Nhận định tình hình kinh tế vĩ mô 2006 - 2010 chứa đựng “nghịch lý” phát triển hiếm thấy, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng cần có cách tiếp cận mới về chống lạm phát, duy trì ổn định vĩ mô và bảo đảm tăng trưởng của Việt Nam hiện nay.
Bản tham luận “Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 và những vấn đề kinh tế vĩ mô trung dài hạn” của ông Thiên đã mở đầu phiên thứ nhất của hội thảo “Kinh tế Việt Nam: Những vấn đề đặt ra trong trung và dài hạn” do Ủy ban Kinh tế Quốc hội phối hợp với Viện Khoa học xã hội tổ chức tại Cần Thơ hôm nay (10/3).
Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền nhấn mạnh: vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay là phải đánh giá đúng và nhận diện được đầy đủ những vấn đề cốt lõi mà nền kinh tế đang phải đối mặt, đặc biệt là trong 5 năm vừa qua. Từ đó đưa ra được giải pháp đồng bộ, hiệu quả và khả thi để ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng bền vững trong trung và dài hạn.
Phó chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam Nguyễn Xuân Thắng cũng đề nghị các vị đại biểu tham dự hội thảo tập trung phân tích rõ tình trạng bất ổn của kinh tế vĩ mô hiện nay để có những giải pháp tổng thể. Vì nếu chỉ giải quyết ở phần ngọn thì chỉ như "đánh cờ nước một".
Thuận lợi lớn, bất ổn nghiêm trọng
“Nghịch lý” phát triển hiếm thấy của giai đoạn 2006 - 2010 được Viện trưởng Thiên khái quát là: cơ hội thuận lợi lớn, mức đầu tư cao, thị trường mở rộng, đà tăng trưởng tốt, nhưng tăng trưởng giảm, lạm phát cao và bất ổn nghiêm trọng.
Con số được ông Thiên đưa ra so sánh để thấy rõ tính “có vấn đề” của giai đoạn vừa qua là mức trung bình của ba kỳ 5 năm của lạm phát và tăng trưởng. Cụ thể từ 1996 - 2000, CPI bình quân là 3,4% còn tăng trưởng GDP bình quân là 6,96%. Các con số tương ứng của giai đoạn 2001 - 2005 là 5,1% và 7,51%; giai đoạn 2006 - 2010 là 11,4% và 7,2%.
Như vậy, trong vòng 5 năm, tính cộng dồn đơn giản, lạm phát đã tăng gần 60% trong khi tổng tăng trưởng GDP chỉ đạt 35,1%. Chưa tính đến việc phân bổ lợi ích tăng trưởng có xu hướng tập trung cho nhóm người giàu và đầu cơ, chỉ hai con số nêu trên đã đủ chứng tỏ thu nhập thực tế và mức sống thực của người dân, nhất là tầng lớp nghèo, bị giảm sút rất mạnh, ông Thiên lưu ý.
Viện trưởng Thiên khái quát, tình hình cơ bản của giai đoạn 2006-2010 là hàng năm Chính phủ đều phải nỗ lực rất lớn trong điều hành để kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô. Các giải pháp thực thi chủ yếu đều mang tính ngắn hạn, tình thế (chữa cháy), nặng về hành chính, chưa tập trung xử lý các vấn đề cơ bản như cơ cấu, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Trả giá để đạt được tạm ổn ngắn hạn và hoàn thành một số mục tiêu cam kết chính hàng năm, theo ông Thiên không chỉ là sự hao tổn nguồn lực quốc gia rất lớn mà quan trọng hơn, đo bằng mức độ hao tổn sức khỏe của hệ thống doanh nghiệp sau khi chống chọi với lạm phát và lãi suất cao, bằng sự sụt giảm thu nhập và mức sống thực tế của người dân và đặc biệt, bằng sự suy giảm lòng tin thị trường và lòng tin của dân vào môi trường chính sách, vào năng lực quản trị vĩ mô.
Sau đó, Chính phủ và nền kinh tế lại bước vào một chu kỳ ngắn hạn (hàng năm) mới: tiếp tục đương đầu với tình trạng bất ổn và nguy cơ lạm phát gay gắt hơn, ông Thiên phân tích.
Sự tái diễn hàng năm một chu kỳ như vậy chứa đựng nguy cơ tạo vòng xoáy bất ổn và xu hướng suy thoái rất đáng lo ngại. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc ngày càng mạnh vào nền kinh tế thế giới đang biến động nhanh, bất ổn, khó dự báo và cạnh tranh ngày càng gay gắt, thì với một cơ cấu kinh tế không vững và không mạnh, việc chỉ tập trung vào các biện pháp “chữa cháy” chứa đựng nguy cơ tái diễn và bùng phát bất ổn, khả năng bùng nổ khủng hoảng ngày càng tăng, ông Thiên đưa ra cảnh báo.
“Cấp cứu” bài bản
Từ những lập luận về tình thế hiện tại của nền kinh tế Việt Nam, TS. Trần Đình Thiên cho rằng cần có cách tiếp cận “mới” đến vấn đề chống lạm phát, duy trì ổn định vĩ mô và bảo đảm tăng trưởng của Việt Nam hiện nay.
Cách tiếp cận này, theo phân tích của TS. Thiên bao gồm nhận diện đúng thực chất tình hình (mức độ nghiêm trọng), xác định rõ căn nguyên bất ổn và lạm phát; đề xuất các giải pháp căn cơ, chiến lược cho tăng trưởng bền vững (cốt lõi là ổn định vĩ mô) và lộ trình thực thi.
Ông Thiên cũng nhấn mạnh việc xác định các giải pháp “cấp cứu” một cách bài bản, đúng cách (theo tình thế) và “vừa theo sức của mình”. Đồng thời xây dựng nguyên tắc và cơ chế phối hợp thực thi chính sách theo trục thời gian (dài hạn và ngắn hạn), theo trục chính sách (các bộ ngành, trung ương - địa phương và Chính phủ - các tập đoàn lớn), bảo đảm tính nhất quán và không xung đột trong thực thi.
Vị Viện trưởng Viện Kinh tế cũng tỏ ra quan ngại về tính cấp bách và gay gắt của tình hình kinh tế năm 2011 với các yếu tố tăng giá và tăng bất ổn rất lớn. Khi xu thế lạm phát cao và bất ổn lớn rõ ngay từ đầu năm, lòng tin thị trường và lòng tin của dân bị suy giảm mạnh.
Những vấn đề phải giải quyết được ông Thiên đề cập, đầu tiên là xác lập và củng cố một số quan điểm, tư duy định hướng: tư duy lại chức năng nhà nước - thị trường và mối quan hệ mục tiêu chức năng tăng trưởng - ổn định. Tiếp đó, đổi mới mô hình tăng trưởng là nhiệm vụ chiến lược sống còn.
Một lưu ý được ông Thiên nhấn mạnh khi thực hiện nhiệm vụ cấp bách để kiềm chế lạm phát là trong điều kiện “sức khỏe” Nhà nước và sức khỏe doanh nghiệp đều bị suy yếu, Chính phủ không nên “đuổi theo” lạm phát để kéo nó xuống mà nên dùng biện pháp vượt trước lạm phát để đè lạm phát xuống.
Công cụ chính là lãi suất. Phương pháp này cũng nên áp dụng để chống đầu cơ tỷ giá, ông Thiên phát biểu.
Trong số các giải pháp lớn gắn với khôi phục ổn định, bảo đảm tăng trưởng bền vững được Viện trưởng Thiên đề xuất có tái cấu trúc hệ thống ngân hàng với hai việc chính.
Gồm, tăng cường vai trò độc lập của Ngân hàng Nhà nước (rõ chức năng và quyền hành ổn định vĩ mô, chịu trách nhiệm) và mạnh tay sắp xếp lại các ngân hàng thương mại cổ phần, loại bỏ những ngân hàng thương mại quá yếu kém, tác nhân kích “lãi suất”, gây bất ổn.
Vẫn “dễ dãi, nhẹ nhàng”
Với kế hoạch 5 năm tới, vị Viện trưởng Viện Kinh tế cũng không giấu được lo lắng.
Bởi, dự thảo kế hoạch 5 năm 2011-2015, trên quan điểm tiếp cận giải quyết các vấn đề phát triển trung - dài hạn nêu trên, một cách tổng quát, dường như chưa thể hiện tư tưởng đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu mà thực tiễn đang đòi hỏi gay gắt và đã được xác định - khẳng định trong các văn kiện Đại hội Đảng XI, ông Thiên phát biểu.
Cũng theo ông Thiên, khuôn mẫu dự thảo kế hoạch vẫn là khuôn mẫu cũ, vẫn chuyển dịch cơ cấu đầu tư và cơ cấu kinh tế theo cách cũ.
Cụ thể hơn, ông Thiên phân tích, dự thảo đánh giá bối cảnh quốc tế quá đơn giản. Do đó, cách thức phát triển kinh tế của Việt Nam cũng “dễ dãi, nhẹ nhàng”.
Tính “hiện vật” vẫn lấn át trong một kế hoạch kinh tế vĩ mô - thị trường, thiếu luận cứ, luận chứng thuyết phục cho các kết luận, thiếu tư duy đột phá, không có điểm đột phá, không có điều kiện khả thi bảo đảm thực hiện mong muốn, ông Thiên “điểm mặt” những hạn chế của kế hoạch.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate