Sáng 15/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội, ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội.
Trình bày Tờ trình, ông Lê Quang Tùng, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho biết việc sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp Quốc hội năm 2022 nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng.
Đặc biệt là chủ trương, đường lối về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đổi mới tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội, đổi mới tư duy trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật… tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 27-NQ/TW, Nghị quyết số 56-NQ/TW, Kết luận số 111-KL/TW, Kết luận số 121-KL/TW.
Đồng thời, tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng các kỳ họp Quốc hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.
Việc sửa đổi, bổ sung này cũng nhằm bảo đảm sự thống nhất giữa Nội quy kỳ họp Quốc hội, với các nội dung mới được sửa đổi của Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các luật có liên quan; bảo đảm phù hợp với tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan sau khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.
Về kỳ họp Quốc hội, ông Tùng cho biết dự thảo Nghị quyết đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định rõ về việc trường hợp kỳ họp được tổ chức thành hai hay nhiều đợt, trong thời gian giữa các đợt của kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội vẫn thực hiện các công việc thuộc nội dung kỳ họp.
Về ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội, để bảo đảm tính linh hoạt, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và bảo đảm tính ổn định của Nội quy kỳ họp Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung quy định về trường hợp thật cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, ngày khai mạc kỳ họp thường lệ của Quốc hội có thể khác với thời điểm thông thường (ngày 20/5 và 20/10), và do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Đồng thời, sửa đổi quy định về ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của mỗi khóa Quốc hội theo hướng dẫn chiếu đến quy định đến Luật Tổ chức Quốc hội, để bảo đảm tính linh hoạt trong trường hợp quy định có liên quan tại khoản 2 Điều 92 của Luật Tổ chức Quốc hội được sửa đổi, bổ sung.

Về phiên họp toàn thể và thảo luận tại phiên họp toàn thể của Quốc hội, dự thảo đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định thời gian trình bày tờ trình, báo cáo không quá 7 phút, trừ trường hợp theo quyết định của Quốc hội được ghi trong chương trình kỳ họp Quốc hội để bảo đảm việc trình bày tờ trình, báo cáo phải ngắn gọn, súc tích.
Quy định Đoàn Chủ tịch điều hành phiên họp; thời gian phát biểu của đại biểu Quốc hội mỗi lần không quá 5 phút; đồng thời, căn cứ diễn biễn phiên họp, Đoàn Chủ tịch có quyền đề nghị Quốc hội quyết định rút ngắn, hoặc kéo dài thời gian phát biểu của mỗi đại biểu.
Báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, cho biết Ủy ban tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội.
Hồ sơ dự án Nghị quyết bảo đảm đầy đủ, đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Nội dung của dự thảo Nghị quyết phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, và cơ bản bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật.
Về hiệu lực thi hành của Nghị quyết, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp thấy rằng, việc sửa đổi, bổ sung Nội quy kỳ họp Quốc hội theo trình tự, thủ tục rút gọn là để bảo đảm thống nhất với các luật, nghị quyết mới được Quốc hội ban hành.
Do đó, đề nghị trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết ngay tại thời gian đầu của đợt 2 Kỳ họp thứ 9, và Nghị quyết có hiệu lực thi hành ngay, làm cơ sở cho việc Quốc hội xem xét, quyết định các nội dung thuộc thẩm quyền.
Tuy nhiên, do dự thảo Nghị quyết có một số điều, khoản liên quan trực tiếp đến quy định của một số luật, nghị quyết đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung và trình xem xét, thông qua đồng thời tại Kỳ họp thứ 9, nên đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bám sát nội dung dự kiến sửa đổi tại các văn bản có liên quan, để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.