March 02, 2012 | 08:51 GMT+7

Kiến nghị gia hạn nợ cho các doanh nghiệp chế biến điều

Y Nhung

Hiện nay các doanh nghiệp chế biến điều xuất khẩu đang gặp khó khăn do vậy họ cần được gia hạn nợ cho các khoản vay

Hiện ngành điều cũng đang phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt lao động.
Hiện ngành điều cũng đang phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt lao động.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước kiến nghị gia hạn nợ vay cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu điều.

Văn bản số 467 /BNN-CB của bộ này nêu rõ, hiện nay, ngành điều đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới. Mặt khác, trong sản xuất chế biến điều cũng cũng gặp khó do thiếu lao động nên nguyên liệu nhập về để chế biến xuất khẩu bị tồn kho rất lớn. Vì vậy, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu điều rất khó có thể trả nợ ngân hàng khi các khoản vay đã đến hạn.

Nhằm giúp ngành điều trụ vững trên thị trường và đạt mục tiêu xuất khẩu năm 2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho phép các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu điều được gia hạn các khoản vay cũ đã đến hạn phải trả của năm 2011- 2012 thêm 6 tháng và hạ lãi suất cho các khoản vay này theo mặt bằng lãi suất hiện hành.

Hai tháng đầu năm, theo số liệu từ Trung tâm Tin học và Thống kê (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) xuất khẩu hạt điều ước đạt 20 nghìn tấn, kim ngạch khoảng 151 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước lượng xuất khẩu chỉ tăng 1,1%, nhưng giá trị xuất khẩu tăng tới 9,1%. Giá điều xuất khẩu bình quân đạt 7.605 USD/tấn, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2011.

Mặc dù vậy, sự sụt giảm về nhu cầu đối với sản phẩm điều chế biến đã  thấy ở hầu hết các thị trường lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, ngoại trừ Trung Quốc, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Thái Lan.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate