Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri các địa phương về chính sách cho doanh nghiệp nợ, giãn thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
Cử tri kiến nghị cho nợ, giãn đóng bảo hiểm từ 3 -6 tháng để doanh nghiệp có vốn duy trì sản xuất, tạo công ăn việc làm nhằm chăm lo, giữ chân người lao động.
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động và người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ, kịp thời để người lao động được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội khi đủ điều kiện theo quy định.
Để tạo điều kiện giúp người sử dụng lao động vượt qua khó khăn, sớm ổn định sản xuất, kinh doanh và tiếp tục thực hiện đầy đủ chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động, Điều 88 Luật Bảo hiểm xã hội và Điều 16 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định cho phép người sử dụng lao động gặp khó khăn, đáp ứng đủ điều kiện được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian không quá 12 tháng (không phải tính lãi chậm đóng).
Do đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị người sử dụng lao động (doanh nghiệp) căn cứ quy định pháp luật nêu trên, trường hợp xét thấy đủ điều kiện thì lập hồ sơ theo quy định tại Điều 28 Thông tư số 59/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, gửi cơ quan Bảo hiểm xã hội để được xem xét, giải quyết theo quy định.
Về bảo hiểm thất nghiệp, Bộ cho biết hiện nay, Luật Việc làm chưa có quy định về chính sách cho doanh nghiệp nợ, giãn thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp và việc quy định chính sách này thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Thời gian qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi), đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 89/2023/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Do đó, về kiến nghị của cử tri các địa phương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết sẽ nghiên cứu để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện dự án Luật Việc làm (sửa đổi), dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6/2024 để Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu vào Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).
Đối với vấn đề liên quan bảo hiểm y tế, Bộ đề nghị địa phương gửi văn bản cụ thể đến Bộ Y tế để được xem xét, trả lời theo thẩm quyền.
Ngoài vấn đề liên quan đến bảo hiểm, cử tri các địa phương cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, điều chỉnh sửa đổi quy định tại khoản 4 Điều 9 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP về xác nhận lại kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài để tạo điều kiện thuận lợi cho những người lao động nước ngoài đã làm việc rất lâu tại Việt Nam.
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thông tin, theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 1 Nghị định số 70/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152, văn bản chứng minh kinh nghiệm của người lao động nước ngoài là văn bản xác nhận của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại nước ngoài về số năm kinh nghiệm của chuyên gia, lao động kỹ thuật, hoặc giấy phép lao động đã được cấp, hoặc xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động đã được cấp.