Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), tháng 7 vừa qua nhà đầu tư trong nước đã mở thêm gần 330.000 tài khoản chứng khoán, con số này gấp 3 lần tháng trước và là mức cao nhất trong vòng 2 năm qua. Với lượng tài khoản mở mới này, tháng 7 là tháng ghi nhận số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam cao thứ 3 lịch sử, chỉ sau giai đoạn tháng 5-6/2022.
Trong đó, số lượng tài khoản chứng khoán tăng thêm trong tháng 7 vẫn chủ yếu đến từ nhà đầu tư cá nhân với 329.836 tài khoản. Tài khoản của nhà đầu tư tổ chức chỉ tăng thêm 146 tài khoản. Luỹ kế từ đầu năm, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đã tăng gần 1,1 triệu tài khoản.
Tính đến cuối tháng 7, tổng số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đạt hơn 8,33 triệu tài khoản tương đương với khoảng 8% dân số. Theo Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 mới được phê duyệt, Việt Nam hướng đến mục tiêu đạt mốc 9 triệu tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030. Trong đó, Chính phủ yêu cầu tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
Nhà đầu tư trong nước tích cực mở mới tài khoản trong tháng 7 đầy biến động của thị trường. Vào giữa tháng, Vn-Index đã tăng 3,1% do có những dữ liệu kinh tế tích cực từ tháng 6 và nửa đầu năm 2024. Tuy nhiên, đà tăng này bị gián đoạn vào giữa tháng 7 do các hoạt động chốt lời và sự suy giảm của thị trường toàn cầu, bao gồm cả Nasdaq và Nikkei 225.
Mặc dù trải qua một số phiên giao dịch khó khăn, VN-Index đã kết thúc tháng với mức tăng nhẹ +0,5%, đóng cửa ở 1.251,5 điểm, đánh dấu mức tăng 10,8% kể từ đầu năm.
Tổng giá trị giao dịch bình quân phiên trên 3 sàn đạt 19.367 nghìn tỷ đồng trong tháng 7, mức thấp nhất trong 6 tháng gần đây. Tính riêng khớp lệnh, giá trị giao dịch bình quân phiên ở mức 17.282 tỷ đồng, giảm 23,8% so với mức bình quân tháng 6 và -24,9% so với mức bình quân 5 tháng.
Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 8.372,15 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ bán ròng 9267.3 tỷ đồng. Ngược lại, nhà đầu tư cá nhân mua ròng 9.232,7 tỷ đồng, trong đó họ mua ròng 10.544,7 tỷ đồng. Tính riêng giao dịch khớp lệnh, họ mua ròng 11/18 ngành, chủ yếu là ngành Bất động sản.
Top mua ròng của nhà đầu tư cá nhân tập trung gồm: FPT, VRE, VHM, EIB, TCB, MSN, HPG, MWG, SSB, HSG. Phía bán ròng khớp lệnh: họ bán ròng 7/18 ngành chủ yếu là nhóm ngành Hàng & Dịch vụ Công nghiệp, Dầu khí. Top bán ròng có: VNM, STB, VCB, BID, PLX, CTG, BCM, PC1, NLG.
Nói về số tài khoản nhà đầu tư tổ chức còn ít tại buổi đối thoại về chứng khoán mới đây, Thứ trưởng Bộ tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng chúng ta thống nhất với nhau thị trường chứng khoán muốn đạt chất lượng cao, phát triển bền vững thì nhà đầu tư tổ chức phải chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nhà đầu tư.
Cập nhật hiện nay thị trường chứng khoán quy mô vốn hóa lớn, số lượng tài khoản các nhà đầu tư mở gần 8 triệu tài khoản. Tuy nhiên, nhìn vào cơ cấu và tài khoản thì số lượng của nhà đầu tư tổ chức khiêm tốn, con số của FiinGroup đưa ra nhà đầu tư nước ngoài nắm 14% cổ phiếu. Đây là điểm chưa mạnh và chưa bền vững của thị trường.
Phải làm thế nào để thay đổi điều này và thúc đẩy phát triển số lượng các nhà đầu tư tổ chức trên thị trường? Theo Thứ trưởng Chi, nhiệm vụ này, cơ quan quản lý nhà nước Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán đã nhận ra từ lâu, cũng đã báo cáo Thủ tướng đưa vào nhiệm vụ phát triển thị trường trong thời gian tới.
"Có tổ chức chuyên nghiệp thì không nhất thiết phải 8 triệu chỉ cần 5-6 triệu tài khoản chứng khoán nhưng một nửa là nhà đầu tư tổ chức thì tuyệt vời", Thứ trưởng Bộ Tài chính nói.