Trong số nhiều cuộc họp thường kỳ của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Hội nghị Trung ương 3 (Third Plenum) là một trong những những sự kiện chính trị quan trọng có tầm ảnh hưởng lớn nhất tới nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Ngày 27/6, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) thông báo Hội nghị Trung ương 3 khóa XX của đảng này sẽ nhóm họp từ 15-18/7 tới. Đây là sự kiện nhận được sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư trên thế giới – những người đang theo dõi sát sao để tìm kiếm những tín hiệu khôi phục cỗ máy tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
SỰ KIỆN ĐỊNH HÌNH CHÍNH SÁCH QUAN TRỌNG
Thông thường, trong nhiệm kỳ 5 năm, CPC tổ chức 7 hội nghị trung ương. Trong đó, hội nghị thứ 3, tức Hội nghị Trung ương 3, có vai trò đặc biệt quan trọng bởi đây là lần đầu tiên ban lãnh đạo khóa mới công bố các chủ trương chính sách mới về kinh tế và chính trị.
Hội nghị Trung ương 3 các khóa của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa ra nhiều quyết sách có tác động sâu sắc tới sự phát triển của nước này. Tại Hội nghị Trung ương 3 khóa XI năm 1978, nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình tuyên bố mở cửa đất nước và đưa nền kinh tế hoạt động theo cơ chế thị trường.
Tại Hội nghị Trung ương 3 khóa XVIII vào năm 2013, một năm sau khi trở thành Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã công bố các kế hoạch nới lỏng hơn nữa chính sách một con, thay đổi hệ thống đăng ký hộ khẩu cũng như củng cố an ninh quốc gia.
Thông thường, các Hội nghị Trung ương 3 khóa sẽ có sự tham gia của khoảng 200 thành viên của CPC. Một số đại diện của các cơ quan chính phủ và quốc hội cũng có thể được mời. Kết quả sơ bộ của hội nghị thường được thông báo qua các kênh truyền thông nhà nước Trung Quốc, còn các nội dung chi tiết sẽ được công bố sau.
Theo Tân Hoa Xã, Hội nghị Trung ương 3 vào giữa tháng này sẽ thảo luận về các giải pháp nhằm cải cách sâu sắc và hiện đại hóa hơn nữa nền kinh tế Trung Quốc.
Theo Bloomberg, dù không kỳ vọng Bắc Kinh sẽ có những cải cách về cấu trúc mang tính đột phá, các nhà đầu tư sẽ theo dõi sát sao bất kỳ dấu hiệu nào về định hướng chính sách nhằm giải quyết một loạt các vấn đề kéo dài như cuộc khủng hoảng bất động sản, sự suy yếu của khu vực kinh tế tư nhân, định hướng công nghệ của đất nước hay tình trạng già hóa dân số…
Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư là cải cách về tài khóa. Tại một cuộc họp chính sách quan trọng vào tháng 12 năm ngoái, các nhà lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc cho biết đang cân nhắc thực hiện “một đợt cải cách thuế và tài khóa mới”. Điều này làm dấy lên hy vọng rằng thông tin chi tiết về kế hoạch này sẽ được đưa ra tại Hội nghị Trung ương 3 sắp tới.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng kỳ vọng vào việc cơ cấu lại sự phân chia trách nhiệm giữa trung ương và địa phương trong chi tiêu ngân sách. Theo đó, Bắc Kinh chịu trách nhiệm chi tiêu nhiều hơn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều này diễn ra trong bối cảnh các chính quyền địa phương ở Trung Quốc đang đối mặt khối nợ khổng lồ trong khi nguồn thu từ đất sụt giảm do khủng hoảng bất động sản.
Một số nhà kinh tế dự báo Bắc Kinh sẽ có sự thay đổi lớn trong chính sách thuế tiêu thụ nhằm mang lại thêm nguồn thu cho các chính quyền địa phương. Cùng với đó là cải cách về thuế giá trị gia tăng – nguồn thu thuế lớn nhất tại Trung Quốc.
MONG MUỐN MỞ CỬA THỊ TRƯỜNG HƠN NỮA
Trước thềm Hội nghị Trung ương 3, ở bên trong Trung Quốc, các nhà đầu tư và doanh nghiệp tư nhân thời gian qua liên tục hiến kế để nhà chức trách mở cửa thị trường hơn nữa. Theo một khảo sát của công ty nghiên cứu độc lập Beijing Dacheng Enterprise Research Institute với lãnh đạo các công ty tư nhân lớn, đa số những người được hỏi bày tỏ hy vọng Hội nghị Trung ương 3 sẽ “định hướng những cải cách của thị trường”.
“Các doanh nhân kỳ vọng sẽ có những cải sách sâu rộng hơn nữa với hệ thống kinh tế, để thị trường có thể đóng vai trò quyết định trong việc phân bổ nguồn lực, tạo ra một môi trường kinh doanh định hướng thị trường, đồng thời thúc đẩy và bảo vệ sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình sở hữu khác”, Beijing Dacheng cho biết trong báo cáo kết quả khảo sát công bố vào cuối tuần trước.
Nhiều doanh nhân tham gia khảo sát cho rằng Trung Quốc nên ngừng gắn nhãn các doanh nghiệp là “nhà nước” hoặc “ngoài nhà nước” bởi việc này mang tính phân biệt đối xử ngay từ tên gọi. Doanh nghiệp tư nhân nên được tiếp cận mọi lĩnh vực không bị cấm và đã mở cửa cho doanh nghiệp nước ngoài.
Hội nghị Trung ương 3 khóa XX diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi không đồng đều sau 3 năm đại dịch Covid-19. Triển vọng ảm đạm của nền kinh tế, cùng với cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài và các chiến dịch siết kiểm soát đối với khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là ngành công nghệ, đang khiến vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Theo số liệu do Bộ Thương mại Trung Quốc gần đây, vốn FDI vào Trung Quốc trong 5 tháng đầu năm nay giảm 28,2% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 412,51 tỷ nhân dân tệ, tương đương 56,8 tỷ USD, đánh dấu tháng giảm thứ 12 liên tiếp.
Dòng tiền đầu tư vào thị trường tài chính Trung Quốc cũng giảm mạnh trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư bi quan bất chấp những nỗ lực của nhà chức trách. Sau khi bán tháo chứng khoán Trung Quốc trong năm 2023, nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu quay trở lại vào tháng 2 năm nay. Tuy nhiên, trong tháng 6, khối ngoại lại bán ròng chứng khoán Trung Quốc, thoái lượng vốn 33 tỷ nhân dân tệ, tương đương 4,54 tỷ USD, thông qua cơ chế kết nối chứng khoán Stock Connect Scheme giữa đại lục với Hồng Kông.
Theo các nhà phân tích, Hội nghị Trung ương 3 là một trong những lý do khiến nhà đầu tư thế giới thận trọng với thị trường tài chính Trung Quốc.
"Trung Quốc có thể tăng cường các biện pháp nới lỏng và kỳ họp sắp tới sẽ khẳng định định hướng chính sách như vậy", chiến lược gia cấp cao Chi Lo của công ty BNP Paribas Asset Management dự báo.