May 17, 2010 | 09:27 GMT+7

Kinh doanh bảo hiểm: Thanh tra đụng đâu sai đấy

Lan Hương

Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm đã phát hiện nhiều sai phạm tại các doanh nghiệp bảo hiểm

Số lượng doanh nghiệp được kiểm tra, thanh tra trong năm 2009 mới chỉ chiếm 20% số doanh nghiệp bảo hiểm đang hoạt động trên thị trường.
Số lượng doanh nghiệp được kiểm tra, thanh tra trong năm 2009 mới chỉ chiếm 20% số doanh nghiệp bảo hiểm đang hoạt động trên thị trường.
Nhìn vào kế hoạch kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp bảo hiểm năm 2010 mà Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) dự kiến thực hiện, dễ dàng nhận thấy việc kiểm tra giám sát các doanh nghiệp bảo hiểm đang ngày càng được tăng cường hơn.

10 doanh nghiệp gồm cả nhân thọ, phi nhân thọ và môi giới bảo hiểm được nêu đích danh tên trong danh sách mà Cục sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn diện và kiểm tra theo chuyên đề.

Hai doanh nghiệp đại diện cho khối phi nhân thọ và nhân thọ được Cục chọn để thanh tra trong năm nay là Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí (PVI) và Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ AIA Việt Nam. Bên cạnh đó, Cục cũng đưa vào danh sách kiểm tra toàn diện 7 doanh nghiệp, trong đó 5 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ (gồm Công ty Cổ phần  Bảo hiểm Hàng không, Công ty Cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp, Công ty Bảo hiểm Bưu điện, Công ty Bảo hiểm QBE Việt Nam) và hai doanh nghiệp kinh doanh môi giới bảo hiểm (gồm Công ty TNHH AON Việt Nam, Công ty TNHH Môi giới bảo hiểm Marsh Việt Nam).

Đối với việc kiểm tra theo chuyên đề, năm 2010, cơ quan quản lý bảo hiểm sẽ tập trung vào kiểm tra chuyên đề bảo hiểm xe cơ giới - một điểm nóng của lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ và kiểm tra theo chuyên đề hoạt động của bộ phận chăm sóc khách hàng, hoạt động quản trị doanh nghiệp của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.

Thanh tra đụng đâu sai đấy

Sau 11 cuộc thanh tra và kiểm tra tại các doanh nghiệp bảo hiểm trong năm 2009 (gồm cả lĩnh vực phi nhân thọ, nhân thọ, môi giới bảo hiểm và các văn phòng đại diện của các công ty bảo hiểm nước ngoài), Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm đã phát hiện nhiều sai phạm tại các doanh nghiệp bảo hiểm, nhất là lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ.

Một trong những sai phạm phổ  biến nhất là việc bổ nhiệm chức danh sai quy định. Trong 4 doanh nghiệp phi nhân thọ được kiểm tra (Viễn Đông, Toàn Cầu, AAA và Bảo hiểm Quân đội) có 3 doanh nghiệp thực hiện bổ nhiệm 6 cán bộ chưa đủ tiêu chuẩn, bổ nhiệm giám đốc chi nhánh khi chưa có bằng đại học, bổ nhiệm trưởng phòng nghiệp vụ, chuyên gia tính toán dự phòng nghiệp vụ chưa có bằng cấp/chứng chỉ và số năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo hiểm. Có doanh nghiệp không bổ nhiệm chức danh giám đốc khi thành lập chi nhánh.

Đối với quy định bảo hiểm bắt buộc xe cơ giới, hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã được kiểm tra đều chấp hành không đúng các quy định, các sai phậm chủ yếu là: vi phạm về giấy chứng nhận (khi không in tách biệt phần bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới và phần bảo hiểm tự nguyện trên trên giấy chứng nhận bảo hiểm; không cấp giấy chứng nhận bảo hiểm cho từng xe tham gia bảo hiểm...), ghi sai mức phí bảo hiểm bắt buộc trên giấy chứng nhận bảo hiểm; không ghi phần phí bảo hiểm trên giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc, trả tiền bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự cho chủ xe thấp hơn quy định. Có trường hợp doanh nghiệp cấp hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới có thời hạn dưới 1 năm, thấp hơn quy định.

Hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ (3/4 doanh nghiệp được kiểm tra) đều vi phạm quy định về quản lý, đào tạo đại lý và dẫn tới việc chi hoa hồng không đúng.

Theo báo cáo, đã xảy ra tình trạng cá nhân chưa được đào tạo và cấp chứng chỉ đại lý, nhưng chi nhánh đã ký hợp đồng đại lý; chi hoa hồng cho một số cá nhân làm đại lý chưa đủ điều kiện hoạt động đại lý. Có doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ký hợp đồng với ngân hàng dưới dạng hợp đồng đại lý bảo hiểm là không phù hợp. Có trường hợp doanh nghiệp không ủy quyền cho đại lý tư vấn sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư nên đại lý chưa đủ điều kiện nhưng đã thực hiện bán sản phẩm này.

Sai phạm sẽ bị phạt nặng hơn

Lãnh đạo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cũng thừa nhận rằng, số lượng doanh nghiệp được kiểm tra, thanh tra trong năm 2009 mới chỉ chiếm 20% số doanh nghiệp bảo hiểm đang hoạt động trên thị trường, mặc dù Cục đã triển khai kiểm tra tương đối đồng bộ trên cả các lĩnh vực: phi nhân thọ, nhân thọ, môi giới bảo hiểm. Nhưng các doanh nghiệp khác chưa bị kiểm tra, thanh tra cần nhìn nhận kết quả này để nghiêm túc rút kinh nghiệm, chấn chỉnh công tác quản lý, vì những sai phạm được phát hiện đều rất phổ biến.

Cũng theo Cục, việc xử lý các vi phạm trong năm 2009 vẫn chưa mang lại nhiều kết quả, bởi theo quy định cũ (Nghị định 118/2003/NĐ-CP) các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả còn thấp, chưa có tính răn đe, nên tình trạng vi phạm của các doanh nghiệp còn diễn ra tương đối phổ biến.

Để nâng cao hiệu quả công tác của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định ban hành Nghị định 41/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, trong đó trao chức năng thanh tra chuyên ngành và thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính cho Cục Quản lý giám sát bảo hiểm.

Theo đó, Bộ Tài chính đã ban hành quyết định thành lập thanh tra chuyên ngành về bảo hiểm (thanh tra Cục) đồng thời ban hành các quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra Cục. Với việc trao thẩm quyền thanh tra và xử lý vi phạm cho Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, trong năm 2010 và các năm sắp tới công tác thanh tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm được kỳ vọng sẽ mang tính chủ động và kịp thời. Và như thế, các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo hiểm sẽ bị xử lý nghiêm khắc hơn. Mức xử phạt cũng như hình phạt bổ sung sẽ có tính răn đe cao hơn, thậm chí sẽ tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn đối với phạm vi, địa bàn hoặc nghiệp vụ.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate