UBND tỉnh Bắc Giang vừa trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 4 dự án FDI với trị giá gần 570 triệu USD.
Điều đặc biệt là trong số này có dự án Nhà máy Fukang Technology của nhà đầu tư Foxconn tại Khu công nghiệp Quang Châu (Việt Yên) để sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay, quy mô công suất khoảng 8 triệu sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư đăng ký 270 triệu USD.
Việc Foxconn - một trong những hãng chế tạo linh kiện điện tử và máy tính lớn nhất thế giới, chuyên sản xuất các sản phẩm cho Apple, quyết định đầu tư dự án sản xuất máy tính trị giá 270 triệu USD tại Bắc Giang là tín hiệu khởi đầu tích cực, được kỳ vọng sẽ tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, mở ra các cơ hội thu hút các dự án công nghệ cao, các dự án phụ trợ khác trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
SẼ CÒN NHIỀU CƠ HỘI KHÁC
Ông Trác Hiến Hồng, Tổng giám đốc Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải tại Việt Nam, đại diện nhà đầu tư Foxconn Singapore PTE Ltd chia sẻ, Tập đoàn đầu tư vào Việt Nam từ năm 2007 với hai nhà máy đầu tiên tại tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.
Tính đến tháng 12/2020, tổng vốn đầu tư tại Việt Nam là 1,5 tỷ USD, trong đó số vốn đầu tư tại tỉnh Bắc Giang là 900 triệu USD, giải quyết việc làm cho hơn 35 nghìn lao động. Dự kiến năm 2021 sẽ đầu tư thêm 700 triệu USD và tăng lên 10 nghìn lao động.
Hiện nay có một số phụ kiện của Apple được sản xuất tại Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã đón nhận những làn sóng đầu tư dây chuyền công nghệ của hàng loạt tên tuổi lớn như Canon, Nokia, Intel, LG và đặc biệt là Samsung, nay lại thêm Apple góp mặt vào danh sách này. Điều này cho thấy đang có một làn sóng đầu tư tiếp theo trong lĩnh vực công nghệ cao đổ vào Việt Nam. Sự kiện này cho thấy những nỗ lực cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh của Việt Nam trong thời gian qua đã có kết quả, thu hút được các nhà đầu tư hàng đầu thế giới trong bối cảnh các tập đoàn đa quốc gia đang đa dạng hóa, tối ưu hóa các chuỗi cung ứng.
Đây là điểm khởi đầu rất tốt để tiếp tục có giải pháp khai thác cơ hội mở ra. Ông Nguyễn Phước Hải, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam cho rằng, mức vốn đăng ký 270 triệu USD là một khoản nhỏ so với nguồn đầu tư hàng năm của Foxconn trên toàn thế giới. Chính vì vậy, điều quan trọng cần phải triển khai tốt và thuận lợi để không chỉ dự án này mà còn làm nhiều dự án khác lớn hơn.
Chuyên gia này phân tích, Foxconn là một doanh nghiệp đầu chuỗi với quy mô lớn thuộc top 5 thế giới về đầu tư sản xuất điện tử. Do đó, khi Foxconn đi đâu sẽ kéo theo một loạt vệ tinh là các đối tác, nhà cung cấp. Hiệu ứng này đã được thể hiện rõ khi Samsung vào Việt Nam đã kéo theo một loạt các dự án đầu tư khác. Chính vì vậy, việc khai thác được các hiệu ứng lan tỏa của dự án đầu tư này là vấn đề quan trọng. Nếu làm tốt thì sẽ không phải chỉ là 270 triệu USD mà còn nhiều thứ lớn hơn nữa.
Ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc Ngành hàng viễn thông di động FPT Shop cho rằng, Foxconn có thể coi là đầu tàu về gia công, sản xuất, lắp ráp các thiết bị công nghệ cao cấp đặc biệt các sản phẩm có yêu cầu cao như iPad, MacBook của Apple, nên việc dự án này được khởi động chắc chắn sẽ tác động tích cực về xu hướng dịch chuyển các hoạt động sản xuất, lắp ráp khác tại Việt Nam trong tương lai gần và đây là một điểm tích cực cho cả nền kinh tế.
Theo ông Kha, đây là một tín hiệu rất tốt để tiếp tục đầu tư phát triển mảng kinh doanh này. Ngoài việc nguồn cung sẽ ổn định và dồi dào cho thị trường Việt Nam thì việc phát triển nền kinh tế tại Bắc Giang với thu nhập người dân được cải thiện thì cũng là cơ sở để chúng tôi phát triển việc cung cấp nhiều hơn máy tính, máy tính bảng đến người tiêu dùng khu vực phía Bắc.
Đây không phải là dự án đầu tư đầu tiên của Foxconn ở Việt Nam, nhưng điểm khác biệt quan trọng của dự án lần này là sản xuất các sản phẩm của Apple. Do đó, các chuyên gia cho rằng, việc kéo thêm nhiều các dự án sản phẩm của Apple sang Việt Nam sẽ có ý nghĩa chiến lược quốc gia trong cạnh tranh thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Một chuyên gia kinh tế khẳng định, nếu thu hút được các dự án trực tiếp từ Mỹ vào thì hiệu quả sẽ tăng lên rất nhiều. Khi các doanh nghiệp lớn đầu tư vào Việt Nam sẽ tạo sự lan tỏa và kéo theo cả chuỗi nên sẽ mở ra các cơ hội thuận lợi cho sự phát triển. Hiện nay các nhà đầu tư Mỹ vào Việt Nam còn khá dè dặt và thấp hơn so với tiềm năng. Mỹ hiện đứng thứ 11 trong số các nước đầu tư vào Việt Nam.
Cũng theo các chuyên gia, những dự án như thế này khi đầu tư vào Việt Nam sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước khi tham gia chuỗi cung cấp và làm dịch vụ cho chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp phụ trợ muốn tham gia vào chuỗi cũng phải đầu tư công nghệ chứ không thể đi sau. Doanh nghiệp phụ trợ Việt Nam phải tham gia ở những phân khúc tương đối cao, quan trọng trong cấu thành sản phẩm thì mới mang lại giá trị cao hơn. Công nghiệp phụ trợ cũng không chỉ cung cấp cho các nhà đầu tư ở Việt Nam mà phải tham gia chuỗi toàn cầu.
KHAI THÁC CÁC GIÁ TRỊ LAN TOẢ
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, lâu nay Việt Nam còn hạn chế trong thu hút đầu tư nước ngoài ở phân khúc công nghệ cao. Chính vì thế, hiệu quả tham gia vào chuỗi giá trị còn thấp. Mặc dù xuất khẩu trong lĩnh vực này là rất lớn nhưng nguồn giá trị để lại cho Việt Nam chưa nhiều.
Vì vậy Việt Nam cần phải chú trọng vào 2 vấn đề. Thứ nhất, tập trung vào tính lan tỏa của các nhà đầu tư nước ngoài, liên kết với các doanh nghiệp trong nước. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam làm được phụ trợ cho các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là ở những phân khúc công nghệ cao thì giá trị gia tăng ở Việt Nam sẽ cao hơn. Thứ hai, cần khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với các dự án nghiên cứu phát triển hoặc lồng ghép dự án nghiên cứu phát triển trong chuỗi sản xuất của doanh nghiệp.
Với việc kiểm soát tốt dịch bệnh Covid, ổn định kinh tế vĩ mô và những lợi thế của nguồn nhân lực dồi dào, năng động..., hiện nay Việt Nam đang có sức hút tốt về đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, để thu hút chọn lọc các dự án, ngoài các yếu tố trên, chuyên gia này cho rằng Việt Nam cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ thể chế.
Bên cạnh đó, một yếu tố rất quan trọng là phải có mặt bằng sạch cho các dự án, nhất là các luồng vốn dịch chuyển đầu tư thường triển khai rất nhanh. Đặc biệt, muốn kỳ vọng thu hút nhiều dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn mà không có nguồn nhân lực tốt thì sẽ rất khó. Các nhà đầu tư không thể đầu tư dự án nhà máy công nghệ cao và đưa theo tất cả cán bộ kỹ thuật, quản lý, nhân công sang Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần phải xây dựng được đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật cũng như công nhân chất lượng tốt để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư, đặc biệt là các dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn.
Có cùng quan điểm này, ông Hải cho rằng môi trường đầu tư của Việt Nam đã có nhiều bước cải thiện trong thời gian qua. Hiện nay, các quốc gia khác trong khu vực cũng nhìn thấy các cơ hội này và đang có những động thái mạnh mẽ để cải thiện môi trường và có các giải pháp để săn đón nhà đầu tư. Do đó, cải thiện môi trường đầu tư vẫn là một trong những nhiệm vụ xuyên suốt và không ngừng nghỉ của Việt Nam.
Theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn có những điểm nghẽn cần tháo gỡ và cải cách hành chính cần phải nhanh hơn. Bên cạnh đó, hạ tầng logistics vận chuyển nội địa và quốc tế còn hạn chế so với các nước xung quanh, chi phí còn cao, tốc độ hệ thống còn chậm. Các dự án sản xuất FDI có nhu cầu logistics rất lớn bởi với quy mô hàng tỷ USD tiền hàng, nếu bị tắc nghẽn thì thiệt hại là không nhỏ. Bên cạnh đó là sự sẵn sàng của nguồn nhân lực cho việc thu hút nhiều dự án FDI, nhiều "đại bàng" vào sản xuất công nghiệp điện tử và công nghệ cao.