July 24, 2024 | 16:33 GMT+7

Kiến nghị hỗ trợ mua bảo hiểm y tế cho người từ 75 đến dưới 80 tuổi

Thu Hằng -

Cử tri tỉnh Phú Yên kiến nghị Bộ Y tế có chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm y tế một phần, hoặc 100% đối với những người từ 75 đến 79 tuổi...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Ngày 24/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Phú Yên sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV.

Bộ Y tế cho biết đã nhận được báo cáo của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri sau Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến lĩnh vực quản lý của ngành Y tế.

Theo đó, cử tri tỉnh Phú Yên kiến nghị Bộ Y tế có chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm y tế một phần, hoặc hỗ trợ 100% đối với những người có độ tuổi từ 75 tuổi đến 79 tuổi.

Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ Y tế thông tin, theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, đối tượng người từ 75 đến 79 tuổi trong một số trường hợp được ngân sách Nhà nước đóng, hoặc hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế.

Bao gồm: Người có công với cách mạng; người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo, hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn; người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo.

Ngoài ra, nếu thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, sẽ được giảm trừ mức đóng theo quy định của pháp luật bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, cử tri tỉnh Phú Yên cũng phản ánh, thực hiện Nghị định số 73/2024/NĐ- CP ngày 30/6/2024 quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, từ ngày 1/7/2024, mức lương cơ sở là 2,34 triệu đồng/tháng thay cho mức 1,8 triệu đồng.

Theo đó, khi người dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện, mức đóng cũng tăng theo, trong khi thu nhập người dân còn khó khăn. Vì vậy, cử tri kiến nghị Bộ Y tế xem xét, có chính sách hỗ trợ phù hợp đối với đối tượng tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện.

Về vấn đề này, Bộ Y tế cho biết bảo hiểm y tế là một trong những chính sách quan trọng, nhằm đảm bảo chăm sóc sức khỏe toàn dân, thực hiện nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia bảo hiểm.

Theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, mức đóng bảo hiểm y tế được tính toán dựa vào khả năng đóng của các nhóm đối tượng, mức lương cơ sở, phạm vi quyền lợi, và khả năng cân đối của Quỹ Bảo hiểm y tế.

Luật Bảo hiểm y tế cũng quy định, đối tượng được ngân sách Nhà nước đóng, hoặc hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế, bao gồm: (1) Người có công với cách mạng; (2) Người thuộc hộ gia đình nghèo theo Chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022- 2025; (3) Người thuộc hộ chuẩn hộ nghèo, chuẩn hộ cận nghèo, chuẩn hộ có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025; (4) Hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025.

(5) Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; (6) Người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; (7) Người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Khi cá nhân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện thì được xem là tham gia theo đối tượng hộ gia đình. Luật Bảo hiểm y tế quy định mức đóng giảm dần đối với đối tượng tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình.

Cụ thể, người thứ nhất đóng tối đa bằng 6% mức lương cơ sở. Người thứ 2, thứ 3, thứ 4 lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất. Từ người thứ 5 trở đi, đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.

Theo Bộ Y tế, việc giảm trừ mức đóng bảo hiểm y tế được thực hiện, khi các thành viên tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình cùng tham gia trong năm tài chính.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate