Chiều 10/10, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam (10/10/1952 – 10/10/2022); gặp mặt, tuyên dương người làm xuất bản tiêu biểu.
Tham dự Lễ kỷ niệm có Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương, đông đảo các thế hệ cán bộ ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam.
NGÀNH XUẤT BẢN, IN VÀ PHÁT HÀNH SÁCH KHÔNG NGỪNG ĐỔI MỚI
Năm 1952, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển sang giai đoạn quyết định, chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, đòi hỏi về sách báo ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng. Trong bối cảnh đó, ngày 10/10/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 122/SL thành lập Nhà in Quốc gia.
Nhân dịp này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có Thư chúc mừng ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam. Trong thư, Tổng Bí thư khẳng định, trong suốt 70 năm qua, các thế hệ cán bộ, viên chức, người lao động làm công tác xuất bản, in và phát hành sách luôn luôn đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ; là những chiến sỹ tiên phong trên mặt trận văn hóa-tư tưởng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Lần đầu tiên, ngành Xuất bản có một cơ quan vừa là doanh nghiệp quốc gia, vừa là cơ quan quản lý nhà nước thống nhất trên cả ba khâu: xuất bản, in và phát hành trong phạm vi cả nước. Đây là mốc quan trọng đánh dấu một giai đoạn mới, một nền móng để ngành Xuất bản cách mạng lớn mạnh và phát triển. Ngày này đã trở thành ngày truyền thống của ngành Xuất bản, In và Phát hành sách Việt Nam.
Phát biểu tại buổi Lễ, ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nhấn mạnh rằng từ quốc gia thiếu sách vào những năm 80 - 90 của thế kỷ XX với năng lực sản xuất vào khoảng trên 2.000 đầu sách/năm, bình quân sách/người đạt 0,8 bản, toàn ngành đã vươn lên phát triển cả về quy mô, trình độ, năng lực với hệ thống gồm 57 nhà xuất bản, trên 2.300 cơ sở in, trên 2.000 doanh nghiệp phát hành, gần 13.000 điểm phát hành trên cả nước; đã xuất bản khoảng 450 triệu bản sách/năm, đưa mức bình quân đầu người/sách đạt 4,4 - 4,5 bản, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội.
Đặc biệt những năm gần đây, nhằm thích ứng với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngành Xuất bản, In và Phát hành sách đã không ngừng đổi mới. Nhiều nhà xuất bản, đơn vị phát hành mở rộng chức năng xuất bản, phát hành sách điện tử, nhiều cơ sở in quy mô, hiện đại ngang tầm khu vực được xây dựng, tạo dựng diện mạo mới cho ngành.
HOẠT ĐỘNG XUẤT BẢN PHẢI KỊP THỜI THÍCH ỨNG, CHUYỂN ĐỔI
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ kỷ niệm, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đánh giá cao những đóng góp to lớn của các thế hệ người làm xuất bản, đồng thời cũng khẳng định ngành Xuất bản, In và Phát hành sách đã phát huy tốt vai trò, sứ mệnh của mình trong việc lưu trữ, tích lũy và truyền bá tri thức, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, bồi đắp tâm hồn, xây dựng nhân cách, trí tuệ con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ông Võ Văn Thưởng yêu cầu ngành cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ như: Kiên định, kiên trì giữ vững quan điểm xuất bản là lĩnh vực văn hóa tư tưởng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, là một bộ phận của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; trở thành một bộ phận quan trọng của ngành công nghiệp văn hóa; tiếp tục nâng cao chất lượng xuất bản phẩm cả về nội dung, hình thức; có trách nhiệm định hướng dư luận, lan tỏa tri thức…
Yêu cầu ngành Xuất bản, In và Phát hành sách phải tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ về vai trò của sách, Thường trực Ban Bí thư cũng lưu ý đến sự cần thiết phải đọc sách, học từ sách để có thêm tri thức, trình độ, hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Để có sách hay, sách đẹp, thiết thực, ông Võ Văn Thưởng cho rằng đội ngũ những người làm xuất bản phải nỗ lực tìm tòi, nghiên cứu, tiếp thu tinh hoa dân tộc và nhân loại, bám sát hơi thở cuộc sống, ứng dụng khoa học - công nghệ trong xuất bản sách, đề cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp.
Mỗi tác phẩm khi xuất bản, phải lấy việc phụng sự quốc gia, dân tộc làm mục đích cao nhất; không chỉ cung cấp tri thức mà còn cổ vũ, khuyến khích bảo vệ cái tốt, hướng con người tới chân, thiện, mỹ; phê bình những thói hư tật xấu, lối sống tiêu cực, khơi dậy khát vọng, củng cố niềm tin, lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc cho bạn đọc.
“Mỗi nhà xuất bản phải là “bộ lọc” để chọn được những tác phẩm có giá trị đích thực; dũng cảm từ chối những bản thảo tầm thường, vô bổ, lệch lạc về tư tưởng, văn hóa không phù hợp với văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc”, Thường trực Ban Bí thư yêu cầu.
Hoạt động xuất bản phải kịp thời thích ứng, chuyển đổi, lựa chọn cách thức, mô hình hoạt động phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường, kinh tế xuất bản phải trở thành ngành kinh tế - công nghệ hiện đại, một bộ phận của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển vững chắc, toàn diện, hiệu quả, đóng góp cho sự phát triển của ngành công nghiệp, dịch vụ văn hóa...
Thường trực Ban Bí thư cũng đề nghị ngành Xuất bản, In và Phát hành sách cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có chuyên môn, nghiệp vụ cao, bản lĩnh chính trị vững vàng, tâm huyết và ý thức trách nhiệm cao, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với ngành trong thời kỳ mới.