Theo báo cáo mới đây từ trang web chuyên về dịch vụ tổ chức lễ cưới The Knot, dự kiến sẽ có khoảng 2,6 triệu lễ cưới diễn ra vào năm 2022, tăng từ 2,2 triệu lễ cưới hồi năm 2019, trước khi đại dịch bùng phát. Lauren Kay, nhà điều hành của The Knot cho biết: "Năm nay sẽ không chỉ là năm có nhiều lễ cưới nhất trong những năm gần đây, mà còn bắt đầu chào đón các cặp đôi thuộc gen Z (nhóm người được sinh trong khoảng thời gian từ năm 1995 đến năm 2012) kết hôn”.
SẴN SÀNG CHI TIỀN ĐỂ GIẢI TỎA TÂM TRẠNG
Khi việc triển khai tiêm chủng được mở rộng, các lễ cưới đã bắt đầu được tổ chức trở lại vào năm 2021. Tuy nhiên, các cặp đôi chuyển sang lựa chọn các buổi lễ với quy mô nhỏ hơn, lễ cưới ở ngoài trời, lễ cưới trực tuyến qua ứng dụng Zoom và thậm chí cả những lễ thành hôn “lẩn trốn” (chỉ có cô dâu, chú rể và 1 – 2 người thân làm lễ cưới tại một nơi bí mật)... Nhưng năm nay, sự kiện cưới đang trở lại, thậm chí còn sôi động hơn so với trước đại dịch.
Không chỉ các cặp cô dâu - chú rể được giải tỏa tâm trạng mà cả ngành dịch vụ hôn lễ ở Mỹ cũng trút bỏ gánh nặng. Trong năm ác mộng 2020, hàng loạt doanh nghiệp trong ngành này lâm vào cảnh chèo chống lao đao. Năm nay, Nora Sheils, Giám đốc điều hành một công ty tổ chức lễ cưới ở bang Oregon, cho biết các cặp vợ chồng có xu hướng lên kế hoạch tổ chức lễ cưới nhiều lần để có thể tiếp đón nhiều khách mời hơn, ít tập trung vào nghi lễ mà thường đánh dấu sự gặp gỡ, chung vui. Sheils cho rằng xu hướng này sẽ gia tăng, ít nhất là cho đến năm 2023.
Tiệc cưới diễn ra trong năm nay cũng sẽ thu hút nhiều khách mời hơn. Số lượng khách trung bình dự kiến trong mỗi lễ cưới tại Mỹ vào năm nay sẽ đạt 129 người, tăng từ mức 110 người trong năm 2021. Maryam Mudrick và Justine Broughal, hai chuyên gia tổ chức sự kiện tại New Jersey (Mỹ), nói rằng nhiều cặp đôi đã chán ngấy việc phải làm tiệc cưới nhỏ, ít người vì đại dịch. "Một số người đã đặt lịch từ năm 2019 nhưng sẵn sàng chuyển lễ cưới sang năm 2022 vì muốn có bữa tiệc trên 200 khách," ông Broughal cho biết.
Tại Ấn Độ, nơi nổi tiếng với các siêu lễ cưới của giới nhà giàu, các tiệc cưới nhỏ, cá nhân chiếm ưu thế trong năm 2020, 2021 vì đại dịch. Tuy nhiên, đến năm 2022, siêu lễ cưới đang dần quay trở lại. Karan Torani, người sáng lập nhãn hiệu áo cưới Torani, nói: "Tương tự như việc du lịch, người giàu Ấn Độ cũng đang tổ chức lễ cưới hoành tráng để…trả thù đại dịch". Hôn lễ của Jai Anmol - cháu trai tỷ phú Mukesh Ambani - diễn ra trong vòng 4 ngày cuối tháng 2, là một ví dụ cho thấy sự trở lại của các siêu lễ cưới ở châu Á. “Chúng tôi cảm thấy như “lễ cưới vi mô” đã trở thành dĩ vãng và mọi người đã sẵn sàng để có những cú hích lớn một lần nữa,” ông Torani nói.
Trong khi đó, trang The Wedding Report ước tính chi phí cho mỗi lễ cưới sẽ tăng 15% trong năm nay, còn trang The Knot dự đoán mức tăng khoảng 25%. Sự gia tăng một phần do lạm phát đẩy các loại chi phí như chụp ảnh cưới, thuê trang phục, mướn địa điểm tổ chức... tăng cao. Tuy nhiên, các cặp đôi sẵn sàng rút hầu bao cho ngày trọng đại của họ. Kết quả một cuộc khảo sát của CNBC cho thấy, 66% người được hỏi sẵn sàng tăng ngân sách cho ngày đặc biệt của mình. Các cặp đôi sẵn sàng chi thêm phí cho một nhiếp ảnh gia thứ hai hay mua nhiều loại hoa lạ, tăng lượng khách và duy trì các biện pháp an toàn phòng dịch.
NHIỀU NGÀNH DỊCH VỤ “ĂN THEO”
Các nhà cung cấp dịch vụ nhận thấy lượng lớn yêu cầu tổ chức hôn lễ vào mùa xuân và hè. Còn các đôi uyên ương thì vội vã chốt lịch trước khi một làn sóng dịch bệnh khác có thể gây cản trở kế hoạch của họ. Tuy nhiên, theo Tập đoàn thương mại đa quốc gia Wedding Report : “Mọi người lại muốn có một lễ cưới lớn và hoành tráng, nhưng thị trường chưa sẵn sàng cho điều đó”.
Báo cáo của Knot cho biết, 98% các cặp đôi chuẩn bị kết hôn trong năm nay đều tin tưởng lễ cưới của họ sẽ diễn ra đúng như dự kiến. Trong khi đó, vào năm 2021, 45% cặp đôi đã phải thay đổi kế hoạch lễ cưới của họ - chẳng hạn như đổi một địa điểm khác.
Cele Otnes, giáo sư danh dự về ngành marketing tại Đại học Illinois Urbana-Champaign và là chuyên gia tổ chức lễ cưới xa hoa, chia sẻ rằng mỗi tuần, hàng chục cô dâu, chú rể liên hệ với ông để nhờ tìm chuyên gia tổ chức lễ cưới (wedding planner). Tuy nhiên, giấy, mực, hoa tươi và rượu Napa Valley phục vụ cho hôn lễ khó tìm mua hơn bao giờ hết. Để theo kịp nhu cầu khách hàng, các ca sĩ lễ cưới đang tham gia 3 hôn lễ/ngày. Các hội trường tiệc cưới nhận đặt chỗ mỗi ngày trong tuần, kể cả thứ hai. Các luật sư cũng làm việc ngoài giờ để soạn các thỏa thuận tiền hôn nhân…
Nhu cầu bị dồn nén, kết hợp với nguồn cung quá ít, dẫn đến mức giá cao lên. Nhiều wedding planner dự đoán chi phí sẽ còn cao hơn nữa trong năm nay khi các công ty tăng giá và phụ phí nhiên liệu. Chẳng hạn, ước tính khoảng 80% váy cưới ở Mỹ đến từ nhà may đặt tại Trung Quốc, nơi đang bùng phát làn sóng dịch bệnh mới khiến nhiều thành phố phải phong tỏa. Các công ty kim hoàn hàng đầu tại Mỹ đều ghi nhận doanh số bán nhẫn đính hôn và nhẫn cưới tăng đột biến trong tháng 3 và tháng 4 năm nay, trong khi các thương hiệu lớn như Tiffany & Co. và Richemont đều đang ngừng làm việc với đối tác cung cấp kim cương từ Nga.
Các đơn vị tổ chức, lên kế hoạch cho hôn lễ đang phải làm việc hết công suất, thậm chí từ chối nhận thêm khách vì quá tải. "Chúng tôi đã hết xe vận chuyển cho một số ngày trong năm nay và điều đó chưa từng xảy ra. Điện thoại chúng tôi liên tục đổ chuông, bởi nhiều khách hàng mong muốn tổ chức lại lễ cưới đã bị hoãn trong thời gian Covid-19," Ben Goldberg, đồng sáng lập và Chủ tịch của Hiệp hội Xe tải thực phẩm New York, nói với AP.
Theo CNN, ngay cả ngành du lịch cũng được hưởng lợi vì khách hàng đang săn lùng các điểm đến phù hợp với du lịch lễ cưới. Rất nhiều khách hàng muốn kéo dài ngày cuối tuần cho hôn lễ của họ với các loại sự kiện khác nhau từ 3 đến 4 ngày. Du lịch lễ cưới (travel wedding/destination wedding) là hình thức được các cặp đôi ưu tiên lựa chọn. Hiện lễ cưới trên bãi biển, trên khinh khí cầu, thám hiểm trong rừng, ngắm cảnh trên du thuyền hoặc trên xe lửa... là những mô hình mới thu hút sự quan tâm của nhiều cặp đôi.
Marilyn Cairo, Phó Chủ tịch bán hàng toàn cầu của Premier Worldwide Marketing, nhà cung cấp dịch vụ tiếp thị và bán hàng cho Karisma Hotels & Resorts, cũng chứng kiến ngân sách tăng mạnh trong những tháng gần đây. “Khi ngành du lịch đám cưới tiếp tục phục hồi, chúng tôi nhận thấy sự gia tăng ở các cặp đôi muốn tổ chức sự kiện trọng đại tại các khu nghỉ dưỡng và sẵn sàng chi nhiều tiền hơn để có trải nghiệm độc đáo”, cô nói.
Theo thống kê của FTN News, ngành công nghiệp lễ cưới toàn cầu hiện có giá trị lên đến 300 tỉ USD, tăng 10% mỗi năm. Trong 10 năm qua, ngành này đạt con số tăng trưởng ấn tượng lên đến 400%. Còn theo số liệu mới nhất của TravelAge West, số lượng phòng đặt cho loại hình du lịch lễ cưới tại một số điểm đến trên thế giới đã kín hết đến mùa hè năm sau.