April 25, 2024 | 08:00 GMT+7

Kinh tế thế giới quý 1 năm 2024: Rủi ro, bất định và gợi mở cho Việt Nam

Nhóm tác giả*

Quý 1/2024 đã chứng kiến nhiều rủi ro, bất định trên nhiều phương diện khác nhau: địa chính trị, kinh tế, công nghệ, biến đổi khí hậu. Đây không phải là những rủi ro, bất định hoàn toàn mới nhưng cấp độ, phạm vi ảnh hưởng của những rủi ro này đã tăng lên và trầm trọng hơn trong những tháng đầu năm. Bối cảnh này đã có những ảnh hưởng lớn đến các diễn biến của nền kinh tế thế giới trong quý 1 và dự báo cho cả năm 2024...

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, rủi ro địa chính trị đã trở thành một yếu tố quan trọng khi phân tích sự ổn định kinh tế và chính trị toàn cầu. Từ năm 2023 đến hết quý 1/2024, chỉ số rủi ro địa chính trị (Geopolitical Risk Index - GPR) đã chứng kiến một sự tăng vọt đáng kể (hình 1). Điều này đến từ nhiều yếu tố như các căng thẳng quân sự, sự cạnh tranh quyền lực mạnh mẽ giữa các cường quốc và một lịch trình bầu cử dày đặc trên toàn cầu (theo Lazard Asset Management, 2024). Theo Eurasia Group, tất cả các yếu tố này tạo ra một bối cảnh địa chính trị vô cùng phức tạp và đặt vấn đề địa chính trị vào vị trí trung tâm trong những rủi ro mà các quốc gia và doanh nghiệp trên thế giới cần quan tâm.

Căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông năm 2024 tiếp tục là một mối lo ngại lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định kinh tế và chính trị trên toàn thế giới. Tình hình xung đột đang leo thang và không có dấu hiệu giảm nhiệt, khiến cho việc tìm kiếm giải pháp hòa bình trở nên càng khó khăn. Sự bế tắc này không chỉ khiến cho khu vực ngày càng rơi vào tình trạng khủng hoảng sâu rộng mà còn làm tăng các mối đe dọa đối với an ninh quốc tế.

RỦI RO ĐỊA CHÍNH TRỊ

Những căng thẳng này đã gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu. Các công ty vận tải biển đang tránh đi qua kênh đào Suez, một tuyến đường chủ chốt trong thương mại hàng hải, do lo ngại an ninh. Điều này không những ảnh hưởng đến khoảng 11% thương mại toàn cầu, đặc biệt là tuyến đường hàng hải Á-Âu, mà còn gây ra sự gia tăng chi phí năng lượng và logistics, làm tăng áp lực lạm phát và có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Những diễn biến này đang thử thách khả năng của các chính phủ và doanh nghiệp trong việc duy trì ổn định và phát triển kinh tế trong bối cảnh địa chính trị không ngừng thay đổi.

Sau hai năm kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu, tình hình vẫn đang diễn biến phức tạp và căng thẳng với nhiều sự kiện mới và ảnh hưởng sâu rộng đến bối cảnh địa chính trị toàn cầu. Đến tháng 4/2024, cuộc xung đột không chỉ tiếp tục mà còn leo thang với các hoạt động quân sự như tấn công từ không trung và chiến lược chiếm giữ lãnh thổ.

Cuộc xung đột này đã thu hút sự chú ý và tham gia của nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế, từ hỗ trợ quân sự đến hỗ trợ chính trị và kinh tế. Điều này đã gây ra những tác động sâu rộng đến nền kinh tế toàn cầu, làm bất ổn thị trường năng lượng, chuỗi cung ứng, thị trường tài chính, cũng như làm tăng giá cả thực phẩm và đẩy nhanh việc mất an ninh lương thực. Các biện pháp trừng phạt kinh tế áp đặt lên Nga cùng với các phản ứng từ phía Nga đã thay đổi mô hình thương mại toàn cầu và tác động đến nền kinh tế của nhiều quốc gia có quan hệ thương mại với Nga.

Đồng thời, năm 2024 được đặt tên là “siêu chu kỳ bầu cử toàn cầu”, với khoảng 76 quốc gia tổ chức bầu cử và hơn 50% dân số thế giới tham gia vào các cuộc bầu cử này (Lazard Asset Management, 2024). Điều này có khả năng tạo ra những biến động đáng kể về chính trị và kinh tế, đặc biệt là ở những khu vực với tình hình chính trị không ổn định​​.

Tác động của các cuộc bầu cử tới triển vọng kinh tế chính trị toàn cầu là khác nhau. Các cuộc bầu cử sắp tới ở châu Âu rất quan trọng, vì sẽ quyết định thành phần của nghị viện Liên minh châu Âu (EU) vào thời điểm các đảng cực hữu đang lên ngôi và khối này ngày càng bị chia rẽ.

Cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ có thể sẽ có tác động lớn nhất đến triển vọng chính trị và kinh tế toàn cầu. Hai ứng cử viên của Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ đại diện cho các quan điểm chính sách đối ngoại rất khác biệt, đặc biệt là về các vấn đề như Ukraine, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và thương mại toàn cầu, tuy nhiên đều có thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc. Do đó, trong tương lai, dù đại diện của Đảng Cộng hòa hay Đảng Dân chủ trở thành Tổng thống tiếp theo của Mỹ, thì cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ còn tiếp tục khó khăn và quyết liệt hơn.

Về phía Trung Quốc, kỳ họp Lưỡng hội đã diễn ra vào đầu năm 2024 với những quyết sách quan trọng về kinh tế, chính sách và nhân sự, sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ Mỹ - Trung. Tổng Bí thư Tập Cận Bình tập trung vào “sự hợp nhất hòa bình” với Đài Loan và khẳng định việc tăng cường quân sự hóa, phát triển kinh tế biển, nhấn mạnh vào sự phát triển của các ngành công nghệ tiên tiến như xe điện, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo, và bán dẫn.

Quốc hội Trung Quốc đã công bố một số biện pháp mới để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chẳng hạn như rút ngắn danh sách đầu tư “chọn-bỏ”, nới lỏng quyền tiếp cận thị trường trong lĩnh vực dịch vụ và loại bỏ các hạn chế đầu tư trong ngành sản xuất để khuyến khích dòng vốn đầu tư và thương mại đang suy giảm trong những năm gần đây. Có nhiều điểm tương đồng về định hướng chính sách của Trung Quốc trong thời gian tới so với nguyên nhân cơ bản dẫn đến cuộc chiến thương mại năm 2018; do đó, khả năng cạnh tranh địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ tiếp diễn trong thời gian tới.

RỦI RO KINH TẾ

Là động lực của nền kinh tế toàn cầu, nhưng Trung Quốc hiện đang đối mặt với một giai đoạn mới của tăng trưởng chậm và kéo dài. Các chỉ số kinh tế chính của Trung Quốc, như: Chỉ số niềm tin người tiêu dùng, FDI, Thị trường chứng khoán, Chỉ số nhà ở, đều cho thấy xu hướng suy giảm trong dài hạn (hình 2). Sự suy giảm này không chỉ là một phần của những biến động kinh tế thông thường mà còn phản ánh những thách thức cơ cấu sâu rộng hơn.

Yếu tố như dân số già đi nhanh chóng, mức nợ cao, khủng hoảng bất động sản và sự chậm trễ trong việc thực hiện các cải cách cần thiết đang ngày càng làm chậm đi triển vọng tăng trưởng của quốc gia này. Thêm vào đó, chính sách đối ngoại và hạn chế từ Mỹ cũng đang khiến cho quá trình phục hồi của quốc gia này càng thêm gian nan.

TS. Vũ Thanh Hương trình bày báo cáo: "Kinh tế thế giới quý 1-2024: Rủi ro, bất định và gợi mở cho Việt Nam" tại tọa đàm Nhận diện kinh tế quý 1-2024.
TS. Vũ Thanh Hương trình bày báo cáo: "Kinh tế thế giới quý 1-2024: Rủi ro, bất định và gợi mở cho Việt Nam" tại tọa đàm Nhận diện kinh tế quý 1-2024.

Sự suy giảm kinh tế của Trung Quốc dự báo sẽ ảnh hưởng đến nhiều quốc gia và ngành công nghiệp khác nhau trong năm 2024. Những nền kinh tế phụ thuộc vào chuỗi cung ứng và thị trường xuất khẩu tại Trung Quốc có thể phải đối mặt với sự giảm sút nhu cầu trong nhiều lĩnh vực, từ hóa chất đến điện tử và máy móc. Trung Quốc có thể sẽ phải dựa vào xuất khẩu để kích thích tăng trưởng, nhưng việc này sẽ đưa ra những thách thức về giá cả và cạnh tranh cho các nhà sản xuất quốc tế.

Một rủi ro về kinh tế khác nổi lên trong ảnh hưởng đến kinh tế thế giới trong quý 1/2024 là sự bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu do nợ tăng đến mức kỷ lục; lãi suất đồng USD và EUR cao nhất trong hơn hai thập kỷ; giá vàng tăng lên mức kỷ lục; xu hướng chính sách tiền tệ trái chiều giữa các nền kinh tế lớn là Mỹ, EU và Trung Quốc, Nhật Bản đang thúc đẩy các yếu tố bất định gia tăng; xung đột địa chính trị leo thang.

Tất cả những bất ổn này gây bất lợi cho cuộc chiến chống lạm phát ở Mỹ và châu Âu, làm chậm lại tiến trình bắt đầu chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ mà thị trường đang chờ đợi trong năm 2024, làm tăng thêm áp lực lên thị trường tiền tệ và cạnh tranh gia tăng trên thị trường vốn của các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam...

———————————

(* )Nhóm tác giả thuộc Trường đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội gồm: PGS.TS. Vũ Thanh Hương; TS. Nguyễn Thị Thanh Mai; TS. Nguyễn Thị Vũ Hà; TS. Nguyễn Lan Anh; TS. Nguyễn Thị Phương Linh; ThS. Trần Hương Linh; TS. Phạm Hoàng Linh.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 17-2024 phát hành ngày 22/04/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Kinh tế thế giới quý 1 năm 2024: Rủi ro, bất định và gợi mở cho Việt Nam - Ảnh 2
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate