địa phương này phục hồi và phát triển tốt, tăng trưởng quý 3 cao nhất trong 10 năm trở lại đây, góp phần cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng cao nhất trong 5 năm qua. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt trên 52.473 tỷ đồng, đạt 78,4% kế hoạch, tăng 8,61% cùng kỳ, đạt mức cao thứ hai kể từ năm 2012.

Kinh tế Kiên Giang phục hồi tốt, trong đó cao nhất là khu vực du lịch, dịch vụ, tổng giá trị tăng thêm ước 17.751 tỷ đồng, đạt 81,5% kế hoạch, tăng 16,63% so với cùng kỳ.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 21,55%; khách du lịch tăng 162,9%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 25,6%, đứng thứ 6/63 tỉnh, thành cả nước (chỉ sau: Bắc Giang, Cần Thơ, Quảng Nam, Vĩnh Long, Đắk Lắk); số doanh nghiệp thành lập mới tăng 45% về số lượng, đứng đầu khu vực ĐBSCL.

Về du lịch, luỹ kế 9 tháng ước đón 6,11 triệu lượt khách, vượt 9,2% kế hoạch và tăng 162,9% so cùng kỳ; trong đó khách quốc tế ước hơn 126.000 lượt, đạt 63,1% kế hoạch. Tổng doanh thu ước 7.738 tỷ đồng, tăng 219% so cùng kỳ, đạt 99,9% kế hoạch.

Ông Lâm Minh Thành, chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang đánh giá cao sự nỗ lực của các ngành và các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội trong quý 3, kịp thời tháo gỡ khó khăn cũng như trong công tác quản lý.

Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế của địa phương chưa toàn diện, một số chỉ tiêu sụt giảm hoặc đạt thấp so cùng kỳ như: Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản giảm 1,4%, nhất là khai thác giảm 6,9%; thu thuế bảo vệ môi trường mới đạt 48,4%, tiền thuê đất chỉ đạt 24,5%, tiền sử dụng đất đạt có 57,3%, thu xổ số kiến thiết giảm 10%; xuất khẩu hàng nông sản giảm 22%...

Giải ngân vốn đầu tư công quý 3/2022 có chiều hướng chậm lại, kết quả giải ngân đến 15/9/2022 thấp hơn so với chỉ tiêu đề ra chỉ đạt 18,92%. Tính đến ngày 30/9/2022, vẫn còn 13 đơn vị giải ngân thấp, dưới 45% kế hoạch, đáng lưu ý là một số ngành được giao vốn nhiều như: Giáo dục và Đào tạo (31,2%), Giao thông vận tải (41,9%), Văn hóa và Thể thao (6,76%), Du lịch (36,31%), Tài nguyên và Môi trường (3,16%), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (33,24%); các huyện: Kiên Lương (41,1%), Phú Quốc (31,4%).

Tình trạng tàu cá của ngư dân sang vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép còn xảy ra, trong đó thành phố Rạch Giá là địa phương có số vụ vi phạm cao hơn các địa phương khác. Cải cách hành chính chưa có sự chuyển biến rõ nét, nhất là giải quyết thủ tục hành chính quá hạn tăng so với cùng kỳ, công khai minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính đạt thấp so với trung bình cả nước, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến còn thấp.

Ông Lâm Minh Thành yêu cầu các ngành, các địa phương tiếp tục quán triệt và triển khai đầy đủ các Chương trình, Kế hoạch, Dự án, Phương án, nhiệm vụ... của từng ngành, từng địa phương, đồng thời tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, đảm bảo hoàn thành đạt và vượt mức các chỉ tiêu quý 4 và cả năm được giao.

UBND các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, chịu trách nhiệm nếu để xảy ra chậm trễ làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân vốn theo cam kết đã ký, phấn đấu tỷ lệ giải ngân năm 2022 đạt 100% kế hoạch.

Các sở, ngành, đặc biệt là các Ban quản lý khu kinh tế tăng cường các giải pháp, thường xuyên nắm bắt, tháo gỡ khó khăn hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh mạnh mẽ hơn nữa; tăng cường thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp, tập trung huy động vốn toàn xã hội. Phấn đấu trong quý IV giá trị sản xuất công nghiệp phải đạt từ 9.500 tỷ đồng trở lên.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate