Báo cáo tóm tắt thuyết minh của đại diện đơn vị tư vấn (Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng công nghiệp và đô thị Việt Nam), phạm vi, ranh giới lập quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, gồm toàn bộ địa giới hành chính thị trấn Bến Cầu, các xã: Long Thuận, Tiên Thuận, Lợi Thuận, An Thạnh, thuộc huyện Bến Cầu và xã Phước Chỉ, Phước Bình thuộc thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, với tổng diện tích tự nhiên khoảng 21.284ha.
Mục tiêu quy hoạch nhằm thúc đẩy phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài trở thành vùng động lực mới, cực tăng trưởng phát triển kinh tế có tầm cạnh tranh trong khu vực và quốc tế; là đầu mối giao thương quan trọng của vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, giữa Việt Nam với Campuchia và khu vực ASEAN; là trung tâm dịch vụ cửa khẩu, cảng trung chuyển container quốc tế và dịch vụ logistics; là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ biên giới đất liền tại vùng Đông Nam Bộ.
Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài được quy hoạch có tính chất là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực với chức năng công nghiệp - đô thị - thương mại - dịch vụ - du lịch và nông - lâm nghiệp, gắn với các hoạt động đối ngoại của quốc gia, giao lưu kinh tế, văn hóa và quan hệ chính trị, ngoại giao giữa Việt Nam, Campuchia và khu vực ASEAN.
Dự báo đến năm 2030, quy mô dân số Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đạt 105.000 - 155.000 người; đến năm 2045 quy mô dân số đạt 310.000 người. Về nhu cầu đất xây dựng đô thị, các khu vực chức năng thuộc khu kinh tế, các khu chức năng khác và khu công nghiệp đến năm 2030, khoảng 6.500 – 7.500ha (đất dân dụng 2.000 - 2.500ha); đất nông nghiệp và đất khác 13.784ha; đến năm 2045, đất xây dựng đô thị, các khu chức năng thuộc khu kinh tế, các khu chức năng khác và khu công nghiệp 10.500 – 12.500ha (đất dân dụng 3.500 - 4.000 ha); đất nông nghiệp và đất khác 8.784ha.
Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật (đến năm 2045) áp dụng theo tiêu chí tương đương tiêu chuẩn đô thị loại II; đảm bảo phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn và quy định hiện hành, có xét đến yếu tố đặc thù.
Về cấu trúc không gian khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài sẽ theo mô hình hỗn hợp. Còn trong định hướng phát triển hạ tầng kinh tế, xác định phát triển công nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistics gắn với cửa khẩu quốc tế, cảng sông, đường cao tốc; phát triển thương mại gắn với các cửa khẩu, xây dựng khu hợp tác kinh tế thúc đẩy dịch vụ thương mại quốc tế, các dịch vụ thương mại cao cấp hỗ trợ phát triển dịch vụ du lịch…
Theo các chuyên gia thành viên Hội đồng thẩm định, hồ sơ đồ án đầy đủ, tuân thủ theo đúng quy định hiện hành, Báo cáo thuyết minh Đồ án bám sát nội dung Nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, UBND tỉnh Tây Ninh và đơn vị tư vấn cần phối hợp đánh giá đầy đủ hơn hiện trạng phát triển cũng như động lực phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài, để làm cơ sở đề xuất các định hướng phát triển Khu kinh tế trong giai đoạn mới; giao thông kết nối vùng; cần so sánh, đánh giá lợi thế của Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài với các khu kinh tế lân cận; lưu ý các nội dung quy hoạch sử dụng đất, phát triển đô thị, dịch vụ, du lịch…