Hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tập trung thảo luận đánh giá tình hình, kết quả đạt được trên các lĩnh vực trong năm 2024; đồng thời phân tích những hạn chế, bất cập, khó khăn, thách thức, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện thành công phương hướng, nhiệm vụ đã được Trung ương có Kết luận và Quốc hội thông qua Nghị quyết, nhất là kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, tập trung vào những vấn đề trọng tâm, đột phá.
Hội nghị đánh giá, năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, vượt dự báo; ở trong nước, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn thách thức nhiều hơn; nền kinh tế tiếp tục chịu "ảnh hưởng kép" từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm; trong khi thiên tai, bão lũ gây thiệt hại lớn cho sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân…
Tăng trưởng GDP cả năm đạt hơn 7%; quy mô kinh tế đạt khoảng 470 tỷ USD; lạm phát được kiểm soát dưới 4%; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ghi nhận kỷ lục với khoảng 800 tỷ USD, thặng dư thương mại ước đạt khoảng 24 tỷ USD; thu ngân sách đạt 2 triệu tỷ đồng.
Báo cáo về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh năm 2025 có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước; cả nước phải "tăng tốc và bứt phá" để đạt mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của năm và cả nhiệm kỳ 2021-2025, tạo tiền đề thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026-2030.
Chính phủ đề ra chủ đề của năm 2025 là "Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá", tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nghị quyết, kết luận của Đảng và Quốc hội, tập trung vào 03 đột phá chiến lược, 06 nhiệm vụ trọng tâm, 12 nhóm giải pháp chủ yếu và 185 nhiệm vụ cụ thể.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều hành tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn; hoàn thiện thể chế, pháp luật; phát triển hạ tầng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn; phát triển văn hóa, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân;
Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền; giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đẩy mạnh đối ngoại, hội nhập quốc tế; nâng cao uy tín, vị thế nước ta trên trường quốc tế. Trong đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng cao hơn 8%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng bình quân khoảng 4,5%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 0,8-1%...
Năm 2025, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá. Theo đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, coi đây là "đột phá của đột phá"; tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả; tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ sang nền kinh tế số, kinh tế xanh, công nghệ cao, thân thiện với môi trường; đặc biệt đã xác lập được vị thế quan trọng trong chuỗi công nghiệp bán dẫn toàn cầu, thu hút được nhiều tập đoàn công nghệ lớn. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32/193, tăng 1 bậc so với năm 2023.
Với chủ trương ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống; khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới, lực lượng sản xuất mới; thực hiện các giải pháp tăng năng suất lao động nhanh và bền vững; huy động tối đa các nguồn lực xã hội, khai thác hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp nhà nước, phát triển mạnh doanh nghiệp tư nhân.
Cả nước sẽ đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược, nhất là các dự án trọng điểm quốc gia; phấn đấu đến hết năm 2025 hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc và trên 1.000 km đường bộ ven biển; đầu tư toàn diện hạ tầng số, hạ tầng nghiên cứu phát triển (R&D); khai thác dự án nhà ga T3, cảng hàng không Tân Sơn Nhất, nhà ga T2, cảng hàng không Nội Bài; triển khai dự án xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; cơ bản hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long Thành; xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng, Khu thương mại tự do tại một số địa phương trọng điểm về kinh tế…
Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, kỷ nguyên mới; tập trung rà soát, tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc của các dự án.
Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tập trung phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, đầu tư, phát triển văn hóa hài hòa với kinh tế, xã hội; xây dựng và ban hành Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam; thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, dân số; phấn đấu năm 2025 hoàn thành trên 100 nghìn căn nhà ở xã hội; tập trung mọi nguồn lực để đến hết năm 2025 xóa bỏ hoàn toàn nhà tạm, nhà dột nát; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển xanh.
Trong đó, sẽ xây dựng, triển khai hiệu quả 3 đề án: Đề án Phòng, chống sụt lún, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Đề án Phòng, chống sạt lở, lũ ống, lũ quét miền Trung và miền núi phía Bắc; Đề án Khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí tại các đô thị.
Cùng với đó, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm ổn định chính trị, bảo vệ vững chắc, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế; chủ động thông tin tuyên truyền, tạo động lực và đồng thuận xã hội để cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc.
Việt Nam tiếp tục là điểm đến an toàn, hấp dẫn của các doanh nghiệp, đối tác, nhà đầu tư quốc tế; thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất thế giới, đạt khoảng 40 tỷ USD, trong đó vốn FDI thực hiện khoảng 25 tỷ USD; là một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới với 17 FTA, trở thành một mắt xích quan trọng trong các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.