Bất chấp ảnh hưởng của Covid-19 trên toàn cầu, 2020 và 2021 đã trở thành khoảng thời gian hoạt động sôi nổi và ấn tượng của làng công nghiệp thời trang. Hàng loạt bộ sưu tập ra đời theo hình thức mới mẻ, những showroom thực tế ảo, nhiều sàn diễn vẫn gây trầm trồ dù thiếu vắng khán giả... là câu trả lời mỹ mãn của ngành thời trang thế giới giữa đại dịch.
Thương mại điện tử đã phát triển mạnh trong lĩnh vực mà thường thì người mua chỉ thích “ngắm tận mắt, sờ tận tay”. Năm 2020, có khoảng 20% doanh số bán lẻ diễn ra trực tuyến, trong đó, các doanh nghiệp bán lẻ trang sức kim cương công bố tăng trưởng doanh số 60 - 70% so với cùng kỳ năm 2019 trên các kênh trực tuyến của họ.
Tại Mỹ, thương hiệu trang sức kim cương Forevermark cũng đã tăng trưởng hai con số mỗi tháng so với cùng kỳ năm ngoái. "Tôi nghĩ trong mùa Covid-19, một số khách hàng tăng mua trang sức một phần vì nó có thể là món đồ cất trữ giá trị", CEO Macy’s Jeffrey Gennette nhận xét.
Tại Tiffany, doanh số online toàn cầu tính đến quý 2 cũng đã tăng 23%. Hiện doanh số bán hàng trực tuyến của hãng này chiếm 15% tổng doanh thu, tăng hơn gấp đôi so với mức 6% trong ba năm liền trước đó. Tương tự, doanh số online của Pandora tăng 30%, thương hiệu Kering tăng 21% và tăng đến ba con số ở Trung Quốc.
Năm nay, doanh số bán hàng của Richemont, tập đoàn chủ sở hữu Cartier, Dunhill và Montblanc đã giảm 5% theo tỷ giá hối đoái tương đương 16 tỷ USD (13,1 tỷ Euro), trong đó châu Âu và Nhật Bản bị ảnh hưởng nhiều nhất, lần lượt giảm 30% và 21%. Tuy nhiên, lợi nhuận ròng đã tăng 38% với 1,58 tỷ USD (1,3 tỷ Euro) và cổ phiếu tăng 5% vào hai tuần trước.
Trái ngược hoàn toàn với tình hình ở phần còn lại của thế giới, doanh số bán hàng ở Châu Á Thái Bình Dương – nơi đại dịch bùng phát – đã tăng 22%. Có ba quý tăng trưởng liên tiếp, quý gần nhất đã thúc đẩy mức tăng tới 106%. Con số này bù đắp cho các địa điểm mua sắm thiếu vắng khách du lịch như tại châu Âu và châu Mỹ. Trong đó, phải kết đến thị trường Trung Quốc đại lục được hưởng lợi từ việc khách du lịch nội địa không còn đi ra nước ngoài và tăng chi tiêu trong nước.
Richemont cũng cho biết, trong số các danh mục của Richemont, mảng trang sức vốn đã rất mạnh của họ đã tăng thị phần từ khoảng 50% trong năm tài chính 2019 lên 57% vào năm 2021. Trong khi đó, bộ phận chế tác đồng hồ chuyên nghiệp – bao gồm IWC, Jaeger Lecoultre và Vacheron Constantin, cùng những cái tên khác – giảm 19%.
Đại diện của tập đoàn này cho biết: “Mua sắm trực tuyến, điện thoại di động và mua sắm từ xa đã được chứng minh là những động lực tăng trưởng chính và chúng tôi đã thấy sự gia tăng mạnh mẽ về lượng khách hàng sử dụng các kênh đó”. Do đó, Richemont đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của mình thông qua mô hình kinh doanh ‘Luxury New Retail’ để cung cấp một lộ trình tiếp cận thị trường tốt hơn cho các thương hiệu của mình.