November 09, 2021 | 15:15 GMT+7

Kiến nghị đẩy nhanh tiến độ 3 chương trình mục tiêu quốc gia, chuyển 16.000 tỷ năm 2021 sang 2022

Quang Trung -

Đại biểu Vũ Tuấn Anh thống nhất với đề xuất chuyển nguồn 16.000 tỷ đồng từ năm 2021 sang năm 2022 để tổng nguồn vốn ngân sách trung ương cho thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2022 sẽ là 24.000 tỷ đồng...

Đại biểu Vũ Tuấn Anh (Phú Thọ) phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Vũ Tuấn Anh (Phú Thọ) phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: Quochoi.vn

Tham gia phiên thảo luận sáng 9/11 của Quốc hội, đại biểu Vũ Tuấn Anh (Phú Thọ) cho biết trong giai đoạn 2021-2025, Quốc hội đã phê duyệt chủ trương đầu tư 3 chương trình mục tiêu quốc gia để triển khai trong giai đoạn 2021-2025 nhưng việc triển khai đến nay vẫn còn rất chậm.

“Đến giữa tháng 10/2021, Thủ tướng Chính phủ mới có quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2030. Tại kỳ họp này, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép chuyển nguồn từ năm 2021 sang năm 2022 toàn bộ 16.000 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương đã được Quốc hội quyết định để bố trí cho 3 chương trình mục tiêu. Như vậy, từ nay đến hết năm 2021 sẽ không tiến hành phân bổ, giao kế hoạch vốn và triển khai được các chương trình mục tiêu quốc gia này”, đại biểu chỉ ra.

NHẤT TRÍ CHUYỂN 16.000 TỶ NĂM 2021 SANG NĂM 2022

Theo đại biểu Vũ Tuấn Anh, để bảo đảm thực hiện mục tiêu các chương trình đã đề ra, đáp ứng mong mỏi, nguyện vọng của đồng bào cử tri, nhất là khu vực miền núi, khu vực còn nhiều khó khăn, Chính phủ cần quyết liệt chỉ đạo ngay các bộ, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, sớm quyết định đầu tư 2 chương trình mục tiêu quốc gia còn lại.

Cùng với đó, sớm ban hành quy định về nguyên tắc lồng ghép nguồn vốn của ba chương trình. Ban hành tiêu chí xác định các dân tộc còn nhiều khó khăn, quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức, phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ đối ứng ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Toàn cảnh phiên họp sáng 9/11 - Ảnh: Quochoi.vn
Toàn cảnh phiên họp sáng 9/11 - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ ban hành bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp theo các nghị quyết đã được Quốc hội ban hành làm căn cứ để phân bổ vốn, cân đối nguồn lực và triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Đại biểu Vũ Tuấn Anh thống nhất với đề xuất chuyển nguồn 16.000 tỷ đồng từ năm 2021 sang năm 2022 để tổng nguồn vốn ngân sách trung ương cho thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2022 sẽ là 24.000 tỷ đồng.

Theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, thẩm quyền phân bổ ngân sách Trung ương cho các bộ, ngành, địa phương là của Quốc hội. Tuy nhiên, để bảo đảm kịp thời triển khai chương trình và cũng để rõ trách nhiệm, tránh hình thức, đại biểu nhất trí với đề nghị của Chính phủ là Quốc hội ủy quyền cho Chính phủ phân bổ chi tiết và Chính phủ chịu trách nhiệm việc phân bổ. Quốc hội và các cơ quan liên quan sẽ giám sát, kiểm tra.

Đồng thời, đại biểu cho rằng cần có quy định thời hạn cụ thể mà Chính phủ phải hoàn thành việc phân bổ vốn các chương trình mục tiêu quốc gia cho từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

“Theo tôi nên quy định là chậm nhất trong tháng 3/2022 để kịp thời triển khai thực hiện”, đại biểu đoàn Phú Thọ nêu ý kiến.

LÀM RÕ NGUYÊN NHÂN CHẬM TRỄ, KỊP THỜI CHẤN CHỈNH

Đồng tình với đại biểu Vũ Tuấn Anh, đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) cũng cho rằng các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình đầu tư cho chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đang được triển khai “hết sức châm trễ”.

Đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Leo Thị Lịch (Bắc Giang) - Ảnh: Quochoi.vn

“Các dự án thuộc chương trình trong kế hoạch năm 2021 đến nay đều chưa triển khai được vì chưa được giao vốn. Trong khi hầu hết các chương trình chính sách dân tộc đã hết hiệu lực vào năm 2020. Nhiều chính sách được tích hợp vào chương trình, việc không triển khai kịp thời chương trình làm cho các chính sách dân tộc bị gián đoạn, làm chậm cơ hội tiếp cận nguồn lực để phát triển ảnh hưởng trực tiếp đến đồng bào, nhân dân khu vực đang khốn khó lại càng khó khăn hơn”, đại biểu phản ánh.

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm để xảy ra sự chậm trễ này. Đồng thời, chấn chỉnh, xác định rõ nhiệm vụ thực thi của từng bộ, ngành, địa phương và cơ chế phối hợp trong tổ chức thực hiện chương trình trong thời gian tới.

Để kịp thời triển khai các dự án đầu tư công 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Leo Thị Lịch cũng đề nghị Quốc hội cho phép Chính phủ chuyển nguồn 16.000 tỷ kế hoạch vốn ngân sách trung ương của 3 chương trình trên sang năm 2022 và đồng thời cho phép Chính phủ ban hành cơ chế cấp vốn toàn bộ đối với nguồn vốn ODA để triển khai chương trình cho các địa phương phụ thuộc từ 90% ngân sách trung ương trở lên.

“Theo tôi, đây là một đề nghị hợp lý, kính mong Quốc hội đồng ý chấp thuận, bởi nhu cầu nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030 là rất lớn so với khả năng đáp ứng ngân sách của trung ương”, đại biểu nêu ý kiến.

“Với đặc thù hầu hết các địa phương thụ hưởng chương trình là các tỉnh vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi rất khó khăn về ngân sách, phải phụ thuộc chủ yếu vào vốn hỗ trợ và nguồn hỗ trợ ngân sách của trung ương. Nếu trung ương vay vốn ODA để cho các địa phương vay lại thì cũng rất khó có khả năng trả nợ”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate