Cử tri thành phố Cần Thơ đề nghị sớm đầu tư dự án đường sắt cao tốc từ TP.HCM đến Cần Thơ nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ Xây dựng cho biết thống nhất với kiến nghị của cử tri Thành phố Cần Thơ về việc sớm đầu tư xây dựng tuyến đường sắt kết nối khu vực đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM. Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ có chiều dài khoảng 174 km, quy mô kỹ thuật là đường khổ đôi 1435 mm; lộ trình nghiên cứu, đầu tư trước năm 2030.
Theo Bộ Xây dựng, Cần Thơ với vai trò quan trọng kết nối trung tâm vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với trung tâm vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ cung ứng hàng hóa của vùng ra thị trường tiêu thụ; thực hiện các chủ trương của Bộ Chính trị và quy hoạch mạng lưới đường sắt, hiện nay cơ quan chức năng đang triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình cấp có thẩm quyền xem xét, phấn đấu khởi công trước năm 2030.
Giữa tháng 3/2025, Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Cần Thơ do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 18/BDN. Nội dung kiến nghị như sau: Đề nghị quan tâm đầu tư và kết nối đồng bộ dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam có các hợp phần để thông suốt đến các thành phố lớn, trong đó có thành phố Cần Thơ, nhằm đảm bảo nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của các tỉnh, thành trong cả nước.
Trước đó, Bộ Xây dựng cũng nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Cần Thơ, đề nghị sớm xúc tiến các thủ tục đầu tư dự án đường sắt cao tốc từ TP.HCM đến Thành phố Cần Thơ, để dự án triển khai thực hiện, góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ Xây dựng trả lời như sau: Tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 172/2024/QH15 ngày 30/11/2024 có điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM) có chiều dài 1541 km, khổ đường 1435 mm, dự kiến khởi công 2027, phấn đấu hoàn thành năm 2035. Bộ Xây dựng thống nhất với kiến nghị của cử tri, để phát huy cao hiệu quả đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao, hình thành mạng lưới đường sắt theo quy hoạch cần thiết phải nghiên cứu, đầu tư các tuyến đường sắt kết nối với đường sắt tốc độ cao.
Hiện nay, trong quy hoạch mạng lưới đường sắt, quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của các địa phương dọc tuyến đường sắt tốc độ cao, đều cơ bản đã định hướng phát triển các tuyến đường sắt đô thị kết nối với đường sắt tốc độ cao, lộ trình đầu tư phụ thuộc nhu cầu vận tải, khả năng huy động nguồn lực.
Đối với dự án đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ, Bộ Xây dựng đang triển khai công tác lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư, phấn đấu hoàn thành khai thác đồng bộ với tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.
Dự án đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ có lộ trình và hướng tuyến bắt đầu từ ga An Bình (tỉnh Bình Dương cũ) đến ga Cần Thơ (Thành phố Cần Thơ), đi qua địa bàn sáu tỉnh và thành phố gồm Bình Dương (nay là TP.HCM), TP.HCM, Long An (nay là Tây Ninh), Tiền Giang (nay là Đồng Tháp), Vĩnh Long và Cần Thơ với tổng chiều dài 174,42 km. Toàn tuyến bố trí 15 ga, 11 trạm bảo dưỡng, sửa chữa, khám xe... Tổng mức đầu tư ước khoảng 7 tỷ USD.