Xu hướng phục hồi của kinh tế Trung Quốc là sự bổ sung vào những dấu hiệu vững vàng của nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh nhà đầu tư bất an vì loạt vụ “sập tiệm” ngân hàng Mỹ và bất ổn ở nhà băng Thụy Sỹ Credit Suisse.
Các số liệu thống kê công bố gần đây đều cho thấy sự phục hồi được kỳ vọng ở nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới đang đi đúng hướng, sau khi Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) yếu nhất nhiều thập kỷ trong năm 2022.
Dựa vào các báo cáo công bố tuần vừa rồi, nhiều chuyên gia nhận định rằng doanh thu bán lẻ tăng lên phản ánh tiêu dùng đang dần trở thành động lực tăng trưởng chính của kinh tế Trung Quốc, giữa lúc các nhà máy của nước này đối mặt với sự giảm sút của xuất khẩu và ngành bất động sản vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng.
Tuy nhiên, các số liệu cũng bao gồm một số tín hiệu ảm đạm, nhất là về việc làm, đồng nghĩa với việc nền kinh tế Trung Quốc có thể cần thêm sự hỗ trợ từ cách nhà hoạch định chính sách để có thể đạt tới mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% mà Bắc Kinh đề ra cho năm nay.
NHỮNG SỐ LIỆU TÍCH CỰC
Đối với kinh tế toàn cầu, việc kinh tế Trung Quốc sáng lên diễn ra giữa lúc các cuộc khảo sát kinh doanh ở châu Âu và Mỹ cho thấy tăng trưởng trụ vững hơn dự kiến bất chấp lãi suất tăng và lạm phát còn dai dẳng. Tuy nhiên, giới đầu tư trên toàn thế giới đã bất an cao độ trong những ngày gần đây, khi ba ngân hàng Mỹ là Silvergate Bank, Silicon Valley Bank (SVB) và Signature Bank lần lượt sụp đổ chỉ trong vòng 1 tuần, tiếp đến là mối lo về sức khoẻ của Credit Suisse khiến giá cổ phiếu của nhà băng lớn thứ nhì Thuỵ Sỹ có lúc giảm tới 30% trong phiên ngày 15/3.
Những diễn biến tốt xấu đan xen này phủ bóng lên triển vọng lãi suất, vì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương khác phải cân nhắc giữa hai nhiệm vụ đối nghịch là chống lạm phát và xử lý bất ổn trong hệ thống ngân hàng. Một cuộc phục hồi vững mạnh của kinh tế Trung Quốc sẽ giữ vai trò như tấm nệm đỡ cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, dù giới chuyên gia cho rằng lợi ích của việc này đối với các nền kinh tế khác có thể chỉ ở mức hạn chế, bởi phục hồi tăng trưởng dựa trên tiêu dùng ở Trung Quốc đồng nghĩa nhu cầu của nước này đối với hàng hóa nhập khẩu sẽ ít hơn so với một sự phục hồi dựa trên kích cầu và đầu tư như trước đây.
“Nếu kinh tế Trung Quốc khỏe lên, điều đó giúp ích cho kinh tế toàn cầu nói chung. Nhưng sự khởi sắc này của Trung Quốc có sự khác biệt một chút so với những đợt phục hồi trước của nền kinh tế này”, ông Julian Evans-Pritchard, Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế Trung Quốc của Công ty Capital Economics, nhận định với tờ Wall Street Journal. Doanh thu bán lẻ ở Trung Quốc tăng trưởng 3,5% trong tháng 1 và tháng 2/2023 so với cùng kỳ năm ngoái, đảo ngược cú giảm 1,8% ghi nhận vào tháng 12/2022, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê Trung Quốc.
Sản lượng công nghiệp 2 tháng đầu năm tăng 2,4%, tăng tốc so với mức tăng trưởng 1,3% ghi nhận trong tháng 12. Đầu tư vào tài sản cố định như hạ tầng và máy móc tăng 5,5%.
Trung Quốc gộp số liệu kinh tế của tháng 1 và tháng 2 để tránh việc số liệu bị bóp méo bởi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Sự khởi sắc của các hoạt động kinh tế diễn ra sau khi Trung Quốc dỡ bỏ chính sách Zero Covid vào tháng 12 năm ngoái sau khoảng 3 năm áp dụng. Lúc đầu, chính Zero Covid là nhân tố cho phép kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh hơn các nền kinh tế khác sau khi tụt xuống đáy trong thời gian đầu của đại dịch. Về sau, cách chống dịch nghiêm ngặt này cho cho thấy nhiều bất cập khi xuất hiện những biến chủng Covid-19 có mức độ lây lan mạnh mẽ hơn. Những cuộc phong tỏa liên tiếp tại các thành phố lớn, trong đó có Thượng Hải đã khiến tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc giảm còn 3% trong năm ngoái, đánh dấu một trong năm tăng trưởng yếu nhất của nước này kể từ thập niên 1970.
KHỞI SẮC TỪ SAU GỠ BỎ ZERO COVID
Cuối năm 2022, Trung Quốc bất ngờ dỡ bỏ Zero Covid, chấp nhận một làn sóng lây nhiễm gây quá tải cho các bệnh viện và làm đảo lộn hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như cuộc sống thường nhật của người dân. Đến đầu tháng 1/2023, Trung Quốc có vẻ đã qua đỉnh dịch và các số liệu thống kê mới đây xác nhận rằng nền kinh tế đã khởi sắc đúng như những gì đã được thể hiện trước đó qua các cuộc khảo sát kinh doanh và dữ liệu của khu vực tư nhân về số lượt người đi xem phim, ăn nhà hàng, đi tàu điện ngầm…
Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 12-2023 phát hành ngày 20- 03-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:
https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam