Theo báo cáo mới nhất của Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh này từ đầu năm tới nay đạt trên 18 tỷ USD, giảm 23,2% so với cùng kỳ năm 2022. Điều này cho thấy những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và thị trường tiêu thụ.
Xét về từng thành phần, giá trị xuất khẩu những tháng đầu năm 2023 của tỉnh này ước đạt 11,56 tỷ USD, giảm 20,1% so với cùng kỳ năm trước. Chia theo khu vực kinh tế, khu vực kinh tế trong nước ước đạt 292 triệu USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 11,27 tỷ USD, giảm 20,6%.
Hầu hết các nhóm hàng hóa xuất khẩu chủ yếu của Thái Nguyên đều có giá trị xuất khẩu giảm sâu như: Điện thoại, máy tính bảng và sản phẩm điện tử khác ước đạt 10,92 tỷ USD, giảm 20,3%; kim loại màu và tinh quặng kim loại màu đạt 109,1 triệu USD, giảm 19,3%; sản phẩm từ sắt thép đạt 14,3 triệu USD, giảm 21%; giấy và các sản phẩm từ giấy 1,5 triệu USD, giảm 12%; chè các loại đạt 0,6 triệu USD, giảm 30,6%.
Xuất khẩu hàng hóa gặp khó khăn kéo theo nhu cầu đối với hàng hóa nhập khẩu phục vụ sản xuất cũng giảm. Cụ thể, tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn ước đạt 6,46 tỷ USD, giảm 28,2% so với cùng kỳ.
Chia theo khu vực kinh tế, khu vực kinh tế trong nước ước đạt 186,8 triệu USD, tăng 4,4%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 6,27 tỷ USD, giảm 28,9%. Các nhóm hàng giảm nhiều gồm: Sản phẩm từ sắt thép; nguyên liệu và linh kiện điện tử; giấy các loại…
Điểm sáng đáng chú ý trong hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Thái Nguyên là vẫn duy trì việc xuất siêu, giá trị những tháng đầu năm đạt 5,1 tỷ USD. Một số mặt hàng duy trì giá trị xuất khẩu tăng như: Sản phẩm may, tăng 19,6%; phụ tùng vận tải, tăng 13,4%.
Tại Bắc Ninh, tình hình xuất nhập khẩu cũng chưa nhìn thấy những tín hiệu tốt. Do suy giảm kinh tế thế giới và trong nước ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp nên tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh này (GRDP) 6 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng âm; chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 19%, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm 23,7% so cùng kỳ năm 2022.
Từ đầu năm 2023, toàn tỉnh Bắc Ninh có 127 doanh nghiệp giải thể tự nguyện (tăng 7,63% so với cùng kỳ 2022) và 202 đơn vị trực thuộc (tăng 85,32% so với cùng kỳ 2022), 995 doanh nghiệp (tăng 26,27% so với cùng kỳ 2022) đăng ký tạm ngừng hoạt động do gặp phải nhiều khó khăn.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, kim ngạch xuất khẩu của địa phương này đạt 12 tỷ USD, giảm hơn 21% trong 4 tháng đầu năm, ảnh hưởng tới phục hồi và phát triển của thành phố.
21% là con số sụt giảm mạnh nhất trong 22 năm qua của thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, như dệt may, thủy sản, gỗ và các sản phẩm từ gỗ đều ghi nhận xuất khẩu sụt giảm.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023 của cả nước, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 262,54 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 136,17 tỷ USD, giảm 11,6%; nhập khẩu hàng hóa ước đạt 126,37 tỷ USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa 5 tháng đầu năm 2023 ước tính xuất siêu 9,8 tỷ USD.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để đạt được quy mô tương đương năm ngoái (hơn 730 tỷ USD), Tổng Cục Hải quan nhận định, trong thời gian còn lại của năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam phải đạt khoảng 500 tỷ USD, tương đương bình quân gần 67 tỷ USD mỗi tháng. Đây là mục tiêu đầy thách thức đặt ra đối với cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp.