Phát biểu tại hội trường chiều 23/5/2024, nêu một số ý kiến của cử tri về việc quản lý, sản xuất, kinh doanh vàng, đại biểu Quốc hội đoàn tỉnh Tây Ninh Trần Hữu Hậu cho biết thời gian gần đây, việc các cơ quan chức năng siết chặt quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh vàng được cử tri đặc biệt quan tâm. Về cơ bản, cử tri rất đồng tình, tuy nhiên có một số vướng mắc cụ thể từ phía các doanh nghiệp và dẫn đến hiện tượng không ít doanh nghiệp đã tạm thời đóng cửa
DOANH NGHIỆP KINH DOANH VÀNG GẶP KHÓ ĐỂ CHỨNG MINH NGUỒN GỐC HÀNG HÓA
Cụ thể ngày 25/4 vừa qua, Hiệp hội doanh nghiệp Tây Ninh đã tổ chức đối thoại giữa các doanh nghiệp kinh doanh vàng và các cơ quan quản lý liên quan. Qua đó, Hiệp hội doanh nghiệp Tây Ninh đã tổng hợp và gửi một số kiến nghị đến Đoàn đại biểu Quốc hội Tây Ninh với có 3 nội dung chính.
Theo đại biểu, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp kinh doanh vàng hiện nay là chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa với các cơ quan chức năng. Nguyên nhân của khó khăn này là phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh vàng là doanh nghiệp tư nhân, chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể, các cửa hàng vàng bạc sang doanh nghiệp theo yêu cầu của quản lý nhà nước.
Do đó tài sản, hàng hóa, vốn kinh doanh còn chưa rõ ràng. Ví dụ số vàng của gia đình từ nhiều đời để lại được đưa vào kinh doanh mà không ghi trong vốn khi đăng ký thành lập doanh nghiệp và cũng không kê khai.
Khó khăn thứ hai, việc mua vàng lẻ của người dân mang đến bán do thói quen nên doanh nghiệp không kê khai thông tin. Mặt khác người dân cũng ngại không cung cấp thông tin cá nhân. Do đó để thuận lợi trong việc mua bán, doanh nghiệp không lấy thông tin và cũng không kê khai.
Ngoài ra, theo đại biểu, vàng mua từ nhiều người dân được doanh nghiệp nấu chung, phân kim thành một cục chung, không thể xác định được rõ nguồn gốc mua của vàng. Một thực trạng là nhiều doanh nghiệp vẫn hoạt động theo thói quen của hộ kinh doanh, chưa thực hiện đúng chuẩn mực kế toán dẫn đến tình trạng chênh lệch sổ sách và thực tế, khó khăn cho công tác kiểm tra và quản lý của nhà nước.
Về mặt quản lý nhà nước, có thể nói mặc dù đã có những quy định khá rõ ràng và có từ lâu về việc kê khai khi mua bán, nhưng công tác kiểm tra, giám sát, quản lý của các cơ quan chức năng thời gian vừa qua còn chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên cũng khiến cho doanh nghiệp chủ quan, lơ là trong việc thực hiện các quy định.
Từ thực trạng đó, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đề xuất cho phép doanh nghiệp tự kê khai lại hàng hóa tồn kho theo một thời điểm nhà nước quy định. Bảng kê khai này được coi là căn cứ xác định nguồn gốc vàng hiện có, sau thời điểm đó, mọi hàng hóa nhập vào, xuất ra doanh nghiệp phải thực hiện đúng, đủ các quy định quản lý.
Nếu nhà nước cho phép như vậy sẽ tháo gỡ được khó khăn, vướng mắc hiện nay của doanh nghiệp và của cả các cơ quan quản lý trong việc xử lý số vàng không chứng minh được nguồn gốc. Ngoài ra, nhà nước sẽ thống kê được lượng vàng các doanh nghiệp hiện nắm đưa vào kinh doanh, đó là cơ sở dữ liệu quan trọng phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về tiền tệ và điều hành kinh tế vĩ mô.
Đại biểu tỉnh Tây Ninh cũng nêu một số vướng mắc trong vấn đề nhãn hiệu hàng hóa, đề nghị cơ quan chức năng xem xét. Người dân có nhu cầu về vàng, trang sức có hình dạng, logo của các hãng danh tiếng thế giới. Đề nghị cơ quan chức năng công bố danh mục nhãn hiệu được bảo hộ để doanh nghiệp không vi phạm, đồng thời không xử phạt doanh nghiệp khi chế tác và kinh doanh những nhãn hiệu không đăng ký bảo hộ.
Cùng với đó, doanh nghiệp mua vàng trang sức do doanh nghiệp khác chế tác từ vàng trang sức còn mới, nếu liên hệ để bán lại cho doanh nghiệp chế tác kinh doanh thì trong nhiều trường hợp rất khó khăn do ở xa và thậm chí không biết ở đâu. Nếu đưa nấu lại thì tăng chi phí và lãng phí. Đề nghị có quy định phù hợp cho kinh doanh trong trường hợp này.
Khó khăn thứ ba, các doanh nghiệp kinh doanh vàng đều bày tỏ mong muốn tuân thủ pháp luật và đồng tình với việc cần tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất kinh doanh vàng. Tuy nhiên, trong trường hợp kiểm tra đột xuất cần phải đảm bảo minh bạch và đúng quy định…
CẦN GIẢI PHÁP DÀI HẠN ĐỂ QUẢN LÝ, BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG VÀNG
Trước đó, trong phiên thảo luận ở tổ sáng 23/5 về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước, đại biểu Tạ Thị Yên, đoàn Điện Biên, nhắc đến một số biến động bất thường của thị trường như thị trường vàng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian vừa qua cho thấy có sự không ổn định.
Điều đó cho thấy cần sớm có sự chỉ đạo, tháo gỡ, bình ổn, truyền thông làm rõ, để tránh những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, xáo động tâm lý của người dân.
Đối với thị trường vàng, theo đại biểu Yên, có thể thấy rõ đây không phải là nhu cầu thực tế của người dân mà có thể là do một số đối tượng đầu cơ, lũng đoạn thị trường để trục lợi.
Chỉ rõ “việc quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập”, đại biểu Phạm Văn Hoà, đoàn Đồng Tháp, cho hay giá vàng biến động mạnh, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn dẫn đến buôn lậu vàng diễn biến phức tạp, có khả năng tác động tiêu cực đến ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, cần giải pháp dài hạn để quản lý, bình ổn thị trường vàng.
Để thị trường vàng ổn định, không lên xuống bất thường như hiện nay, đại biểu kiến nghị cần bỏ độc quyền vàng miếng và nhập khẩu vàng, sửa đổi bổ sung Nghị định 24 của Chính phủ cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu và in vàng miếng dưới sự quản lý chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước.
Cùng quan tâm đến giá vàng, đại biểu đoàn Hà Nội Phạm Đức Ấn cho rằng cần hết sức thận trọng trong quản lý vàng, nếu đầu tư chạy theo vàng quốc tế có khi mất nhiều hơn được và có thể quay lại tình trạng “vàng hoá” như trước đây.
Theo đại biểu, việc Ngân hàng Nhà nước càng đấu thầu, vàng càng lên giá chỉ là hiện tượng trong giai đoạn đầu. Thời gian tới, cơ quan chức năng cần hoàn thiện phương thức, chính sách quản lý phù hợp đối với vàng để tránh vàng hoá.
Cũng theo một số đại biểu, cần đặc biệt lưu tâm đến giá vàng tăng bất thường càng ngày càng chênh lệch cao so với giá vàng thế giới, phải có biện pháp điều tiết đưa giá vàng ngang bằng với thế giới một cách linh hoạt...