October 13, 2021 | 22:00 GMT+7

Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XV sẽ diễn ra trong 17 ngày

Quang Trung -

Dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 17 ngày, chia làm hai đợt, kết hợp họp trực tuyến và trực tiếp từ ngày 20/10-13/11...

Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 13/10 - Ảnh: Quochoi.vn
Toàn cảnh phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 13/10 - Ảnh: Quochoi.vn

Chiều 13/10, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, dự kiến tổng thời gian làm việc của kỳ họp là 17 ngày, chia thành 2 đợt và được tổ chức theo phương thức trực tuyến kết hợp họp tập trung.

Đợt 1 diễn ra từ 20-10 đến 1-11 theo hình thức trực tuyến;

Đợt 2 diễn ra từ ngày 8-11 đến 13-11 theo hình thức trực tiếp.

Tại phiên họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Văn phòng Quốc hội đã dự phòng cho trường hợp dịch bệnh trong cả nước vẫn diễn biến phức tạp, Quốc hội phải họp trực tuyến cả kỳ. Tuy nhiên, sẽ bố trí đợt 2 liền mạch với đợt 1 để kỳ họp kết thúc sớm, tạo điều kiện cho Chính phủ, các địa phương tập trung cho công tác phòng, chống dịch.

Về thời gian tiến hành kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét báo cáo Quốc hội cho giảm thời gian trình bày tờ trình, báo cáo từ 15 phút xuống còn 10 phút (dự kiến giảm khoảng 0,5 ngày so với phương án trình bày 15 phút/tờ trình, báo cáo).

Về nội dung, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội kỳ họp này sẽ thảo luận Báo cáo về công tác phòng, chống dịch Covid-19, bao gồm nội dung về việc áp dụng các biện pháp đặc biệt phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 được quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15; và thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, nội dung kỳ họp cũng bổ sung dự thảo Nghị quyết quy định về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến trình Quốc hội xem xét, thông qua; rút Báo cáo về thực hiện Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) theo đề nghị của Chính phủ. Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội sau khi hiệp định có hiệu lực và được triển khai thực hiện.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV - Ảnh: Quochoi.vn
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Báo cáo về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV - Ảnh: Quochoi.vn

Ngoài ra, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ mặc niệm cán bộ y tế, chiến sĩ hy sinh, đồng bào tử vong do đại dịch Covid-19 trong phiên khai mạc kỳ họp.

Hiện tại, công tác thông tin tuyên truyền, các điều kiện về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, an ninh, an toàn, lễ tân, hậu cần, phòng, chống dịch bệnh... đã cơ bản hoàn thành, sẵn sàng phục vụ kỳ họp. 

Tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản đồng tình với Tờ trình của Tổng Thư ký Quốc hội; thống nhất với phương án tổ chức kỳ họp trực tuyến kết hợp họp tập trung, đồng thời có phương án dự phòng trực tuyến cả kỳ, trong trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Để tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả kỳ họp trong bối cảnh dịch covid-19, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất nên bố trí đợt 2 liền mạch, Quốc hội có thể làm việc cả ngày chủ nhật, đồng thời cần điều chỉnh lại nội dung làm việc sao cho hợp lý, hiệu quả.

Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý tiếp tục đổi mới, rút ngắn tối đa thời gian kỳ họp nhưng phải đảm bảo chất lượng cao nhất để sản phẩm cuối cùng là các dự án luật, các dự thảo Nghị quyết, các quyết sách đúng đắn nhất.

"Đây là kỳ họp hết sức quan trọng vì bước vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của nhiệm kỳ và quyết định khung khổ kế hoạch năm 2022", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Theo Chủ tịch Quốc hội, dịch bệnh cơ bản kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, nhưng còn diễn biến phức tạp. Tình hình kinh tế - xã hội đòi hỏi chúng ta phải cố gắng, nỗ lực vượt bậc hơn nữa trong quý IV để có thể đạt được kết quả cao nhất. Do đó, tinh thần chung là Quốc hội đồng hành với cả nước trong việc này.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Văn phòng Quốc hội xem xét, tính toán có thể họp cả Chủ nhật như kỳ họp trước để có thể bế mạc kỳ họp thứ 2 sớm hơn khoảng 3 ngày, đồng thời có thể sẽ họp thêm chuyên đề vào cuối năm để xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng khác.

Về một số các phương án cải tiến của kỳ họp thứ 2, Chủ tịch Quốc hội thống nhất với đề xuất của Tổng Thư ký Quốc hội về chia tổ đại biểu Quốc hội, bố trí Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội dự họp tại Nhà Quốc hội; đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp hỗ trợ đường truyền, hỗ trợ kỹ thuật liên quan đến biểu quyết điện tử, biểu quyết trực tuyến.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Văn phòng Quốc hội tiếp tục làm việc, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan nhằm đảm bảo công tác liên quan đến khách mời, vệ sinh môi trường, an toàn, vệ sinh thực phẩm, trực cấp cứu, tiêm vaccine...

 
Dự kiến, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 2 dự án Luật; 3 dự thảo Nghị quyết theo quy trình tại một kỳ họp (Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự); Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế; Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa.
Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 5 dự án luật: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.
Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về: đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021; quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022.
Quốc hội cũng sẽ xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về: công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2021 (trong đó có nội dung về công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam).
Ngoài ra, Quốc hội cũng xem xét, quyết định quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2025; Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Xem xét các Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội năm 2020; việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế năm 2020 và việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân trong 2 năm 2019-2020.
Xem xét Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Xem xét thông qua Nghị quyết về xử lý tài chính cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khi thanh toán khoản tiền bù giá trong bao tiêu sản phẩm của Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate