Mặc dù VN-Index chỉ quay lại mức điểm thấp nhất của 2 phiên liền trước, nhưng hàng loạt cổ phiếu đã rơi tự do sâu hơn nhiều. Riêng HoSE có tới 163 mã giảm hết biên độ và cả 3 sàn tới 221 mã. Mới T+2 nhưng cổ phiếu bắt đáy dù là giá thấp nhất, cũng đang đối diện nguy cơ thua lỗ khi về đến tài khoản.
Thị trường phiên chiều đã không có phục hồi, trái lại còn giảm sâu hơn. Lý do là nhóm blue-chips bị bán quá mạnh, dẫn tới sự đổ vỡ về tâm lý nói chung. Toàn sàn HoSE chỉ còn 39 mã tăng giá, nhưng 424 mã giảm.
VN-Index đóng cửa bốc hơi 62,69 điểm, tương đương 4,82% so với tham chiếu. Mức giảm này vẫn chưa sốc bằng phiên ngày 25/4 vừa qua khi chỉ số giảm tới 68,31 điểm hay 5%. Tuy nhiên từ đó đến nay VN-Index đã giảm thêm 5,5% giá trị, còn cả trăm cổ phiếu giảm mạnh gấp đôi. Thống kê nhanh với sàn HoSE, trong 11 phiên đó, đã có 112 cổ phiếu giảm trên 10%, trong đó 20 mã giảm trên 20%.
Rõ ràng là việc điều chỉnh ở chỉ số VN-Index không phản ánh hết được biến động ở giá cổ phiếu. Mức thiệt hại của nhà đầu tư lớn hơn nhiều và đây cũng là một phần nguyên nhân khiến thị trường cứ liên tục xuất hiện các đợt bán tháo. Dù chỉ số VN-Index vẫn đang được đánh giá là điều chỉnh thông thường, nhưng thua lỗ quá ngưỡng của nhà đầu tư thì danh mục cần phải xử lý.
Chiều nay áp lực bán gia tăng mạnh, hai sàn giao dịch thêm 9.574 tỷ đồng, tăng 60% so với phiên sáng. Tuy nhiên giá cổ phiếu theo đó cũng lao dốc mạnh. Cuối phiên sáng HoSE mới có 2 mã sàn, đóng cửa lên tới 163 mã. Đó là chưa kể tới 124 mã khác giảm trên 2%, trong khi buổi sáng tổng cộng khoảng 180 mã giảm trên 2%.
Trong số giảm sàn ở HoSE, 141 mã mất hoàn toàn thanh khoản “trắng bên mua”. Điều này phản ánh áp lực bán tháo lên tới tối đa, quét sạch lệnh mua. Nhóm VN30 có 11 mã sàn thì 7 mã cũng mất thanh khoản như hàng đầu cơ. VN30-Index đóng cửa giảm 5,19%, mạnh hơn chỉ số chính và đã thủng đáy trước VN-Index. Diễn biến này cho thấy các blue-chips cũng rất nguy hiểm.
Thực tế là hầu hết các cổ phiếu trong nhóm VN30 cũng đã giảm xuống thấp hơn mức đáy cách đây 3 phiên, nghĩa là ngay cả nhà đầu tư mua trúng đáy thấp nhất hôm đó và ngày mai cổ phiếu về tài khoản thì cũng chắc đã có thể thoát được ở điểm hòa vốn. Đây sẽ tiếp tục là sức ép mạnh lên thị trường, ít nhất là trong phiên sáng mai.
Các cổ phiếu vừa và nhỏ dĩ nhiên cũng chịu thiệt hại rất nặng. Midcap giảm 5,31% với 44 mã giảm sàn, Smallcap giảm 5,34% với 90 mã giảm hết biên độ.
HoSE kết phiên vẫn còn 34 cổ phiếu tăng giá ngược dòng nhưng thật sự không có gì đáng nói. Thanh khoản các mã này quá ít nên tăng hay giảm giá cũng không đáng tin cậy. SAB tăng 0,86% là cổ phiếu blue-chips duy nhất xanh và duy nhất có thanh khoản khá tốt với 39,1 tỷ đồng. ACC là mã nhỏ tăng 3,38% nhưng thanh khoản chưa tới 1,4 tỷ đồng. Số còn lại giao dịch vài triệu tới vài chục triệu đồng.
Thị trường vẫn đang chịu áp lực bán bất chấp giá dù vài ngày qua đã có tín hiệu giảm cung. Nhà đầu tư trong nước vẫn là đối tượng tháo chạy chính. Khối ngoại hôm nay bán ra tổng cộng 1.645 tỷ đồng tại HoSE, chiếm khoảng 10% tổng giao dịch mà thôi. Thậm chí chiều nay khối này còn tăng giải ngân. Cụ thể, tính riêng buổi chiều, giá trị mua đạt 1.275,2 tỷ đồng trong khi bán ra 1.164,8 tỷ đồng. Nhờ mua ròng buổi chiều nên cả phiên, khối này chỉ còn bán ròng gần 98 tỷ đồng, trong khi đến cuối phiên sáng bán ròng 208,4 tỷ đồng.