Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh Kiên Giang trong quý 1/2023 đạt 6,25%, xếp thứ 4/13 tỉnh, thành phố vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long và 26/63 cả nước, hầu hết các ngành, lĩnh vực và hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục đà phục hồi tốt trong tháng 5 và 5 thàng đầu năm.
Với thế mạnh khai thác và nuôi trồng thủy sản, giá trị sản xuất thủy sản trên địa bàn tỉnh Kiên Giang trong tháng 5/2023 ước tính đạt 3.209,99 tỷ đồng, tăng 20,50% so với tháng trước, giảm 9,39% so cùng kỳ. Tính chung 5 tháng, ước tính đạt 11.816,64 tỷ đồng, bằng 33,15% kế hoạch năm, tăng 1,54% so cùng kỳ năm trước.
Theo Cục Thống kê tỉnh Kiên Giang, sản lượng thủy sản nuôi trồng của tỉnh tăng so với cùng kỳ chủ yếu nhờ 2 nhóm thủy sản là tôm các loại và thủy sản khác, các sản phẩm thu hoạch chủ yếu là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, tôm càng xanh và một số loài nhuyễn thể khác như sò huyết, sò lông, vẹm xanh,...
Trong tháng 5/2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính tăng 1,52% so tháng trước, tăng 6,11% so cùng tháng năm trước. Cụ thể: ngành chế biến, chế tạo tăng 6,09%; ngành khai khoáng tăng 9,76%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước tăng 8,34%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,87%.
Tính chung 5 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,09% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng tăng 8,77%; ngành chế biến, chế tạo tăng 10,08%.
Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường khó khăn, kim ngạch xuất, nhập khẩu của tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng tương đối. Trong đó, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 5 ước đạt 90 triệu USD, tăng tăng 11,87% so cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 14 triệu USD tăng 11,29% so với cùng kỳ.
Tính chung 5 tháng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 329,76 triệu USD, đạt 38,34% kế hoạch năm, tăng 1,14% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 65,74 triệu USD, đạt 41,09% kế hoạch năm, tăng 8,07% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng nhập khẩu, chủ yếu vẫn là nguyên liệu dùng cho sản xuất.
Tính đến nay, giá trị giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh Kiên Giang đạt hơn 1.109 tỷ đồng, bằng 17,7% kế hoạch. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang, mặc dù giá trị giải ngân vốn đầu tư công trong 5 tháng đầu năm nay đạt thấp so với mục tiêu đặt ra nhưng tăng 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2022. Một số sở, ngành, đơn vị giá trị giải ngân đạt cao so với mức bình quân của tỉnh. Tỉnh đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đầu năm 2023 đạt 2.291 tỷ đồng, bằng 36,72% kế hoạch năm.
Trong tháng 5, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của tỉnh ước đạt 11.377,22 tỷ đồng, tăng 33,51% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng ước tính đạt 54.099,50 tỷ đồng, bằng 46,18% kế hoạch năm, tăng 24,1% so cùng kỳ.
Mặc dù chưa bước vào tháng cao điểm hè, nhưng lượng khách du lịch đến tỉnh Kiên Giang đã có mức tăng trưởng khá. Trong tháng 5, lượng khách du lịch ước đạt 884,14 ngàn lượt, tăng 7,17% so với tháng trước và tăng 64,64% so với cùng kỳ. Tính chung 5 tháng, tổng lượng khách du lịch ước đạt 4.001,53 ngàn lượt khách, bằng 48,21% kế hoạch năm, tăng 40,18% so cùng kỳ năm trước.
Theo đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tháng 5 ước đạt 2.642 tỷ đồng, tăng 107,81% so cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch ước đạt 69,33 tỷ đồng, tăng 154,87% so cùng tháng năm trước.
Tính chung 5 tháng doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước tính đạt 11.550,87 tỷ đồng, bằng 52,27% kế hoạch năm và tăng 90,64% so cùng kỳ; doanh thu du lịch lữ hành và hoạt động hỗ trợ du lịch ước tính đạt 327,4 tỷ đồng, bằng 54,57% kế hoạch năm, tăng 145,46% so cùng kỳ năm trước.
Lý giải về mức tăng trưởng của ngành du lịch, bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, Cục Thống kê tỉnh Kiên Giang cho biết, trong tháng 5, tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại - dịch vụ, vận tải trên địa bàn tỉnh khá sôi động. Do có kỳ nghỉ Lễ 30/4 và 1/5 kéo dài nên lượng khách đến tham quan du lịch tại các điểm du lịch tăng so với các tháng đầu năm, kéo theo các dịch vụ ăn uống, lưu trú, nhà hàng, khách sạn tăng trưởng khá.
Bên cạnh đó, tình hình thị trường cung - cầu hàng hóa luôn đảm bảo đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, giá cả không có nhiều biến động, nguồn cung dồi dào, đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân trong tỉnh cũng như du khách đến với Kiên Giang.
Nhằm thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển, thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung xây dựng Đề án xây dựng Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Triển khai các giải pháp, nhiệm vụ để kích cầu du lịch gắn với chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, tiếp tục phục hồi và phát triển ngành du lịch của tỉnh.