Khai thác thế mạnh từ biển đang trở thành nội dung mang tính chiến lược ở hầu hết quốc gia trên
thế giới, kể cả các quốc gia không có biển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế biển vừa diễn ra tại Hà Tĩnh.
Theo ông Hiển, Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia có chỉ số cao nhất về chiều dài bờ biển so với diện tích lãnh thổ. Bình quân cứ 100 km2 đất liền có 1 km bờ biển, cao gấp sáu lần chỉ số trung bình của thế giới; trong khi bờ biển lại mở ra cả ba hướng Đông, Nam và Tây Nam nên rất thuận lợi cho việc giao lưu thương mại quốc tế.
“Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” đã đề ra mục tiêu phấn đấu để Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên vì biển, đồng thời bảo vệ vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển.
Chiến lược này đặt mục tiêu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp 53 - 55% GDP, 55 - 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống của nhân dân vùng biển và ven biển.
Diễn đàn Kinh tế biển năm nay có chủ đề “Phát triển kinh tế biển xanh: Triền vọng và thách thức”, được ông Hiển đánh giá là “một chủ đề khá mới mẻ nhưng rất có ý nghĩa đối với Việt Nam chúng ta khi mà Đảng và Nhà nước đã xác định chiến lược phát triển kinh tế xã hội của quốc gia trong thời gian tới được đặt trên nền tảng quan trọng là tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”.
Từ góc nhìn của địa phương, ông Lê Đình Sơn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết tỉnh này có bờ biển dài 137 km, gồm 3 đảo nhỏ với 4 cảng thương mại và cảng cá, trong đó cảng Vũng Áng và cảng Sơn Dương đang xây dựng đáp ứng cho tàu hàng vạn tấn cập bến.
Mặt khác, Hà Tĩnh có ngư trường rộng, diện tích nuôi trồng thủy sản lớn, người dân có truyền thống đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, tiềm năng phát triển du lịch dồi dào trong đó có du lịch biển; tài nguyên khoáng sản trên bờ phong phú, đặc biệt mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng 544 triệu tấn, lớn nhất Đông Nam Á…
Các yếu tố đó, theo ông Sơn, đã đóng vai trò quyết định tới tính khả thi của chiến lược phát triển kinh tế biển của tỉnh, theo đó Hà Tĩnh đã xác định phấn đấu đến năm 2020 các ngành kinh tế biển và ven biển gồm: khai thác và chế biến tài nguyên khoáng sản, kinh tế hàng hải và giao thông biển, du lịch, đô thị ven biển, khai thác nuôi trồng và chế biến thủy hải sản sẽ đóng góp trên 55% GDP của tỉnh.
“Tôi hy vọng sau khi diễn đàn kết thúc, các bộ ngành trung ương, các nhà khoa học, các nhà quản lý sẽ có nhiều ấn tượng tốt đẹp và giới thiệu được nhiều nhà đầu tư vào đầu tư phát triển kinh tế biển Hà Tĩnh nói chung và khu kinh tế trọng điểm ven biển quốc gia Vũng Áng - Hà Tĩnh nói riêng”, ông Sơn nói.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate