Dịch vụ đòi nợ thuê đáp ứng yêu cầu của xã hội, nhiều người cho vay không đòi được nợ đã truy sát cả gia đình người vay, không nên vì không quản được mà cấm.
Sáng 20/11 Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi).
Cần quản chặt hơn chứ không nên cấm
Một trong những điểm mới được Chính phủ đề xuất là chuyển kinh doanh dịch vụ đòi nợ từ danh mục đầu tư kinh doanh có điều kiện sang danh mục cấm.
Khi thảo luận tại tổ, nhiều ý kiến đã đề nghị không nên cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, vì đây là vấn đề thị trường và cần quy định chặt chẽ hơn tránh vấn đề xã hội phát sinh. Đại biểu cho rằng cần bổ sung các quy định để quản lý chặt chẽ hơn, không thể theo kiểu không quản lý được thì cấm.
Nhưng, cũng có một số ý kiến tán thành với tờ trình của Chính phủ, cấm dịch vụ "kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vì thời gian qua có nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc kinh doanh dịch vụ này gây mất trật tự, gây áp lực lên con nợ dẫn tới nhiều hệ luỵ.
Một số ý kiến đề nghị rà soát, đánh giá và lấy ý kiến thêm về vấn đề này trước khi quyết định cấm hoặc không.
Một số vị đề nghị xem xét việc "cấm đòi nợ thuê" chuyển thành "mua bán nợ; sửa đổi "dịch vụ đòi nợ thuê" thành "dịch vụ xử lý nợ".
Thảo luận tại hội trường, ý kiến đại biểu cũng rất khác nhau, bên đề nghị cấm nêu ra vô số lý do, bên cho rằng không nên cấm cũng nêu rất nhiều phân tích cặn kẽ.
Đồng ý cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, song đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề nghị phải xem có bao nhiêu doanh nghiệp đang kinh doanh dịch vụ này bị ảnh hưởng và hỗ trợ thoả đáng.
Nhưng, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh) cho rằng không nên cấm vì đây cũng là dịch vụ đáp ứng yêu cầu của xã hội.
Nhiều người cho vay không đòi được nợ đã truy sát cả gia đình người vay, tự mình không đòi được, kiện ra toà thì rất lâu, chi phí không nhỏ, mà người vay đi tù thì cũng không đòi được nợ, đại biểu Thơ phân tích.
Vị đại biểu Hà Tĩnh cũng đặt vấn đề là liệu có ngăn chặn được đòi nợ thuê không khi mà hàng loạt công ty cho vay tài chính vẫn mọc lên, cho vay nặng lãi vẫn diễn ra?. Theo đại biểu thì cần quản lý chặt chẽ hơn, chứ không thể quản không được thì cấm.
Có cấm cũng không được
Chỉ tham gia về có nên cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ hay không, đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu một số con số rất đáng chú ý.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị)
Đó là, nếu chọn hình thức khởi kiện ra toà để đòi được một món nợ thì phải trải qua vô số thủ tục rườm rà, toàn bộ quá trình từ khi nộp đơn lần đầu cho đến khi có bản án phúc thẩm nhanh nhất là 250 ngày, chậm nhất thì vài năm.
Trong khi đó, năm 2018, thi hành án dân sự cả nước thu hồi được trung bình 32% giá trị tài sản có khả năng thi hành. Đó là chỉ tính những trường hợp con nợ còn tài sản, còn những con nợ đã tay trắng thì không tính (nếu tính cả thì chắc chắn con số thấp hơn 32% rất nhiều). Thời gian thi hành nhanh nhất là 150 ngày, còn nếu không thì vô vọng.
Như vậy, tổng kết lại thì quá trình này mất vài năm, khả năng thu hồi thấp hơn 32%. Án phí và phí thi hành án thì nguyên đơn phải tạm ứng. Nếu sử dụng dịch vụ thu hồi nợ thì thời gian thu hồi chỉ trong 1-2 tháng, nhanh gọn hơn toà án và thi hành án dân sự rất nhiều.
Lý do không nên cấm dịch vụ đòi nợ thuê, theo đại biểu Đồng còn ở chỗ: có cấm cũng không cấm được. Vì nếu, hành nghề bất hợp pháp thì có cấm cũng vô nghĩa. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ đã đăng ký thường dùng biện pháp thu hồi nợ văn minh, đúng pháp luật nếu chuyển sang cấm họ sẽ không được phép làm nữa. Đối với các băng nhóm thu hồi nợ không đăng ký thì họ vẫn sẽ làm và thường dùng biện pháp thu hồi nợ bằng đe doạ, bạo lực. Khi các doanh nghiệp làm ăn hợp pháp bị cấm thì các băng nhóm này càng dễ dàng mở rộng thị trường.
Tham khảo kinh nghiệm quốc tế cũng chưa thấy có nước nào cấm dịch vụ đòi nợ thuê, đại biểu Đồng nhấn mạnh.
Từ phân tích trên, đại biểu thể hiện sự đồng tình với nhiều ý kiến là nên tăng cường quản lý dịch vụ đòi nợ thuê.
Theo đại biểu, các quy định về dịch vụ đòi nợ nên có: khai báo nhân sự, chứng chỉ hành nghề, lưu trữ giấy tờ để phục vụ thanh kiểm tra. Khi hành nghề phải xưng danh gồm: tên người, tên công ty thu nợ, tên chủ nợ, giới hạn thời gian liên lạc và nên cấm liên lạc với gia đình, bạn bè, hàng xóm, chủ sử dụng lao động. Cấm các biện pháp xúc phạm, đe dọa, huỷ hoại tài sản. Khi đòi được tiền thì phải có giấy tờ xác nhận.
Cần công bố số liên lạc của chính quyền dành cho người dân để tố cáo hành vi đòi nợ vượt quá biện pháp được phép, đại biểu góp ý.
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng hai luồng ý kiến cấm hay không cấm đều có cơ sở. Đây là vấn đề rất phức tạp, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cấm kinh doạnh dịch vụ này là đề nghị rất quyết liệt của ngành công an, Bộ trưởng Dũng cho biết.