April 18, 2023 | 10:34 GMT+7

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 4,5% trong quý 1, mạnh nhất 1 năm

An Huy -

Với đà hồi phục này, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới được cho là có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 5% cả năm. Lĩnh vực dịch vụ sẽ trở thành một đầu tàu tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc năm nay...

Một đường phố ở Thượng Hải hôm 28/2/2023 - Ảnh: Bloomberg/CNBC.
Một đường phố ở Thượng Hải hôm 28/2/2023 - Ảnh: Bloomberg/CNBC.

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1 của Trung Quốc tăng mạnh giữa lúc các nền kinh tế khác giảm tốc do ngân hàng trung ương tăng lãi suất để chống lạm phát. Với đà hồi phục này, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới được cho là có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 5% cả năm nay.

Số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBC) công bố sáng nay (18/4) cho thấy GDP nước này tăng 4,5% trong 3 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng này cao hơn nhiều so với mức dự báo tăng 4% mà các chuyên gia đưa ra trong một cuộc khảo sát do hãng tin Reuters thực hiện, đồng thời là mức tăng cao nhất trong một quý kể từ quý 1 năm ngoái. So với quý 4/2022, kinh tế Trung Quốc tăng 2,2%.

Quý 4 năm ngoái, kinh tế Trung Quốc đạt mức tăng trưởng 2,9% so với cùng kỳ năm trước.

Các số liệu khác cho thấy sự phục hồi diễn ra chưa được đồng đều. Doanh thu bán lẻ tháng 3 tăng 10,6%, vượt mức dự báo là tăng 7,4%. Sản lượng công nghiệp tăng 3,9%, thấp hơn một chút so với mức dự báo là tăng 4%. Đầu tư tài sản cố định quý 1 tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn dự báo là 5,7%.

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc là một vấn đề thu hút sự chú ý của nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế toàn cầu kể từ khi nước này từ bỏ chính sách chống dịch hà khắc Zero Covid vào cuối năm ngoái sau gần 3 năm áp dụng, và trong bối cảnh Bắc Kinh triển khai chiến dịch siết chặt kiểm soát đối với các lĩnh vực bất động sản và công nghệ trong 3 năm trở lại đây.

Năm 2022, kinh tế Trung Quốc tăng 3%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu tăng trưởng 5,5% mà Bắc Kinh đề ra. Năm nay, Chính phủ Trung Quốc hạ mục tiêu tăng trưởng về ngưỡng 5%.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế đã cảnh báo rằng sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc có thể đòi hỏi nhiều thời gian hơn dự kiến. Chẳng hạn, Citi đã đẩy lùi 3 tháng thời hạn mà ngân hàng Mỹ cho rằng chỉ số chứng khoán Hang Seng có thể đạt tới mục tiêu.

Phần lớn các chuyên gia kinh tế được Reuters khảo sát đều cho rằng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) sẽ không thay đổi lãi suất tham chiếu. Tuy nhiên, một số cho rằng PBOC có thể giảm nhẹ lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm nếu lạm phát ở Trung Quốc tiếp tục suy yếu.

Tuần trước, PBOC tuyên bố sẽ tiếp tục đảm bảo thanh khoản đầy đủ, ổn định tăng trưởng và việc làm, đồng thời tập trung đẩy mạnh nhu cầu tiêu dùng trong nước. Ngày 17/4, PBOC bơm thêm thanh khoản vào hệ thống ngân hàng qua cơ chế cho vay trung hạn và giữ nguyên lãi suất của các khoản vay này - một dấu hiệu cho thấy nhà chức trách không quá lo ngại về triển vọng tăng trưởng kinh tế trước mắt. Tháng 3, PBOC có đợt cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đầu tiên trong năm nay.

Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của Trung Quốc qua các năm.
Tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của Trung Quốc qua các năm.

Trước khi Trung Quốc công bố dữ liệu GDP, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc của ngân hàng ING, bà Iris Pang, dự báo tốc độ tăng trưởng quý 1 sẽ thấp hơn so với mục tiêu tăng trưởng cả năm mà Chính phủ nước này đề ra, do ảnh hưởng của các yếu tố giảm tốc bên ngoài.

“Sự giảm tốc tăng trưởng của nhu cầu toàn cầu, sẽ ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động xuất khẩu và sản xuất của Trung Quốc”, bà Pang viết trong một báo cáo được hãng tin CNBC trích dẫn.

Tuy nhiên, xuất khẩu tháng 3 của Trung Quốc bất ngờ hồi phục với mức tăng 14,8%, sau khi giảm 6,8% trong tháng trước đó. Thặng dư thương mại tháng 3 của Trung Quốc là 88 tỷ USD, vượt xa mức kỳ vọng 39 tỷ USD.

Bà Pang cho rằng dịch vụ có thể trở thành một đầu tàu tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc năm nay, vì số liệu gần đây cho thấy hoạt động của lĩnh vực này đang diễn ra mạnh mẽ. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành dịch vụ Trung Quốc tăng lên mức 57,8 điểm trong tháng 3, cao nhất trong hơn 2 năm.

Bà Pang dự báo Chính phủ Trung Quốc sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp kích cầu bổ sung để thúc đẩy đầu tư hạ tầng và tiêu dùng sau báo cáo GDP.

“Để đạt mục tiêu tăng trưởng 5% cho năm nay, Chính phủ Trung Quốc cần thúc đẩy đầu tư hạ tầng, chủ yếu là xây các tuyến metro và tăng số tháp viễn thông 5G như đã lên kế hoạch cho năm nay”, bà Pang viết trong báo cáo. “Bởi vậy, chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng tốc, đạt 6% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý 2. Nhưng chúng tôi giữ nguyên dự báo mức tăng trưởng cả năm là 5% vì nhu cầu bên ngoài sẽ là một vấn đề đáng lo ngại trong năm nay”.

Các chuyên gia được Reuters khảo sát dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,4% trong năm nay.

Số liệu lạm phát mới nhất của Trung Quốc cho thấy tốc độ tăng giá cả tiêu dùng ở nước này đã giảm xuống mức thấp nhất 18 tháng.

“Mối lo của thị trường hiện nay về giảm lạm phát ở Trung Quốc chủ yếu phản ánh mối lo về độ khoẻ và độ bền của sự phục hồi kinh tế”, chuyên gia kinh tế trưởng Wen Bin của China Mingsheng Bank nhận xét với hãng tin Reuters. “Sau giai đoạn lạc quan về việc Covid được dỡ, hoạt động sản xuất về cơ bản đã hồi về mức trước đại dịch, nhưng đà phục hồi của nhu cầu vẫn còn yếu”.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate