Trong làn sóng của Cách mạng công nghiệp 4.0, không chỉ có robot, trí tuệ nhân tạo, blockchain cùng với tiền ảo, tài sản ảo cũng là những xu hướng lớn đang nổi lên và được thảo luận sôi nổi bởi giới chức các nước và doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc quản lý và tạo hành lang pháp lý như thế nào cho sự phát triển này hiện vẫn còn nhiều quan điểm trái chiều và cách tiếp cận khác nhau.
Cũng như phần lớn các nước khác, khung pháp lý của Việt Nam về quản lý, xử lý tài sản ảo, tiền ảo còn sơ khai.
Theo ông Phan Chí Hiếu – Thứ trưởng Bộ Tư pháp, hiện có 3 xu hướng của các nước trên thế giới đối với tiền ảo, tài sản ảo.
Thứ nhất là thả nổi chưa quản lý mặc dù còn một số khuyến cáo và rủi ro liên quan tới tài sản ảo, tiền ảo. Xu hướng thứ hai là không thừa nhận tài sản ảo, tiền ảo và cấm sử dụng hay giao dịch. Xu hướng thứ ba là cho phép sử dụng, giao dịch tài sản mã hóa, tiền mã hóa đồng thời có hướng dẫn các vấn đề liên quan trong không gian các dịch vụ kinh doanh như các sàn giao dịch, doanh nghiệp.
"Chủ trương nhất quán của Việt Nam là tận dụng các cơ hội to lớn đồng thời vượt qua các thách thức mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại", ông Hiếu khẳng định tại hội thảo về tiền mã hóa và tài sản kỹ thuật số diễn ra ngày 16/9 và ông kỳ vọng các chuyên gia quốc tế có thể chia sẻ kinh nghiệm từ các nước về quản lý tài sản ảo, tiền ảo dưới góc độ pháp lý. Trên cơ sở đó, Bộ Tư pháp có thể tổng hợp các kiến nghị, nghiên cứu và đóng góp để hoàn thiện các báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.
Việc có một hành lang pháp lý sớm và rõ ràng hiện đang là một trong những mong mỏi lớn nhất từ phía các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Ông Lưu Thế Lợi, Giám đốc điều hành Kyber Network – doanh nghiệp từng gây xôn xao khi huy động thành công 52 triệu USD bằng tiền ảo vào năm ngoái cho rằng, doanh nghiệp hiện rất cần sự hỗ trợ liên quan đến khung pháp lý do Chính phủ xây dựng.
"Chúng tôi đề xuất và cũng kỳ vọng là sẽ có những quy định pháp lý rõ ràng và minh bạch để doanh nghiệp có thể hiểu rõ rằng hoạt động nào mà họ có thể làm và hoạt động nào không thể làm, liên quan đến tiền ảo, tài sản ảo và công nghệ Blockchain. Khi không có quy định rõ ràng, chúng tôi sẽ không biết được làm sao để tuân thủ", ông Lợi nhấn mạnh.
Có cùng quan điểm, ông Vũ Duy Thức, Giám đốc Kambria – nền tảng AI & Robotic mở rộng phi tập trung nhằm đẩy nhanh quá trình phát triển và áp dụng sức ảnh hưởng của robot kỳ vọng, Việt Nam sẽ có một nền tảng pháp lý sớm cho tiền ảo và tài sản ảo và các công ty lớn có thể sử dụng Blockchain cho các dịch vụ và dự án của mình.
"Tôi tin rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng để nắm bắt các cơ hội trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Chúng tôi muốn cải thiện cộng đồng này, không chỉ liên quan đến robot mà còn là Blockchain", ông Thức nói thêm.
Hiện có 3 xu hướng trên thế giới bao gồm thả nổi, cấm hoặc chấp nhận tài sản ảo, tiền ảo như một phương tiện thanh toán. Theo ông Thức, Việt Nam nên theo phương thức thứ 3 bởi Blockchain và tiền mã hóa, tài sản mã hóa là xu hướng của thế giới nên đưa ra các lệnh cấm sẽ không thỏa đáng, nhưng cũng không thể thả nổi. "Việt Nam nên có những điều khoản hợp lý và kiểm soát hợp lý cho các vấn đề này", ông Thức nói.
Cũng theo đại diện của nhiều doanh nghiệp, Chính phủ cũng nên xem xét cách thức Blockchain và tiền ảo làm việc. Cách tốt nhất là Chính phủ có thể tham khảo ý kiến từ các doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành cũng như có thể tìm hiểu kinh nghiệm từ các quốc gia khác. Đặc biệt là Chính phủ có thể tạo ra một môi trường thử nghiệm cho doanh nghiệp cùng thực hiện để làm sao có thể tiếp tục phát triển và ứng dụng công nghệ Blockchain đồng thời có thể phát hiện ra các hạn chế và các nguy cơ tiềm năng có thể xảy ra.
Blockchain là một công nghệ hiện đại mà hiện tại còn nhiều quan điểm không thực sự tích cực vì có nhiều tin tức liên quan đến lừa đảo xung quanh. Thế nhưng, Blockchain có một vai trò vô cùng quan trọng và đã được minh chứng là có thể mang lại các tiềm năng và chuyển đổi to lớn cho nhiều lĩnh vực như tài chính, quản lý tài sản hay thông tin giao dịch... Những động thái pháp lý quá gắt gao sẽ làm giảm cơ hội cũng như những ảnh hưởng tích cực của công nghệ và các doanh nghiệp phát triển công nghệ đúng nghĩa.
Theo ông Simon Je, Giám đốc điều hành Infinity Special Situations Fund, cần phải hiểu rõ quản lý ICO (hình thức huy động vốn đầu tư trong các dự án tiền số) cần phải có những giải pháp nào. Quy định pháp lý phải rõ ràng từ ban đầu nhưng không nên để quá lâu mới hoàn thiện và ban hành.
Còn bà Jaclyn Tsai, đồng sáng lập Hiệp hội Blockchain Đài Loan chia sẻ: "Tại Đài Loan, chúng tôi khuyên không nên có hành động pháp lý quá sớm và cần chờ đợi thêm. Không nên áp dụng các quy định đối với IPO cho ICO vì ICO liên quan đến nhiều nền kinh tế khác nhau. Mỗi dự án ICO cũng cần tuân thủ tiêu chuẩn toàn cầu".
Tại châu Âu, "EU thống nhất là chưa đưa ra luật nào ngay. Các nhà lập pháp còn xem xét tiềm năng, lập sơ đồ định hướng. Chúng tôi không quá vội vàng", ông Mikhail Mironov, Giám đốc thị trường quốc tế Công ty ICORating cho biết.