Hôm nay, thành phố Hà Nội đánh dấu mốc kỷ niệm tròn 15 năm sau mở rộng địa giới hành chính (1/8/2008 - 1/8/2023). Từ khi được mở rộng, kinh tế Thủ đô giữ vị trí đầu tàu và là động lực phát triển Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế của cả nước.
Theo thống kê, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) giai đoạn 2008 - 2010 (theo quy mô chưa thay đổi) đạt 9,68%/năm. Giai đoạn 2011 - 2022 (theo quy mô GRDP điều chỉnh) GRDP tăng bình quân 6,67%/năm; trong đó, dịch vụ tăng 6,77%; công nghiệp - xây dựng tăng 8,19%; nông nghiệp tăng 2,87%.
Hà Nội luôn duy trì tăng trưởng cao, bình quân giai đoạn 2011 - 2022, GRDP tăng gấp 1,12 lần so với mức tăng chung cả nước. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh được cải thiện, năng suất lao động năm 2022 đạt 291,3 triệu đồng/lao động (giá hiện hành), gấp 2,34 lần năm 2011 (124,5 triệu đồng/lao động) và gấp 1,6 lần bình quân cả nước (181,1 triệu đồng/lao động); tốc độ tăng trung bình giai đoạn 2012 - 2022 đạt 5,24%.
Du lịch của Hà Nội được chú trọng phát triển, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, được xếp hạng trong nhóm 10 thành phố có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, đứng thứ 15 trong danh sách 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất trên thế giới.
Năm 2022, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 18,7 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế 1,5 triệu lượt (bằng 21,4% mục tiêu năm 2025). Ước tính 6 tháng đầu năm 2023 tổng khách du lịch đạt 12,33 triệu lượt (so với cùng kỳ năm 2022 tăng 42%); dự kiến cả năm 2023 thu hút 22 triệu lượt khách du lịch.
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hơn 58 tỷ USD (gấp 1,93 lần so với năm 2008). Lạm phát được kiểm soát tốt; thực hiện quản lý, điều hành hiệu quả giá cả theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; chỉ số giá tiêu dùng giảm từ mức 18% năm 2011 còn 3,4% năm 2022, góp phần quan trọng ổn định tình hình kinh tế vĩ mô cả nước. Ngành công nghiệp được tích cực cơ cấu lại, tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và phát triển công nghệ cao. Giai đoạn 2011 - 2022, công nghiệp và xây dựng tăng bình quân 8,19%/năm (cao hơn bình quân chung 6,67%).
Một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao đã có bước phát triển khá. Hiện thành phố có 1.350 làng nghề và làng có nghề, thu hút hàng chục nghìn lao động, trong đó 313 làng được công nhận là làng nghề, làng nghề truyền thống. Hà Nội luôn chú trọng phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, là địa phương dẫn đầu cả nước về doanh thu công nghiệp ICT (đạt khoảng 320.000 tỷ đồng), với khoảng gần 8.500 doanh nghiệp công nghệ thông tin và có 02/05 khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung của cả nước.
Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn từ 2008 đến nay đều hoàn thành và vượt dự toán thu được Trung ương giao. Giai đoạn 2008 - 2022, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô huy động gần 4,04 triệu tỷ đồng, tăng hàng năm 11,04%. Thành phố triển khai nhiều giải pháp, đã thu hút mới trên 4.500 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 33 tỷ USD; các doanh nghiệp FDI đã đóng góp trên 10% thu ngân sách, 11% số lao động trong các doanh nghiệp, 11% vốn đầu tư phát triển toàn xã hội...
Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đóng vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, là chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh của mỗi quốc gia. Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội với đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa đã khẳng định vai trò, vị thế là trung tâm kinh tế, động lực phát triển của Vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước. Do đó, việc đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông được xác định là nhiệm vụ cấp thiết, nhằm thúc đẩy tốc độ đô thị hóa, tăng trưởng kinh tế của Vùng Thủ đô.
Thời gian qua, thành phố đã hoàn thành một số công trình giao thông trọng điểm, cấp bách trên địa bàn, như đường Vành đai 2 đoạn Nhật Tân - Cầu Giấy, đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng; nút giao thông trung tâm quận Long Biên; cầu vượt nút Bắc Hồng (huyện Đông Anh); đường Vành đai 1 đoạn Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái cùng các công trình chống ùn tắc trong nội đô như cầu vượt Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái, nút giao Cổ Linh; đường Vành đai 3 dưới thấp đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long; đường Vành đai 3,5 đoạn Đại lộ Thăng Long - quốc lộ 32…
Năm 2020, tổng chiều dài đường bộ trên địa bàn Thủ đô đạt 23.395km (tăng 3.683km so với năm 2010). Tỷ trọng diện tích đất dành cho giao thông trên đất đô thị đạt 10,07%. Hạ tầng giao thông được đầu tư, đưa vào sử dụng góp phần nâng cao năng lực giao thông, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội thông tin, chỉ tính riêng trong năm 2022, ngoài các dự án trọng điểm, Ban đã hoàn thành, thông xe nhiều dự án, như hầm chui Lê Văn Lương, cầu sông Lừ, hạng mục cầu xe máy đường Vành đai 3 đi thấp qua hồ Linh Đàm, cầu đi bộ qua đường Võ Nguyên Giáp tại khu vực Cảng hàng không quốc tế Nội Bài...
Trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng, theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội, mạng lưới xe buýt Hà Nội gồm 154 tuyến đã tiếp cận 30/30 quận, huyện, thị xã và kết nối với 7 tỉnh thành lân cận như: Hưng Yên, Hà Nam, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hòa Bình, Vĩnh Phúc. Sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt năm 2022 đạt 340 triệu lượt hành khách, trong đó buýt trợ giá đạt 334 triệu lượt, ngày càng phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân.
Hà Nội cũng tăng cường hiện đại hóa các tuyến đường trục giao thông chính của Thủ đô, phát triển hệ thống giao thông công cộng đồng bộ có sức chở lớn, bến, bãi đỗ xe và đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trên cao, đường sắt đô thị nổi và ngầm, các công trình ngầm gắn với khả năng kết nối đồng bộ giữa các loại hình vận tải hành khách công cộng, phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đường Vành đai 4 và xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2027.