April 10, 2023 | 08:44 GMT+7

Kinh tế thị trường và Luật Đất đai

Phan Thanh Hà - Huỳnh Quang Tuấn

Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI năm 2012 ghi: “Giá đất do Nhà nước quy định theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm định giá, bảo đảm nguyên tắc phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”; Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII năm 2022  ghi: “Có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường”. Vậy, cần hiểu các nội dung đó và cụ thể hóa trong Luật Đất đai đang sửa đổi như thế nào?...

Việt Nam thuộc một số ít trường hợp đặc biệt có kinh tế thị trường nhưng sở hữu đất đai toàn dân.
Việt Nam thuộc một số ít trường hợp đặc biệt có kinh tế thị trường nhưng sở hữu đất đai toàn dân.

Theo Nghị quyết số 19-NQ/TW năm 2012 thì giá đất do Nhà nước, tức là không phải do thị trường (tập hợp những chủ thể tham gia thị trường), xác định, nhưng vẫn đặt ra yêu cầu phải “phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước”, tức là vẫn nhấn mạnh Nhà nước định giá.

Nghị quyết số 18-NQ/TW năm 2022 không còn trực tiếp nhấn mạnh vai trò Nhà nước xác định giá đất mà công nhận Nhà nước cần tiếp thu phương pháp xác định giá đất của thị trường (căn cứ vào vị trí, lợi thế về khả năng sinh lời, chứ không chỉ là theo mục đích sử dụng do Nhà nước ấn định).

Như vậy sau 10 năm, Nghị quyết của Đảng nhấn mạnh hơn vai trò của thị trường, cụ thể là trong việc xác định giá đất. Yêu cầu thể chế hóa cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường trong luật đang là một thách thức, đòi hỏi nghiên cứu sâu hơn.

Để Nhà nước xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường thì phải có hệ thống thông tin về giao dịch đất đai, bao gồm giá thị trường, sau đó sử dụng các công cụ tính toán, căn cứ vào các yếu tố quyết định giá đất.

Vậy cơ chế thị trường, nguyên tắc thị trường và quy luật thị trường là gì?

Đây là vấn đề đã được thảo luận nhiều trong những năm đầu Đổi mới nhưng hiện nay đang trở nên thời sự, khi sửa đổi Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, vấn đề kinh tế thị trường lại được đặt ra để đánh giá việc sửa đổi, bổ sung các luật này: Liệu có theo nguyên tắc thị trường như Nghị quyết của Đảng yêu cầu?

CƠ CHẾ THỊ TRƯỜNG

Có nhiều định nghĩa và cách hiểu tương tự nhau về khái niệm “cơ chế”, tựu trung lại, có thể hiểu cơ chế là tập hợp các quy định và cách thức tổ chức các hoạt động (hành động) để đạt được mục tiêu nhất định. Các định nghĩa này cho thấy cơ chế là do con người đặt ra.

Thị trường là phương thức hoạt động kinh tế của con người từ ngàn xưa. Sản vật do con người làm ra, ngoài phần dùng cho bản thân, phần còn lại đem đi đổi lấy thứ họ cần mà tự họ không kiếm hoặc tạo ra được. Cách đổi chác tự nguyện như vậy chính là thị trường.

Hệ thống trao đổi (thị trường) muốn hoạt động thì phải có những nguyên lý, quy tắc hoạt động. Đó là quy ước của con người, của những người tham gia trao đổi trên thị trường (thông lệ), hoặc của Nhà nước (luật pháp); tập hợp các quy định đó chính là cơ chế hoạt động của hệ thống thị trường, hay chính là cơ chế thị trường.

Có hai loại cơ chế kinh tế cơ bản là cơ chế thị trường và cơ chế kế hoạch hóa tập trung, với nhiều điểm đối ngược nhau. Trong hệ thống kế hoạch hóa tập trung thì Nhà nước tập trung sản vật (thu mua không theo nguyên tắc tự nguyện, mà do Nhà nước áp đặt), rồi đem phân phối cho người sử dụng.

Các tổ chức tham gia hoạt động kinh tế, gồm các đơn vị kinh doanh như doanh nghiệp, hợp tác xã (không bao gồm cá nhân kinh doanh hoạt động tự do) chỉ được hoạt động trong khuôn khổ kế hoạch do cơ quan nhà nước xác định chặt chẽ: đơn vị nào cung cấp nguyên vật liệu gì, sản xuất bao nhiêu, bán cho ai, khối lượng bao nhiêu, với giá nào.

Trong cơ chế thị trường, khuôn khổ hoạt động của hệ thống kinh tế được mở rộng hơn nhiều: không chỉ các tổ chức mà các cá nhân đều có quyền tham gia hoạt động kinh tế và được tự quyết định các yếu tố cơ bản về sản xuất kinh doanh của mình như sản lượng, giá cả, mặc dù Nhà nước vẫn có những quy định về sản xuất kinh doanh (về hợp đồng, chất lượng sản phẩm, giải quyết tranh chấp...).

Cơ chế do con người quy định nên có thể thay đổi để chuyển từ cơ chế này sang cơ chế khác. Việc chuyển ngay lập tức sang cơ chế khác thường khó khăn, có thể gây sốc nên phải có thời gian chuyển đổi.

QUY LUẬT THỊ TRƯỜNG

Thực tế cho thấy hệ thống kinh tế thị trường tự nó tìm được trạng thái cân bằng để tồn tại và hoạt động lâu dài nhờ tác động của quy luật thị trường, dựa trên nền tảng cốt lõi là trao đổi tự do theo nguyên tắc ngang giá. Điều đó đạt được khi những người tham gia trao đổi là chủ của hàng hóa đem trao đổi (có thể tự quyết định do có quyền sở hữu).

Giống như quy luật tự nhiên, quy luật thị trường mang tính khách quan, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của những bên tham gia thị trường. Do tác động của quy luật thị trường, dù muốn hay không thì các nhà sản xuất buộc phải cạnh tranh với nhau để cung cấp hàng hóa chất lượng cao với giá cả hợp lý, nếu muốn tiếp tục tồn tại trên thị trường, trừ trường hợp độc quyền.

Quy luật căn bản của kinh tế thị trường gồm quy luật giá trị và quy luật cung cầu. Quy luật giá trị cho rằng việc sản xuất và lưu thông hàng hóa dựa trên cơ sở giá trị hàng hóa. Đó là hao phí lao động xã hội cần thiết hay chi phí sản xuất hàng hóa trong điều kiện trung bình của xã hội.

Trong sản xuất thì hao phí lao động cá biệt phải phù hợp (xoay quanh) hao phí lao động xã hội cần thiết. Hai hàng hóa có giá trị sử dụng khác nhau, nhưng có thể trao đổi với nhau do có lượng giá trị bằng nhau (có cùng lượng lao động xã hội hao phí). Tức là trao đổi hàng hóa cũng dựa trên hao phí lao động xã hội cần thiết. Nguyên tắc trao đổi ngang giá này đảm bảo sự công bằng, hợp lý, bình đẳng giữa những người sản xuất hàng hóa. Quy luật giá trị bắt buộc những người sản xuất và trao đổi hàng hóa phải tuân theo đòi hỏi của nó thông qua giá cả.

Giá cả là biểu hiện bằng tiền của giá trị hàng hóa, do giá trị hàng hóa quyết định. Sự vận động lên xuống của giá cả trên thị trường là do tác động của quy luật giá trị: giá cả thị trường lên xuống xoay quanh giá trị. Tại một thời điểm thì giá cả có thể tách rời khỏi giá trị, nhưng trong một thời gian dài thì tổng giá cả hàng hóa bằng tổng giá trị hàng hóa.

Quy luật cung cầu khiến thị trường luôn có xu hướng tiến tới trạng thái cân bằng (cung bằng cầu). Nếu nhu cầu về hàng hóa tăng lên thì giá cả tăng lên, kích thích nhà sản xuất tăng cung. Khi sản xuất đạt đến một sản lượng nào đó làm cho cung vượt quá cầu thì giá hàng hóa sẽ giảm xuống, kéo cung giảm theo để cân bằng cung cầu.

NGUYÊN TẮC THỊ TRƯỜNG

Nguyên tắc thị trường và quy luật thị trường là hai khái niệm khác nhau. Nguyên tắc thị trường có thể được hiểu là những nội dung cơ bản nhất về kinh tế thị trường, chủ yếu đó là về cơ chế thị trường (những điều kiện tiên quyết để thị trường hoạt động) và quy luật thị trường. Nguyên tắc thị trường là khái niệm cho kinh tế thị trường nói chung, không chỉ riêng quy luật thị trường.

Để có kinh tế thị trường, cần có sở hữu tư nhân, tự do kinh doanh (đồng nghĩa với tự do cạnh tranh). Đó là những nguyên tắc thị trường quan trọng nhất. Nếu mọi thứ do Nhà nước quyết định thì không có kinh tế thị trường. Nhà nước và thị trường có thể coi là hai khái niệm đối ngược nhau.

Trên thực tế, chỉ cần Nhà nước công nhận quyền sở hữu, quyền kinh doanh của người dân là có kinh tế thị trường. Như vậy, nguyên tắc thị trường không phải do con người đặt ra, mà thể hiện nhận thức của con người về kinh tế thị trường.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Một hệ thống thị trường tự do hoàn toàn, không có bất cứ ràng buộc, hạn chế nào chưa bao giờ tồn tại trong thực tế lịch sử loài người. Từ Keynes, các nhà kinh tế đã đề cập đến vai trò của nhà nước trong hệ thống thị trường: Nhà nước nên can thiệp như thế nào vào hệ thống...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 15-2023 phát hành ngày 10-04-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Kinh tế thị trường và Luật Đất đai - Ảnh 1
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate