THẬN TRỌNG KHI PHÁT TRIỂN Ồ ẠT SÂM NGỌC LINH
Việt Nam kỳ vọng nhiều vào việc phát triển các vùng trồng thảo dược, nâng tầm các loại cây có giá trị kinh tế cao, hướng đến mục tiêu xuất khẩu ra nước ngoài, đạt giá trị cả tỷ USD, ví dụ như sâm Ngọc Linh. Vậy theo PGS, muốn đạt được mục tiêu này, chính quyền các địa phương, bộ ngành cần chú ý những vấn đề gì?
Phải khẳng định rằng do chưa có đủ giống tốt, công nghệ ươm trồng, bào chế, chiết xuất còn rất hạn chế so với nhiều nước, nên các sản phẩm từ thảo dược hoặc thảo dược thô của Việt Nam vẫn có giá thành quá cao. Riêng về sâm, tôi nghĩ rằng nên đưa ra những cảnh báo khách quan, dù sẽ có nhiều người không muốn nghe. Ví dụ các loại sâm tươi, có cùng độ tuổi, nhưng sâm của ta bán khoảng 70 -100 triệu đồng/kg tươi. Trong khi đó, sâm Hàn Quốc chỉ bán khoảng 1 triệu rưỡi hoặc 1,8 triệu đồng/kg.
Một loại khác là sâm Canada, cũng chỉ có giá 1,2 - 1,5 triệu đồng/kg. Nếu so giá thành này thì sâm của ta cực kỳ đắt, đắt hơn nhiều so với sâm ngoại. Khi nhìn con số này, nhiều người sẽ phản biện lại vì sâm Việt Nam tốt hơn nên đắt hơn.
Tôi xin hỏi lại, nếu tốt hơn, thì hơn bao nhiêu %? Giả sử chứng minh được sâm của ta nhiều hoạt chất hơn, nhiều hơn gấp rưỡi, gấp đôi. Vậy thì giá chỉ đắt gấp đôi hay gấp năm mà thôi, chứ làm gì có chuyện đắt gấp mấy chục lần? Tại sao có sự chênh lệch rất lớn như vậy? Vì sâm của ta chưa trồng được nhiều và đang được quảng bá rầm rộ trong nước. Rõ ràng là sâm ta ở vị trí giá quá khác biệt so với sâm thế giới.
Nếu chúng ta muốn hướng đến việc xuất khẩu sâm đạt tỷ USD, thì câu chuyện này cần phải giải quyết để có mức giá cạnh tranh hơn. Nhìn xa hơn khoảng 7, 10 năm nữa, các vùng trồng sâm ở ta được mở rộng. Nhưng chi phí đầu tư không hạ được xuống, thì sẽ thật đáng lo. Bởi người đầu tư sau chưa kịp thu lại chi phí ban đầu thì giá sâm đã hạ. Trong khi đó, xuất khẩu sâm cũng không dễ dàng gì. Mức giá như đã so sánh, quả là quá cao so với sâm nước ngoài. Ta sẽ thất bại nếu cứ say mê chiến thắng trên sân nhà.
Nếu thế giới bán sâm sang nước ta thì cũng chỉ có giá 2-3 triệu đồng/kg mà sâm nhà lại mơ bán được 50-70 triệu đồng/kg thì không thực tế. Hơn nữa nó còn tạo ra cơn lốc đầu tư rất đáng lo ngại, những người đầu tư sau, chưa kịp thu lợi nhuận thì sâm trong nước đã bão hòa, trong khi thị trường nước ngoài không vào được, vậy là thiệt hại lớn cho nhiều người.
Theo ông, đâu là những yếu điểm của ngành sâm nói riêng và ngành dược liệu nói chung, khiến chúng ta khó cạnh tranh?
Tôi là người cả đời làm dược liệu, nên có nhận định một cách khách quan rằng những hiểu biết của Việt Nam về sâm và nhiều loại dược liệu của chúng ta còn rất ít.
Chỉ riêng về mật độ trồng thôi, để có được thông số chuẩn, thì phải mất từ 2, 3 chu kỳ nghiên cứu, mỗi chu kỳ là 5 - 6 năm. Có khi mất cả đời làm khoa học cũng mới có được câu trả lời. Vì thế, hãy đi chậm, đi chắc, nếu phát triển tràn lan vùng trồng trong khi thiếu mọi thứ, chưa nhìn rõ được đầu ra cho sản phẩm, thì sẽ rất bấp bênh cho người dân.
Cây sâm phải mọc ở độ cao cùng chi với tam thất (Panax), tương đương độ cao 1.300m so với mặt biển. Với độ cao đó thì mới phù hợp, nếu theo tiêu chí này, Việt Nam cũng không có nhiều diện tích. Bởi vành đai 1.300m chủ yếu là vùng núi rừng nguyên sinh, khu vực bảo tồn. Khi phát triển nhiều diện tích trồng sâm sẽ phạm vào khu vực bảo tồn và sẽ phá hỏng đa dạng sinh học.
CẦN XÁC ĐỊNH ĐÚNG - TRÚNG CÂY QUỐC DƯỢC
Theo PGS, vì sao Hàn Quốc đã thương mại hóa thành công các sản phẩm từ sâm, đưa cây sâm thành một sản phẩm tiêu biểu? Từ thành công của họ, ta có thể rút ra bài học gì?
Để tạo ra được cây có sản phẩm hàng hóa tốt, có thể thương mại và xuất khẩu được như cây sâm của Hàn Quốc, họ có khoảng 800 bài báo khoa học, mỗi bài báo này là cả một công trình nghiên cứu khoa học, có kết quả, số liệu minh chứng rõ ràng. Từ các công trình nghiên cứu thiết thực, hữu ích này, từng bước họ mới dựa vào đó để đề ra chiến lược phát triển một cách bài bản cho cây sâm cũng như các sản phẩm từ sâm.
Tại Việt Nam, hiện chúng ta mới có chừng 30 công trình khoa học nghiên cứu, khảo nghiệm về sâm. Như vậy là quá ít để hiểu biết về loại cây này. Đây là một quá trình, chúng ta muốn làm tốt, làm bền vững thì không thể đốt cháy giai đoạn được. Các nghiên cứu phải đầy đủ về giống, chất lượng, hoạt chất, đặc biệt là tác dụng sinh học.
Tác dụng sinh học của sâm hiện nay ai cũng nói tốt như thế này thế kia. Song, hệ quả của việc sự bổ, tốt đó là gì, dùng trong trường hợp nào. Bảo rằng sâm tăng trí nhớ, vậy tăng như thế nào? Tóm lại, giá trị thực sự của sâm chưa có cơ sở khoa học vững chắc, cũng chưa có trả lời chính xác giá trị sử dụng. Dưới góc độ của người làm khoa học và cũng đã làm doanh nghiệp, bươn trải thị trường, tôi không nói là được hay không được, nhưng tôi đưa ra cảnh báo như vậy để mọi người cân nhắc.
Việt Nam có thế mạnh về thảo dược và rất muốn phát triển ngành này, nhưng chúng ta chưa thực sự cạnh tranh sòng phẳng với dược liệu nhập ngoại ngay trên sân nhà. Theo tiến sĩ, chúng ta cần làm gì để đạt hiệu quả tốt hơn trong những năm tới?
Để phát triển diện rộng, đầu tiên cần “nhân giống” những mô hình tốt, cách làm hay. Tại Việt Nam, theo tôi quan sát trong giới làm dược liệu, Công ty Traphaco đã làm rất tốt với các sản phẩm từ cây đinh lăng. Đây là giống cây bản địa, mặc dù được nhập từ các đảo Thái Bình Dương nhưng được đưa về Việt Nam từ lâu đời và đã trở thành cây bản địa.
Cây thứ 2 là Atiso. Từ cây này Traphaco đã tạo ra 2 sản phẩm chính là hoạt huyết dưỡng não và Boganic – thuốc bổ gan. Đây có thể coi là trường hợp thành công khá kinh điển của ngành thảo dược Việt Nam. Khi doanh số bán hàng tốt dần đều thì họ tạo ra vùng trồng quy mô lớn, ví dụ như vùng trồng lớn ở Hải Hậu, Nam Định đạt tiêu chuẩn GACP-WHO.
Tiếp theo hoạt huyết dưỡng não, công ty nghiên cứu sâu về cây đinh lăng, gần đây nhất họ hợp tác với một viện nghiên cứu của Hàn Quốc để nghiên cứu sâu hơn về các tác dụng khác nhau để minh chứng rõ hơn về giá trị sử dụng...
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 8-2023 phát hành ngày 20-02-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam