Tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin & Truyền thông), cho rằng không gian mạng đã trở thành không gian sống mới của xã hội.
Việc giữ vững chủ quyền trên không gian mạng không chỉ đơn thuần là bảo vệ không gian số, mà còn là bảo vệ nền tảng của xã hội. Quản lý không gian mạng, đặc biệt là quản lý truyền thông xã hội, không thể chỉ là trách nhiệm của một số cơ quan chủ chốt như trước đây. Đây phải là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các bộ ngành, cơ quan, tổ chức trong toàn hệ thống.
QUẢN LÝ HIỆU QUẢ CÁC NỀN TẢNG XUYÊN BIÊN GIỚI
Hơn nữa, các nền tảng xuyên biên giới chính là nơi phát tán nhiều nhất thông tin xấu, độc, là nơi lan truyền tin giả, tạo luồng dư luận gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội. Vì vậy, để quản lý tốt thông tin trên mạng và truyền thông xã hội, bắt buộc phải có cơ chế quản lý hiệu quả đối với các nền tảng xuyên biên giới.
Theo chia sẻ của Cục trưởng Lê Quang Tự Do, công tác kiểm soát các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đã được thực hiện đồng bộ, dựa trên bốn biện pháp chính.
Thứ nhất là đấu tranh pháp lý, yêu cầu các nền tảng tuân thủ các quy định pháp luật về nội dung, quảng cáo, dòng tiền và đóng thuế.
Thứ hai, sử dụng công cụ truyền thông để tuyên truyền, vạch trần các hoạt động vi phạm pháp luật, qua đó tạo áp lực buộc các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ quy định của Việt Nam.
Thứ ba là đấu tranh kinh tế, trong đó điển hình là không cho phép quảng cáo trên các nền tảng vi phạm pháp luật.
Thứ tư, biện pháp then chốt mang tính quyết định là ngăn chặn hoạt động của các nền tảng vi phạm tại Việt Nam bằng các giải pháp kỹ thuật.
Những nỗ lực đồng bộ này đã mang lại kết quả tích cực. Trước năm 2017, các nền tảng xuyên biên giới hầu như không hợp tác, đến năm 2018, bắt đầu có sự chuyển biến nhưng mức độ hợp tác chỉ khoảng 50% và chủ yếu là gỡ bỏ các đường dẫn (link) thay vì gỡ bỏ tài khoản hoặc trang kênh phát tán thông tin xấu, độc, sai sự thật.
Nhưng từ năm 2020 đến nay, nhờ áp dụng đồng bộ cả bốn biện pháp, kết quả đã có sự tiến bộ vượt bậc. Tỷ lệ gỡ bỏ nội dung vi phạm đạt trên 90%, và đến năm 2024 đã vượt mốc 93%. Số lượng đường link và tài khoản bị gỡ bỏ tăng đột biến, cho thấy sự thay đổi rõ rệt trong mức độ hợp tác của các nền tảng này.
Theo Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, khi các lĩnh vực đời sống chuyển dần lên không gian mạng, Bộ Thông tin & Truyền thông đã có nhiều nỗ lực trong việc quản lý mạng xã hội. Các đơn vị chủ lực như Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin Điện tử được củng cố, Bộ Thông tin & Truyền thông cũng đã xây dựng Trung tâm xử lý tin giả và thông tin xấu độc. Hiện nay, trung tâm này đã được nhân rộng tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Ngoài ra, Bộ Thông tin & Truyền thông cũng đã tăng cường năng lực cho Cục An toàn thông tin mạng, thành lập Trung tâm Giám sát An toàn Không gian Mạng Quốc gia để đảm bảo giám sát liên tục 24/24. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng đã thiết lập các đơn vị giám sát thông tin mạng, góp phần quản lý hiệu quả nội dung thông tin tại địa phương.
Không chỉ trong nội bộ ngành thông tin và truyền thông, các nỗ lực bảo vệ an toàn cho không gian mạng cũng được phối hợp với các đơn vị chủ lực trong hệ thống chính trị như Ban Tuyên giáo, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, tham mưu để mở rộng công tác quản lý trên toàn quốc. Việc quản lý không gian mạng giờ đây đã trở thành nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị.
Nghị định số 147/2024/NĐ-CP được ban hành, theo đó, lần đầu tiên trách nhiệm quản lý không gian mạng đã được thể chế hóa, phân định rõ vai trò của các bộ, ngành và địa phương trong việc quản lý nội dung liên quan đến lĩnh vực của mình cả trong đời sống thực tế và trên không gian mạng, đánh dấu một bước tiến lớn, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác quản lý không gian mạng trong thời gian tới.
SỰ THAM GIA CỦA KOL VÀ CÁC LỰC LƯỢNG TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI
Đáng chú ý, theo Cục trưởng Lê Quang Tự Do, trong công tác quản lý thông tin truyền thông trên không gian mạng, “nếu chỉ dựa vào lực lượng quản lý nhà nước thì chưa đủ, mà việc quản lý hiệu quả không gian mạng còn cần đến sự tham gia của các lực lượng truyền thông xã hội”.
Chính vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tập hợp ba nhóm lực lượng để cùng đồng hành. Nhóm thứ nhất là các KOL (những người có sức ảnh hưởng trên mạng), các công ty quản lý KOL và các kênh đa nền tảng. Nhóm thứ hai gồm các công ty quảng cáo và nhãn hàng. Nhóm thứ ba là các nền tảng xuyên biên giới.
“Chúng tôi không coi các đối tượng này là đối tượng quản lý đơn thuần, mà còn xem họ là đối tác, cùng đồng hành với Bộ và các đơn vị chức năng trong việc triển khai các chiến dịch truyền thông hướng tới những mục tiêu tốt đẹp, mang lại lợi ích cho đất nước và người dân. Cách tiếp cận này đã tạo nên một sự đồng thuận rất lớn”, Cục trưởng Lê Quang Tự Do nói.
Cụ thể, vào năm 2023, Bộ Thông tin & Truyền thông đã triển khai xây dựng và mở rộng lực lượng này bằng cách tổ chức các buổi gặp gỡ, kết nối giữa các đơn vị. Các KOL, công ty quản lý KOL, công ty quản lý đa kênh và công ty quảng cáo lớn được coi là “trung tâm truyền thông”, lan tỏa những thông tin xác thực tới các KOL và tài khoản đa kênh trên mạng.
Đến năm 2024, lần đầu tiên các lực lượng này được đưa vào triển khai các chiến dịch truyền thông cụ thể. “Khi các chiến dịch truyền thông thành công, chúng tôi tổ chức các ngày hội để tôn vinh và ghi nhận đóng góp của họ”, ông Lê Quang Tự Do chia sẻ.
“Điều này phát đi thông điệp rõ ràng: các nhà sáng tạo nội dung khi tạo ra nội dung sạch, nội dung tích cực sẽ được nhà nước vinh danh, cộng đồng ghi nhận, và nhận được sự hợp tác từ các nhãn hàng và nhà quảng cáo. Điều này góp phần thay đổi nhận thức, khuyến khích việc sáng tạo nội dung có giá trị, từ đó tạo nên một môi trường truyền thông lành mạnh và bền vững”.
“Song song với đó, chúng tôi xây dựng thế trận mạng nhằm tận dụng sức mạnh của báo chí và truyền thông xã hội”, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết. “Báo chí giữ vai trò dòng thông tin chủ đạo, định hướng dư luận, khi kết hợp với truyền thông xã hội sẽ trở thành dòng chảy chủ lưu, giúp lan tỏa thông tin chính thống một cách mạnh mẽ”.
Trong các năm 2023 và 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thúc đẩy các cơ quan báo chí "phủ xanh" không gian mạng thông qua việc tạo lập nhiều trang kênh trên mạng xã hội, sử dụng các phương pháp truyền thông xã hội để khuếch đại nội dung từ báo chí.
Ví dụ, một bài báo về người tốt việc tốt trên báo chí chỉ thu hút vài nghìn lượt xem, nhưng khi lan tỏa trên mạng xã hội, bài viết đã đạt số lượng “lượt thích” và “lượt bình luận” rất cao. Vì vậy, các xu hướng tích cực với phương châm "lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tin tích cực đẩy lùi tiêu cực” được triển khai mạnh mẽ, điển hình như các chương trình tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hay phong trào chào cờ yêu nước nhân dịp Quốc khánh 2/9/2024, đều nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các KOL và lan tỏa sâu rộng trong xã hội.
“Nhìn lại, chúng tôi nhận thấy cách làm này đã mang lại hiệu quả và con đường mà chúng tôi đang đi là đúng hướng”, ông Lê Quang Tự Do nói. Trong năm 2025 và những năm tới, các biện pháp quản lý truyền thông xã hội và không gian mạng hiệu quả sẽ tiếp tục được phát huy, mở rộng lực lượng, củng cố thế trận, và hoàn chỉnh các quy định. Với sự đồng hành của các cấp, các ngành, nhiệm vụ giữ vững trật tự trên không gian mạng sẽ được thực hiện một cách bền vững và hiệu quả.