Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Luật Điện ảnh được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/6/2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 18/6/2009 đến nay đã bộc lộ những thiếu sót, bất cập, không còn phù hợp hoặc đã bị bãi bỏ hoặc được quy định tại luật chuyên ngành khác.
Thậm chí, một số quy định không khả thi do đặc thù của điện ảnh như chưa quy định về mô hình và lĩnh vực hoạt động cùng nguồn thu ổn định lâu dài để Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh tồn tại, phát triển và hoạt động hiệu quả; Quy định cấp phép tổ chức chiếu giới thiệu phim Việt Nam tại nước ngoài; quy định đặt văn phòng đại diện của cơ sở điện ảnh Việt Nam tại nước ngoài;...
Ngoài ra, một số vấn đề mới phát sinh cần bổ sung vào Luật Điện ảnh như: Công nghiệp điện ảnh, thị trường điện ảnh, ứng dụng công nghệ kỹ thuật số trong các khâu sản xuất, phát hành, phổ biến và lưu trữ phim; Quản lý nội dung phim phát hành, phổ biến trên không gian mạng và tại địa điểm công cộng; Quy định về phân loại và hiển thị mức phân loại, cảnh báo nội dung phim; Cơ chế thu hút, khuyến khích sản xuất, ưu đãi đoàn làm phim nước ngoài quay phim tại Việt Nam…
"Từ thực tế đó, việc sửa đổi Luật điện ảnh là cần thiết nhằm thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng về văn hóa nói chung và về điện ảnh nói riêng. Đồng thời, khắc phục những bất cập của Luật Điện ảnh hiện hành; bảo đảm phù hợp với các luật hiện hành của Việt Nam và cam kết trong điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; đáp ứng yêu cầu về chuyển đổi số trong hoạt động điện ảnh", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ.
ĐỀ XUẤT MỚI VỀ QUY ĐỊNH PHỔ BIẾN PHIM TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG
Theo Tờ trình, dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) gồm 8 chương, 50 điều, trong đó kế thừa, chỉnh lý, sửa đổi và bổ sung 32 điều, quy định mới 18 điều so với Luật Điện ảnh hiện hành.
Trong đó, một nội dung đáng chú ý là về quy định liên quan tới phổ biến phim trên không gian mạng (điểm b khoản 1 Điều 22). Dự thảo Luật quy định tổ chức, cá nhân phổ biến phim trên không gian mạng phải tự phân loại, hiển thị kết quả phân loại phim theo quy định tại Điều 33 Luật Điện ảnh và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả phân loại phim.
Theo đó, nhà phát hành, phổ biến phim thực hiện theo các quy định về nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh (Điều 10) và phân loại phim (Điều 33) để tự phân loại và hiển thị kết quả phân loại, cảnh báo cần thiết về nội dung phim cho người xem.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông kiểm tra, xử lý việc tự phân loại phim phổ biến trên không gian mạng theo quy định của pháp luật.
"Đây được xem là cách tiếp cận mới và linh hoạt trong bối cảnh phát triển không ngừng của dịch vụ phát hành, phổ biến phim trực tuyến, giúp giảm thiểu gánh nặng về chi phí và nhân sự cho các nhà quản lý điện ảnh, tăng cường hội nhập quốc tế, tăng cường thương mại điện tử xuyên biên giới", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hừng cho biết.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, để thực hiện phương án cần xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Điện ảnh (sửa đổi), các quy định về tiêu chí, nội dung phân loại cần hết sức cụ thể. Bên cạnh đó cần xây dựng bộ máy kiểm tra, kiểm soát, hệ thống phản hồi cùng lực lượng thanh tra hoạt động thường xuyên, liên tục để giám sát và xử lý kịp thời những vi phạm.
Có ý kiến đề nghị, dự thảo Luật quy định: “Chỉ được phổ biến phim khi có Giấy phép phân loại phim do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp hoặc Quyết định phân loại của cơ quan báo chí có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình thì được phép phổ biến trên không gian mạng”.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, với kiến nghị này, cần xem xét kỹ lưỡng đặc biệt về mặt kỹ thuật, về nhân lực và khả năng thực hiện kiểm soát, thẩm định nội dung phim trong bối cảnh phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, thương mại điện tử xuyên biên giới.
"Với khối lượng đăng tải và truy cập phim hiện nay chưa có giải pháp hiệu quả nhằm kiểm soát khối lượng thông tin này. Cần nghiên cứu, đầu tư, xây dựng trung tâm kiểm soát với nhân lực trình độ cao, áp dụng công nghệ hiện đại để có thể kiểm tra, giám sát các nền tảng trực tuyến cung cấp nội dung phim. Bên cạnh đó, phải xây dựng hệ thống chế tài mạnh mẽ và hiệu quả để xử lý kịp thời các vi phạm trong hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng", Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch nêu rõ.
ĐIỂM MỚI VỀ QUY ĐỊNH QUẢNG BÁ, PHÁT TRIỂN ĐIỆN ẢNH
Ngoài ra, một trong những điểm mới của dự thảo Luật (sửa đổi) với Luật Điện ảnh hiện hành là quy định về quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh và Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh.
Theo đó, từ Điều 38 đến Điều 42 quy định về nội dung quảng bá, xúc tiến điện ảnh; Liên hoan phim Việt Nam, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội; liên hoan phim, liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề; giải thưởng phim, cuộc thi phim; chương trình phim và tuần phim tại Việt Nam; tổ chức Chương trình phim, tuần phim Việt Nam tại nước ngoài; phim tham gia liên hoan phim, liên hoan phim chuyên ngành, chuyên đề, giải thưởng, cuộc thi phim, chương trình phim, tuần phim nước ngoài; thu hút tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam.
Từ Điều 43 đến Điều 45 quy định về việc thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh; mục đích và nguyên tắc hoạt động của Quỹ Hỗ trợ phát triển điện ảnh.
Bên cạnh đó, với một số vấn đề có ý kiến khác nhau, Chính phủ trình Quốc hội 2 phương án để xem xét, quyết định.
Cụ thể, về quy định sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước (khoản 4 Điều 15), Dự thảo Luật đưa ra 2 phương án.
Phương án thứ nhất, sản xuất phim bằng nguồn ngân sách nhà nước được thực hiện theo một trong hai hình thức giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng. Tuy nhiên, phương án 1 hiện còn những vấn đề chưa phù hợp với các quy định của Nhà nước về việc sử dụng vốn ngân sách và các quy định về đấu thầu, đặt hàng dịch vụ công.
Phương án thứ hai, giữ nguyên quy định của Luật hiện hành (bao gồm giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu sản xuất phim). Tuy nhiên, từ khi Luật Điện ảnh ra đời, chưa thể thực hiện việc đấu thầu sản xuất phim do gặp nhiều khó khăn.