Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia là những sắc thuế khá lâu đời trên thế giới. Qua khảo sát tình hình thế giới, thuế tiêu thụ đặc biệt giúp tăng ngân sách, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP và định hướng sản xuất, tiêu dùng cũng như bảo vệ sức khỏe của người dân. Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn cũng rất khác nhau giữa các quốc gia, tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.
PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT Ở CÁC NƯỚC
Thống kê của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - Việt Nam (USABC) cho thấy tại các nước thu nhập thấp và trung bình, thuế tiêu thụ đặc biệt chiếm khoảng 1-2% GDP. Còn tại các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), loại thuế này đóng góp trung bình khoảng 3% GDP, cá biệt ở Mỹ là 0,8% và NewZealand là 0,6%.
Tại các quốc gia ASEAN, Campuchia có tỷ lệ thuế tiêu thụ đặc biệt trong GDP cao nhất (4,59% GDP), tiếp đến là Thái Lan 3,26%, Lào 2,37%. Các quốc gia ở mức dưới 2% GDP là Philippines 1,64%, Việt Nam 1,63%, Indonesia: 1,15%. Tại Singapore, Malaysia, thuế tiêu thụ đặc biệt chiếm dưới 1% GDP.
Về tình hình tiêu thụ rượu, bia, bà Bùi Thị Việt Lâm, đại diện quốc gia tại Việt Nam của USABC, cho biết trên thế giới, có khoảng 5,5 lít cồn nguyên chất được tiêu thụ cho mỗi người từ 15 tuổi trở lên trong một năm. Các khu vực có mức tiêu thụ cao nhất là khu vực châu Âu (9,2 lít) và khu vực châu Mỹ (7,5 lít).
Ở các nước ASEAN, trừ những nước theo đạo Hồi, con số trung bình khoảng 6,7 lít cồn nguyên chất. Ở Việt Nam, theo tính toán của Tổng cục Thống kê, hiện nay, trung bình mỗi người (từ 15 tuổi trở lên) tiêu thụ 6,2 lít cồn nguyên chất trong một năm.
Về phương pháp đánh thuế, các quốc gia trên thế giới đều có cách đánh thuế đồ uống có cồn khác nhau dựa trên thể tích, theo nồng độ cồn, theo giá trị (hay còn gọi là phần trăm) hoặc sử dụng phương pháp tính hỗn hợp.
Theo đại diện USABC, cách đánh thuế của các quốc gia trên thế giới rất phức tạp và không giống nhau.
Chẳng hạn, tại ASEAN, Brunei đánh thuế theo phần trăm lượng cồn trong đồ uống, chẳng hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu mạnh hoặc rượu whisky có nồng độ cồn >46% là 250 BND/Dal.
Campuchia đánh thuế theo tỷ lệ giá trị rượu, bia với mức thuế chung là 35%.
Indonesia chia theo độ cồn khác nhau và mức thuế tăng tương ứng theo độ cồn, với thuế suất 1%, 1-5%, 5-15%, 15-20% và >20% dao động từ 2.500-26.000Rp/lít (nội địa) và 2.500-50.000Rp/lít (nhập khẩu).
Lào áp dụng 50% với bia, rượu vang là 60% và rượu mạnh >15O là 70%.
Một trường hợp đáng lưu ý là Thái Lan, quốc gia này có tỷ trọng thuế tiêu thụ đặc biệt/GDP cao nhất khối ASEAN, lại áp dụng cách tính thuế khá phức tạp, vừa dựa trên nồng độ cồn vừa dựa trên giá bán lẻ của rượu. Tuy nhiên, từ ngày 23/2/2024, Thái Lan giảm đáng kể thuế cho rượu để kích cầu du lịch.
“Như vậy. qua khảo sát có thể thấy thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn có sự khác nhau ở các quốc gia tùy thuộc vào các yếu tố kinh tế, văn hóa, xã hội, thu nhập người dân, các chính sách quản lý độ tuổi cho phép uống rượu, bia, thuế nhập khẩu của các sản phẩm phi chính thức… Vì vậy, tùy theo điều kiện và hoàn cảnh phù hợp, các quốc gia sẽ có lựa chọn mức thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn và đạt được mục tiêu”, bà Lâm đánh giá.
NỚI RỘNG CHÊNH LỆCH GIÁ GIỮA SẢN PHẨM HỢP PHÁP VÀ PHI PHÁP
Với tình trạng rượu, bia phi chính thức, nhiều nghiên cứu cho rằng đây không chỉ là vấn nạn của Việt Nam mà còn là vấn nạn của toàn cầu. Theo một nghiên cứu toàn cầu về rượu bất hợp pháp của Euromonitor, cứ 4 chai rượu có 1 chai bất hợp pháp, chiếm 25% tổng lượng tiêu thụ toàn cầu.
Ngoài nguy cơ nghiêm trọng về sức khỏe cho người tiêu dùng, việc buôn bán rượu bất hợp pháp còn gây tổn thất đáng kể thất thu ngân sách. Đối với ngành công nghiệp, tác động chính liên quan đến việc mất thị phần, chi phí liên quan đến hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, thiệt hại về danh tiếng và mất niềm tin của người tiêu dùng.
Phân tích nguyên nhân gây nên tình trạng rượu, bia phi chính thức, bà Bùi Thị Việt Lâm cho rằng một phần xuất phát từ nhận thức của người dân.
Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng hơn xuất phát từ những hạn chế và những quy định khắt khe đối với các sản phẩm hợp pháp như: cấm quảng cáo tiếp thị, cấm hoặc hạn chế giờ bán, điểm bán, giấy phép sản xuất, dán tem thuế, ghi nhãn hàng hóa, tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm… Những biện pháp chế tài đối với rượu, bia bất hợp pháp không đủ tính răn đe, không tương xứng.
“Sự chênh lệch về giá giữa sản phẩm hợp pháp và bất hợp pháp cũng quá lớn, vì những sản phẩm hợp pháp phải chịu thuế hơn nhiều so với sản phẩm bất hợp pháp. Nếu tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ thúc đẩy việc tiêu thụ rượu, bia bất hợp pháp”, bà Lâm nhìn nhận.
Dẫn nguyên lý Đường cong Laffer, bà Olivia Widen, đại diện của Liên minh các doanh nghiệp rượu quốc tế châu Á - Thái Bình Dương (APISWA), cho rằng có một điểm giới hạn, khi tăng thuế quá cao, vượt mức nhất định sẽ làm giảm tổng ngân sách của chính phủ.
Bởi khi áp dụng mức thuế quá cao để ngăn cấm tiêu thụ thì dẫn đến nhiều trường hợp chuyển sang sử dụng các loại đồ uống có cồn ít bị đánh thuế hơn, hoặc tăng trốn thuế thông qua buôn lậu, làm giả, sản xuất trái phép và gian lận sổ sách. Xu hướng chuyển sang sản xuất và tiêu thụ rượu, bia tự nấu phi chính thức, hoạt động mua sắm qua biên giới thông qua mua đồ có cồn ở nước ngoài và nộp thuế ở nước ngoài cũng mạnh mẽ hơn.
“Buôn bán phi chính thức chiếm khoảng 25% lượng tiêu thụ trên toàn cầu. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng con số này cao hơn đáng kể đối với các quốc gia có thu nhập thấp, do tỷ lệ buôn lậu cao có mối tương quan chặt chẽ với khả năng chi trả. Chúng tôi nhận thấy rằng giá cả và khả năng chi trả được cho là yếu tố chính thúc đẩy tiêu thụ rượu phi chính thức ở các quốc gia thu nhập thấp. Thuế suất cao hơn đối với rượu mạnh mang tính quyết định đối với sự gia tăng buôn bán trái phép, giá bán cho người tiêu dùng tăng cao hơn làm tăng biên lợi nhuận của rượu giả và buôn lậu”, bà Olivia Widen cho biết.
Cũng theo bà Bùi Thị Việt Lâm, khi Chính phủ Anh tăng thuế 10,1% vào năm 2023, thấp hơn nhiều so với dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đề xuất tại Việt Nam, quốc gia này chứng kiến lạm phát gia tăng và doanh số bán rượu mạnh giảm 20%, tương ứng doanh thu thuế từ bán rượu mạnh giảm tới 108 triệu bảng Anh trong chưa đầy 6 tháng.
Kết quả là Chính phủ Anh đình chỉ việc tăng thuế vào cuối năm 2023 để đối phó giảm doanh thu thuế từ đồ uống có cồn cũng như giảm áp lực chi phí sinh hoạt tăng cao.
LO HIỆU ỨNG DOMINO, NHIỀU QUỐC GIA ĐÌNH CHỈ TĂNG THUẾ
Malaysia cũng trải qua cú sốc thuế vào năm 2015 khi liên tiếp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Việc tăng thuế lại không hỗ trợ Chính phủ đạt được mục tiêu, thay vào đó tạo ra hiệu ứng domino tiêu cực trên thị trường làm mất nguồn thu của Chính phủ, khiến nhiều nhà máy đóng cửa và nhiều người bị mất việc làm...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 33-2024 phát hành ngày 12/08/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam