Báo Wall Street Journal vừa đăng một bài viết của tác giả Ilan Berman, Phó chủ tịch Hội đồng chính sách đối ngoại Mỹ có trụ sở ở Washington D.C., nói về những thiệt hại kinh tế mà nước Nga đã phải gánh chịu trong cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine. VnEconomy xin giới thiệu tới độc giả bản lược dịch của bài viết này:
“Cuộc phiêu lưu” của Tổng thống Vladimir Putin ở Ukraine đã khiến nước Nga thiệt hại bao nhiêu? Câu trả lời ở đâu có lẽ là: khá nhiều.
Con số thống kê mới nhất từ Ngân hàng Trung ương Nga cho thấy, khoảng 51 tỷ USD tiền vốn đã tháo chạy khỏi Ukraine trong quý 1/2014. Trang web chuyên về tài chính Quartz.com nói rằng, đợt thoái vốn này chủ yếu là do nỗi lo sợ của các nhà đầu tư trước việc Nga can thiệp vào Ukraine và sáp nhập Crimea.
Trang web này nhất mạnh, quý 1 vừa qua chứng kiến sự thoái vốn mạnh nhất khỏi Nga kể từ quý 4/2008. Nhờ dự trữ ngoại hối khổng lồ ước tính lên tới hơn 400 tỷ USD, Ngân hàng Trung ương Nga có thể hạn chế một phần thiệt hại từ sự tháo chạy của các dòng vốn. Mặc dù vậy, những con số thống kê mới nhất là một tín hiệu cho thấy điều tệ hại hơn có thể sẽ xảy ra.
Bộ Phát triển Kinh tế Nga đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2014 xuống mức dưới 1%, từ mức dự báo tăng 2,5% trước đó. Ngân hàng Thế giới (WB) thậm chí nhận định, kinh tế Nga sẽ suy giảm gần 2% trong năm nay. Với mức suy giảm như vậy, sản lượng kinh tế Nga sẽ thiệt hại khoảng 30 tỷ USD.
Những nỗ lực của điện Kremlin nhằm gây áp lực cho Ukraine rất dễ “phản đòn”. Tập đoàn khí đốt quốc doanh Gazprom của Nga mới đây tăng giá bán khí đốt cho Ukraine thêm 80%, đồng thời đòi Kiev phải trả số tiền 11,4 tỷ USD từ việc được mua khí đốt giá rẻ của Nga trước kia. Tuy nhiên, giới quan sát nói rằng, việc tăng giá khí đốt có thể sẽ khiến Ukraine giảm mua khí đốt từ Nga, bởi Kiev có thể sẽ đa dạng hóa nguồn cung khí đốt bằng cách mua nhiên liệu này từ các nhà cung cấp thân thiện hơn ở châu Âu. Trên thực tế, điều này có thể đang xảy ra rồi. Vào hôm 9/4 vừa qua, Chính phủ Ukraine đáp trả các động thái của phía Nga bằng cách tạm dừng mua khí đốt của Nga.
Vị thế của nước Nga trên trường quốc tế đang có chiều hướng suy giảm. Nga đã bị loại khỏi nhóm 8 nước công nghiệp phát triển (G-8), đồng thời tiến trình gia nhập của Nga vào Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) bị ngừng lại, ít nhất là tạm thời. Trong diễn biến mới nhất, Đại hội đồng Nghị viện châu Âu (PACE) đã tước quyền bỏ phiếu của Nga nhằm phản đối việc Moscow can thiệp vào Ukraine.
Việc Crimea về Nga cũng đem đến cho Moscow một “hóa đơn” khổng lồ. Chính phủ Nga đã phân bổ ngân sách gần 7 tỷ USD để hỗ trợ cho Crimea trong năm nay. Số tiền này sẽ được dùng cho nhiều việc, từ nâng cấp cơ sở hạ tầng cho tới tăng lương hưu cho người dân Crimea. Khoản chi này có thể được bù đắp được bởi nguồn tài nguyên năng lượng của Crimea hoặc các thỏa thuận về căn cứ hải quân của Nga ở đây, và nhiều nhân tố khác, nhưng đây vẫn là một khoản chi có thể gây sức ép cho nền kinh tế vốn dĩ đã yếu của Nga.
Tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn nếu phương Tây gây áp lực kinh tế lớn hơn đối với Nga. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã cảnh báo tăng cường trừng phạt đối với Moscow nhằm đáp trả việc mà Washington cho là Nga đã hậu thuẫn các cuộc biểu tình đòi ly khai ở các địa phương miền Đông Ukraine gồm Kharkiv, Donetsk và Luhansk. Ông Kerry nói rằng, các lệnh trừng phạt tăng cường có thể được áp vào các ngành kinh tế chủ chốt của Nga như năng lượng, ngân hàng và khai mỏ. Những lệnh trừng phạt như thế sẽ có ảnh hưởng lớn đối với vận mệnh kinh tế của Nga trong dài hạn.
Tổng thống Putin hiện đang nhận được sự ủng hộ lớn từ người dân Nga, một phần nhờ những động thái cứng rắn của ông trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Theo một cuộc thăm dò dư luận vào cuối tháng 3, tỷ lệ ủng hộ của người dân Nga đối với ông Putin là 72%, tăng gần 10 điểm phần trăm so với trước đó.
Tuy nhiên, nếu cuộc khủng hoảng ở Ukraine còn tiếp tục kéo dài, Nga có thể sẽ phải hứng chịu những hậu quả lớn hơn về mặt kinh tế. Cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Alexei Kudrin dự báo, cuộc khủng hoảng ở Ukraine có thể khiến 160 tỷ USD tiền vốn chạy khỏi Nga trong năm nay, về kết quả sẽ là một nền kinh tế Nga trì trệ.
Đến một thời điểm nào đó không xa trong tương lai, rất có thể điện Kremlin sẽ không thể tiếp tục phớt lờ cái giá thực tế đi kèm với chính sách của họ.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate