Theo Kết quả thanh tra tại các tổ chức và 32 doanh nghiệp, trong đó 29 doanh nghiệp thuê lại đất của Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng khu kinh tế tỉnh và 3 doanh nghiệp được UBND tỉnh cho thuê đất, thì công tác quản lý và thực hiện pháp luật vẫn còn những tồn tại, hạn chế.
TỶ LỆ ĐƯA ĐẤT VÀO SỬ DỤNG ĐẠT THẤP
Cụ thể, các nhà đầu tư mới thuê đất xây dựng nhà máy, xí nghiệp khoảng 59,118 ha/132,70 ha, chiếm tỷ lệ 44,55%; diện tích đất thương mại dịch vụ, kho chứa hàng thương mại, văn phòng làm việc diện tích 0,832 ha, chiếm tỷ lệ 0,55%; diện tích đất còn lại là 72,78 ha chiếm tỷ lệ 54,90%.
Ngoài ra một số doanh nghiệp thuê đất tại khu công nghiệp không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất sai mục đích. Trong đó, 8 doanh nghiệp sử dụng đất tại Khu công nghiệp Hòa Bình chưa đảm bảo tiến độ thực hiện dự án đầu tư, gồm: Công ty cổ phần khí hóa lỏng Kon Tum; Công ty cổ phần sách thiết bị trường học; Công ty cổ phần thương mại Nông nghiệp và Dược liệu Đồng Xanh Kon Tum; Công ty cổ phần XNK và đầu tư Kon Tum; Công ty TNHH Gỗ Phúc Nhân Kon Tum; Công ty TNHH An Phước; Công ty TNHH Công Danh; Công ty TNHH NNB Kon Tum.
Và còn Công ty TNHH Công nghệ hữu cơ sinh học An Thái (sử dụng đất thuê tại khu công nghiệp Hòa Bình) đã xây dựng hàng rào, trồng cây lâu năm và cổng bảo vệ công ty nằm ngoài ranh giới đất được thuê; Công ty TNHH Thiện Chí Kon Tum xây dựng công trình cổng tường rào trên diện tích đất là đường giao thông nằm giữa hai lô đất được thuê.
Bên cạnh đó, tại khu công nghiệp Sao Mai, 2 tổ chức thuê đất được Ban quản lý khu kinh tế tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư thực hiện dự án trên diện tích đất thuê (Công ty TNHH Chế biến nông sản Sao Mai và Công ty TNHH MTV Phương Phong Linh), các doanh nghiệp này chỉ làm nhà xưởng trên diện tích đất được thuê, khung thép mái tôn (không có tường bao công trình xung quanh và vách ngăn trong nhà xưởng) và công trình điện năng lượng mặt trời áp mái, có dấu hiệu sử dụng đất không đúng mục đích.
Thời điểm diễn ra thanh tra, có 6 doanh nghiệp tại Khu II, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y gồm: Công ty TNHH MTV Thiện Chí Kon Tum; Chi nhánh Công ty TNHH Thương mại Minh Trung; Công ty TNHH Minh Ngọc Bờ Y; Doanh nghiệp tư nhân thương mại Gia Bảo; Công ty TNHH MTV Tuấn Sỹ; Công ty TNHH MTV Tiến Anh Đạt gần như không có công nhân, không hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng cửa. Đáng chú ý Công ty TNHH MTV Tuấn Sỹ và Công ty TNHH MTV Tiến Anh Đạt thời điểm thanh tra không sử dụng đất, không tổ chức sản xuất kinh doanh trên phần diện tích đất được thuê, cần phải xem xét thu hồi đất theo quy định tại điểm i Điều 64 Luật Đất đai năm 2013.
Thanh tra cũng chỉ rõ, hiệu quả đầu tư, sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuê đất hoạt động kém. Trong tổng số 32 dự án (28 doanh nghiệp) tại 3 khu công nghiệp, đến thời điểm thanh tra có 20 dự án không hoạt động, ngừng hoạt động, chiếm tỷ lệ 62,50%.
Đối với đơn giá cho thuê đất tại khu công nghiệp Hòa Bình, qua rà soát cho thấy, Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp (nay là Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng khu kinh tế) cho các doanh nghiệp thuê đất gắn với hạ tầng trong Khu công nghiệp Hòa Bình theo đơn giá từ 3.520 USD/ha/năm đến 3.770 USD/ha/năm, và ổn định đơn giá thuê đất nêu trên cho toàn bộ thời gian thuê đất của dự án để sản xuất kinh doanh là chưa đúng quy định pháp luật.
XEM XÉT CHẤM DỨT HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ
Trước những tồn tại được nêu ra trong kết luận thanh tra, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum chỉ đạo, chấm dứt việc cho Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng khu kinh tế thuê đất đã được Nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng để cho doanh nghiệp thuê lại đất tại Khu công nghiệp Hòa Bình. Đối với các doanh nghiệp đang đầu tư sản xuất kinh doanh bình thường tại khu công nghiệp, và được Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì lập hồ sơ để tiếp tục được thuê đất theo thời hạn dự án đầu tư theo quy định. Đối với trường hợp không đưa đất vào sử dụng, xem xét chấm dứt hoạt động dự án đầu tư, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Xây dựng lại giá thuê hạ tầng tại Khu công nghiệp Hòa Bình cho đúng với quy định hiện hành, trong đó bóc tách tiền thuê đất để yêu cầu doanh nghiệp thuê đất phải nộp vào ngân sách Nhà nước.
Đối với Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất nước giải khát và nước uống từ dược liệu của Công ty TNHH Phương Phong Linh và Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy sơ chế và chế biến dược liệu của Công ty TNHH Chế biến nông sản Sao Mai (hiện nay mới xây dựng phần khung nhà thép và lắp đặt công trình điện năng lượng mặt trời áp mái, chưa lắp đặt máy móc thiết bị), giao Ban quản lý khu kinh tế chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương có liên quan tiến hành kiểm tra việc xây dựng công trình trên đất có đảm bảo theo quy định của pháp luật về đầu tư và xây dựng hay không. Trường hợp vi phạm sẽ xử lý theo quy định pháp luật.
Giao Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế có giải pháp thu hút các dự án đầu tư vào quỹ đất còn lại của các khu công nghiệp để tránh lãng phí về đất đai; Có biện pháp để yêu cầu Công ty TNHH Thiện Chí Kon Tum tháo dỡ công trình công tường rào trên diện tích đất là đường giao thông nằm giữa hai lô đất được thuê, để trả lại hiện trạng sử dụng đất theo đúng quy hoạch;
Yêu cầu Công ty TNHH công nghệ hữu cơ sinh học An Thái tháo dỡ công trình nhà bảo vệ và cổng tường rào, cùng với cây trồng lâu năm trên đất được xác định là đất giao thông (hiện nay đã điều chỉnh đất công nghiệp), để trả lại hiện trạng ban đầu, hoặc xin thuê đất đối với diện tích đất nêu trên đã được điều chỉnh sang mục đích đất công nghiệp theo quy hoạch.