Kính tương tác Google Glass, thiết bị công nghệ được mong đợi nhiều nhất sau hai “siêu phẩm” iPad và iPhone, dự kiến còn nhiều tháng nữa mới chính thức lên kệ. Tuy vậy, sản phẩm này đến nay đã vấp phải sự phản kháng khá mạnh từ dư luận.
Google Glass về bản chất là một máy tính có thể đeo trên mặt bởi thết kế giống như một chiếc kính. Thiết bị này cho phép người sử dụng truy cập Internet, chụp ảnh, quay những đoạn phim ngắn…
Theo tờ New York Times, một quán bar ở thành phố Seattle Mỹ hiện đã cấm khách sử dụng Google Glass khi tới đây. Nhiều khu vực ở thành phố Las Vegas cũng không chào đón những người mang thiết bị này. Tại bang Virginia, các nhà làm luật thậm chí còn đang tính tới một dự luật coi việc dùng Google Glass khi lái xe là bất hợp pháp.
“Đây mới chỉ là khởi đầu. Google Glass sẽ còn gây nhiều tranh cãi”, ông Timothy Toohey, một luật sư ở Los Angeles chuyên về các vấn đề quyền riêng tư, nhận định.
Khi các thiết bị công nghệ cá nhân ngày càng trở nên mỏng nhẹ và “vô hình” hơn, chiếc Glass của Google đang làm dấy lên những câu hỏi về việc liệu thiết bị này sẽ gây phân tâm cho những người đang lái xe, phá hỏng những mối quan hệ, hay khiến mọi người mất đi chút riêng tư còn lại ở nơi công cộng.
Là một gọng kính không tròng với một chiếc máy tính nhỏ gắn phía bên phải, Glass được Google quảng bá là “không tì vết và rất mạnh mẽ”. Glass có khả năng ghi hình bất kỳ người nào tình cờ đối diện, từ một nhân vật nổi tiếng cho tới một nhân viên bán hàng trong siêu thị, và truyền hình ảnh đó tới hàng triệu người khác chỉ trong vòng vài giây đồng hồ.
“Giờ là lúc tất cả chúng ta vừa là những tay săn ảnh, vừa là mục tiêu của những tay săn ảnh”, luật sư Karen L. Stevenson thuộc hãng luật Buchalter Nemer ở Los Angeles nói với việc sử dụng Google Glass.
Google nhấn mạnh rằng, đến nay, Glass vẫn đang trong quá trình hoàn thiện và mới chỉ có các phiên bản thử nghiệm được cấp cho 2.000 nhà phát triển. Sắp tới, sẽ có thêm 8.000 nhà thử nghiệm được Google lựa chọn sẽ được nhận Google Glass để dùng thử.
Một vấn đề khác khiến Glass giảm độ thuyết phục ngay từ khi còn chưa lên kệ là người sử dụng sẽ phải dùng giọng nói hoặc chạm để kích hoạt thiết bị. Bên cạnh đó, người dùng phải nhìn trực tiếp vào người mà họ muốn chụp ảnh hoặc ghi hình.
Tuy nhiên, các nhà phát triển đang dần giải quyết những hạn chế của Glass. Tuần trước, một nhà phát triển đã tạo ra được một chương trình giúp thiết bị này không cần tới các lệnh điều khiển bằng lời nói hay chạm. Thay vào đó, để chụp ảnh, người sử dụng chỉ cần nháy mắt.
5 Point Café, một quán bar ở Seattle, là nơi đầu tiên “cấm tiệt” Glass. Tuy nhiên, đây cũng có thể được xem là một chiêu để quán bar này được cả thế giới biết đến.
Nhưng đối với các nhà làm luật ở Tây Virginia, thì đây lại là một chuyện hoàn toàn nghiêm túc. Năm ngoái, bang này đã ban lệnh cấm nhắn tin khi đang lái xe, nhưng vẫn cho phép sử dụng các thiết bị rảnh tay (hands-free). Điều này tạo ra một lỗ hổng cho Google Glass. Bởi thế, các nhà làm luật ở bang này đang tính tới chuyện phải đưa Google Glass vào lệnh cấm trên.
Tại “thủ phủ” bài bạc Las Vegas, một phát ngôn viên của sòng bạc Caesars Entertainment cho biết, các loại máy tính và thiết bị ghi bị cấm trong các casino. “Chúng tôi sẽ không cho phép khác dùng Glass khi đang chơi bạc hay theo dõi các buổi trình diễn của chúng tôi”, phát ngôn viên này nói.
Google Glass ra đời trong bối cảnh các tòa án, chính trị gia, những nhóm ủng hộ quyền riêng tư, các nhà giám sát, thực thi pháp luật và các công ty công nghệ một lần nữa tranh cãi về biên giới của công nghệ trong mọi ngóc ngách của đời sống.
Ủy ban Pháp lý thuộc Thượng viện Mỹ tháng trước đã bỏ phiếu đòi việc tiếp cận với các email cá nhân phải được thực hiện trên cơ sở có lệnh thay vì chỉ có trát của tòa án như hiện nay. Việc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FDI) sử dụng các thiết bị tương tự như các trạm thu phát sóng di động để theo dõi tội phạm cũng đang bị phản đối trong một vụ kiện ở bang Arizona. Một tòa án ở California mới đây ra phán quyết rằng, các tin nhắn và trang mạng xã hội của các cá nhân được bảo vệ nếu không có lệnh đòi truy cập của tòa.
“Google Glass sẽ là một bài kiểm tra đối với quyền riêng tư”, chuyên gia về truyền thông xã hội Bradley Shear thuộc Đại học George Washington nhận xét.
Đây không phải là lần đầu tiên Google vấp phải các vấn đề về quyền riêng tư. Vào năm 2004, công ty này bắt đầu tung ra dịch vụ email miễn phí, nhưng kiếm tiền thông qua quảng cáo trên dịch vụ này. Cách làm này của Google đã vấp phải sự phản đối mạnh của các nhóm bảo vệ quyền riêng tư. Các nhà làm luật khi đó thúc giục điều tra xem liệu Google có vi phạm luật nghe lén.
Nhưng dần dần, mọi người cũng quen với ý tưởng của Google và sự phản đối lắng xuống. Gmail hiện có hơn 425 triệu người sử dụng.
Gần đây hơn, việc Google thu thấp các dữ liệu cho dự án bản đồ Street View mà chưa được cho phép cũng khiến nhiều quốc gia tiến hành điều tra.
Giống như nhiều công ty công nghệ khác ở Silicon Valley, Google luôn nêu quan điểm rằng, mọi người chẳng phải giấu giếm điều gì khỏi công nghệ. “Nếu bạn có điều gì đó mà không muốn bất kỳ ai biết, thì bạn phải làm điều đó ngay từ đầu”, Eric Schmidt nói khi còn là CEO của Google năm 2009.
Google Glass là bước tiến lớn của Google trong nỗ lực nhằm đa dạng hóa hoạt động khỏi lĩnh vực tìm kiếm. Theo đánh giá của giới phân tích, mảng công nghệ có thể đeo trên người (wearable technology mà điển hình là Glass) cùng với một sáng kiến lớn nữa của Google là xe tự lái có thể tạo ra cơ hội doanh thu 500 tỷ USD cho công ty này.
Hãng nghiên cứu IHS dự báo, doanh số của các loại kính thông minh, trong đó có Google Glass, trên toàn cầu có thể đạt mức 6,6 triệu chiếc trong 3 năm.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate