Nền kinh tế Trung Quốc vừa trải qua một năm 2023 "bết bát" và bước sang năm mới chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Thị trường bất động sản vẫn chìm trong khủng hoảng trong khi thị trường chứng khoán lao dốc mạnh, gây suy giảm tài sản của tầng lớp trung lưu – nhóm dân số đóng vai trò quan trọng với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
NHÓM DÂN SỐ DỄ BỊ TỔN THƯƠNG TRƯỚC CÚ SỐC KINH TẾ
Các nhà kinh tế cảnh báo rằng tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc – nhóm dân số với khoảng 400 triệu người – có nguy cơ thu hẹp nếu nước này không phục hồi kinh tế mạnh mẽ. Điều này đe dọa nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tăng gấp đôi quy mô tầng lớp trung lưu để hướng tới mục tiêu vì sự “thịnh vượng chung”, đưa Trung Quốc trở thành nền kinh tế phát triển vào giữa thế kỷ này.
Dù không có định nghĩa chính xác về “tầng lớp trung lưu” ở Trung Quốc, cụm từ này thường được sử dụng để mô tả những người có thu nhập trung bình, tức một hộ gia đình ba người có thu nhập từ 100.000 nhân dân tệ (14.000 USD) đến 500.000 nhân dân tệ/năm - theo Tổng Cục thống kê Quốc gia Trung Quốc.
Trong một bài xã luận đăng vào tháng trước, tờ Kinh tế Nhật báo của Trung Quốc nhấn mạnh nguy cơ thu hẹp của tầng lớp trung lưu, đồng thời kêu gọi nhà chức trách gấp rút có biện pháp thúc đẩy tăng trưởng nhóm dân số này.
“Nhóm dân số thu nhập trung bình có vai trò rất lớn với sự tăng trưởng của nền kinh tế, sự ổn định xã hội cũng như đương đầu với các thách thức bên ngoài”, bài xã luận đăng ngày 27/12/2023. “Tuy nhiên, phần lớn nhóm dân số này là những người có thu nhập trung bình thấp. Trong đó, nhiều người có việc làm không ổn định và có nguy cơ bị đẩy ra khỏi tầng lớp trung lưu”.
Theo các thông tin chính thức, Trung Quốc có khoảng 400 triệu người thu nhập trung bình – tương đương 140 triệu hộ gia đình – chiếm khoảng 30% trong tổng dân số 1,4 tỷ người.
“Phần lớn nhóm người này vẫn nằm sát cận dưới trong khoảng thu nhập, do đó cần có chính sách nâng cao thu nhập và tăng cảm giác kiếm được tiền cho họ”, ông Wang Yiming, cố vấn chính sách của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC), nhận định trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình quốc gia CCTV hồi đầu tháng.
Theo ông Wang, cựu phó chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Quốc vụ viện Trung Quốc, đa số tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc chỉ vừa mới bước qua ngưỡng thu nhập trung bình. Do đó, đây là nhóm dễ bị tổn thương nhiều nhất trước những cú sốc kinh tế như đại dịch, bởi thu nhập và việc làm của họ dễ bị ảnh hưởng.
ĐẦU TƯ VÀO ĐÂU CŨNG LỖ, KHÔNG DÁM CHI TIÊU XA XỈ
Ông Li, một quản lý bán hàng 41 tuổi, vừa bị sa thải hai tuần trước khi công ty quản lý nội dung web của ông cắt giảm quy mô phòng tiếp thị.
“Tôi sẽ thua lỗ bất kể đầu tư vào đâu. Trong khi đó, tìm một công việc mới với mức lương hiện tại không hề dễ. Tôi gặp rất nhiều khó khăn để chuyển sang một ngành nghề mới khi đã bước sang tuổi trung niên”, ông Li nói và cho biết phần lớn thu nhập hiện tại của ông được dùng để trả khoản vay thế chấp mua nhà, bên cạnh khoản vay mua ô tô và khoản vay tiêu dùng cá nhân của gia đình 4 người.
Năm 2023, chỉ số chứng khoản CSI 300 của Trung Quốc, giảm 11,4% và sụt thêm 5,9% trong hai tuần đầu năm 2024. Theo công ty cung cấp dữ liệu Wind, lợi nhuận bình quân dự kiến của các sản phẩm quản lý tài sản trực tuyến kỳ hạn 1 năm là 2,79% trong tuần thứ hai của năm 2024, giảm so với mức 4,41% cùng thời điểm 2 năm trước.
Trên thị trường bất động sản, doanh số theo diện tích mặt sàn cũng giảm 8,5% trong năm 2021, xuống còn khoảng 112 triệu m2. Đây là mức thấp nhất trong vòng một thập kỷ. Doanh thu theo giá trị cũng sụt xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016. Cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài vẫn đang là “hòn đá tảng” lớn nhất kìm hãm sự phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Bất động sản được xem là kênh tích lũy tài sản ưa thích nhất của các hộ gia đình ở Trung Quốc. Bà Winnie Liu, quản lý tại một công ty có vốn đầu tư nước nước ngoài ở Thẩm Quyến, đã mua một căn hộ 1 phòng ngủ vào năm 2015 để đầu tư. Năm 2021, giá trị căn hộ này tăng lên tới 6,3 triệu nhân dân tệ (882.000 USD), nhưng đến nay giảm xuống còn chưa tới 4 triệu nhân dân tệ.
“Tài sản của tôi đã giảm rất nhiều trong 2 năm qua, kể cả bất động sản hay đầu tư tài chính”, bà Liu chia sẻ. “Tôi chỉ mong sẽ năm nay sẽ không giảm thêm nữa”.
Tuy nhiên, Li vẫn xem mình may mắn hơn so với những người đầu tư vào bất động sản sau năm 2018.
“Nhiều người bây giờ bắt đầu âm tài sản”, bà Liu cho biết.
Một cuộc khảo sát với nhóm trung lưu trong độ tuổi từ 31-40 của tác giả về chính kinh tế Wu Xiaobo cho thấy tăng trưởng tài sản của nhóm dân số này đã chậm lại trong năm 2023, khiến họ ngày càng dè dặt hơn trong chi tiêu.
Theo Sách trắng về tầng lớp trung lưu mới năm 2023 do công ty truyền thông tài chính Wu Xiaobo Channel, chưa đầy 1/5, cụ thể là chỉ khoảng 17,5% người được hỏi có giá trị tài sản tăng lên trong năm 2023. Trong khi đó, 11,4% chứng kiến tài sản giảm hơn 30% và 28,9% chứng kiến tài sản giảm từ 10-30%.
Năm ngoái, Lawrence Huang, một cựu kỹ sư truyền thông, đã buộc phải đóng cửa trường mầm non tư nhân của mình do tỷ lệ sinh tại Trung Quốc giảm cũng như những gián đoạn do Covid-19 ba năm trước. Ông cho biết sau khi bị sa thải khỏi công ty đang làm, ông đã mở trường mầm mon ở quê nhà tỉnh Hà Nam nhưng vẫn chưa hòa vốn suốt 6 năm qua.
“Chúng tôi từng thu học phí 15.000 nhân dân tệ/trẻ/năm, nhưng sau đó phải giảm xuống 10.000 nhân dân tệ do thu nhập của nhiều phụ huynh bị giảm. Dù vậy, lượng tuyển sinh vẫn không tăng trở lại như cũ”, ông Huang chia sẻ và cho biết hiện vẫn nợ ngân hàng vài trăm nghìn nhân dân tệ, bên cạnh khoản vay từ bạn bè người thân để mở trường.
Mùa hè năm ngoái, ông quay lại Thẩm Quyến và chấp nhận làm việc ở văn phòng nước ngoài của một công ty Trung Quốc với mức lương thấp.
“Không còn mức thu nhập cao nữa. Chúng tôi phải làm việc vất vả hơn để duy trì cuộc sống trung lưu”, ông chia sẻ.
Còn bà Liu ở Thẩm Quyến cho biết gia đình bà đã phải giảm mức chi tiêu, không còn tiêu tiền vào những thương hiệu cao cấp như trước mà chọn các thương hiệu trong nước.