Theo thông tin từ Cục Thống kê tỉnh Ninh Bình, sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh này trong tháng 7 tiếp tục phát triển và duy trì tốc độ tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã góp phần tích cực vào mức tăng chung của toàn ngành công nghiệp. Cụ thể, Chỉ số sản xuất công nghiệp của Ninh Bình tháng 7 tăng 17,77%, so với cùng kỳ.
Tính chung lại 7 tháng đầu năm 2024, chỉ số IIP toàn tỉnh Ninh Bình tăng 11,35%, trong đó ngành khai khoáng tăng 17,06%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,52%; sản xuất và phân phối điện tăng 36,45%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,01%.
Giá trị sản xuất công nghiệp 7 tháng đầu năm 2024 toàn tỉnh Ninh Bình ước đạt 56.779,7 tỷ đồng, tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Ngành khai khoáng ước đạt 571,2 tỷ đồng, tăng 19,8%; công nghiệp chế biến, chế tạo 55.392,5 tỷ đồng, tăng 7,5%; sản xuất và phân phối điện 710,2 tỷ đồng, tăng 33,8%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải 105,8 tỷ đồng, tăng 6,5%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa trong tháng 7 của Ninh Bình ước đạt trên 6.588,9 tỷ đồng, tăng 26,1% so với tháng 7/2023. Tính chung lại 7 tháng đầu năm 2024, doanh thu bán lẻ hàng hoá toàn tỉnh đạt trên hơn 46.000 tỷ đồng, tăng 26,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tất cả 12/12 nhóm hàng hóa có doanh thu bán lẻ tăng, trong đó một số nhóm đạt mức tăng cao như: Lương thực, thực phẩm ước đạt 17.290 tỷ đồng, tăng 30,1%; hàng may mặc 2.330,1 tỷ đồng, tăng 34,3%; vật phẩm văn hóa giáo dục 261,2 tỷ đồng, tăng 42,4%; xăng, dầu các loại 4.387,0 tỷ đồng, tăng 31,1%...
Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa toàn tỉnh Ninh Bình trong tháng 7/2024 ước thực hiện 281,5 triệu USD, tăng 8,3% so với tháng Bảy năm 2023.
Trong 7 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh này ước đạt 1.932,9 triệu USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn là: Giày dép các loại 542,8 triệu USD; camera và linh kiện ước đạt 406,6 triệu USD; xi măng và clanke 357,0 triệu USD; quần áo các loại 182,8 triệu USD; linh kiện điện tử 82,2 triệu USD, linh kiện phụ tùng ô tô các loại 76,9 triệu USD...
Tiếp đến, tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa trong tháng 7 của Ninh Bình ước thực hiện 284,5 triệu USD, tăng 18,3% so với cùng tháng năm 2023.
Tính chung lại, 7 tháng đầu năm nay tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa toàn tỉnh này ước đạt gần 1.807,1 triệu USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Trị giá các nhóm mặt hàng nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn là: Linh kiện điện tử 519,2 triệu USD; linh kiện phụ tùng ô tô các loại 518,0 triệu USD; phụ liệu sản xuất giày, dép 378,0 triệu USD; vải may mặc các loại 94,0 triệu USD; ô tô 29,2 triệu USD.
Về du lịch, ước tính số lượt khách đến các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh trong tháng 7 đạt gần 406 nghìn lượt khách, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách trong nước 339,7 nghìn lượt, tăng 7,7%; khách quốc tế 66,3 nghìn lượt, gấp 3,1 lần.
Tổng số lượt khách đến các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh này ước đạt 112,4 nghìn lượt khách, tăng 19,3%; số ngày khách lưu trú ước đạt 137,2 nghìn ngày khách, tăng 2,9%. Doanh thu du lịch trong tháng 7 ước đạt 454,6 tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ.
Tính chung 7 tháng đầu năm nay, số lượt khách đến các điểm tham quan, du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình ước đạt trên 6.520,3 nghìn lượt khách, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khách trong nước 5.773,5 nghìn lượt khách, tăng 24,7%; khách quốc tế 746,8 nghìn lượt, gấp 3,1 lần. Tổng số lượt khách đến các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh Ninh Bình ước đạt 1.257,1 nghìn lượt khách, tăng 66,7%; số ngày khách lưu trú ước đạt 1.405,5 nghìn ngày khách, tăng 42,9%.
Doanh thu du lịch 7 tháng qua của tỉnh Ninh Bình ước đạt gần 6.269,4 tỷ đồng, tăng 47,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu khách sạn 491,2 tỷ đồng, tăng 32,7%; doanh thu nhà hàng 3.116,6 tỷ đồng, tăng 43,6%.