Trong bối cảnh lãi suất huy động đã về vùng thấp lịch sử, Chứng khoán KBSV dự báo mặt bằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục đi ngang ở vùng thấp trong hầu hết cả năm 2024 trong khoảng 4.85% - 5.35%. Dù vậy, lãi suất cho vay bình quân sẽ có dư địa để giảm thêm 0.75% - 1.0%.
Các yếu tố trọng yếu tác động tới mặt bằng lãi suất huy động: Cầu tín dụng nhiều khả năng sẽ phục hồi, tuy nhiên khó có đột biến. Do những khó khăn tồn đọng từ năm 2023 chưa thể được khắc phục triệt để trong năm sau. Kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ chỉ tăng trưởng quanh mức 6% với lĩnh vực bất động sản, khu vực có tỷ trọng đóng góp cao trong tăng trưởng tín dụng, chưa thể hồi phục mạnh mẽ. Theo đó, áp lực lên mặt bằng lãi suất cho vay từ phía cầu sẽ chưa lớn. Dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ đạt mức quanh 13.5% - 14.5%, thấp hơn chỉ tiêu 15% mà NHNN giao trong năm 2024.
Chính sách điều hành của NHNN vẫn theo hướng nới lỏng khi mà áp lực lạm phát và tỷ giá hạ nhiệt. Cụ thể, với việc lạm phát đang có xu hướng giảm tốc ở hầu hết các nền kinh tế lớn trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc, 2 đầu tàu tăng trưởng kinh tế thế giới, được dự bảo sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm sau, lạm phát toàn cầu sẽ tiếp tục xu hướng giảm trong năm 2024, hỗ trợ xu hướng ổn định lạm phát của Việt Nam.
Tuy nhiên, KBSV cũng thể hiện sự quan ngại với yếu tố bất ngờ từ rủi ro địa chính trị vẫn chưa cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt, không chỉ ở chảo lửa Trung Đông mà còn ở khả năng bùng phát xung đột ở các khu vực khác. Tình hình khó lường một mặt có thể đẩy tâm lý toàn cầu trở nên bi quan hơn, mặt khác có thể tạo ra một cú sốc cung gây áp lực lạm phát chi phí đẩy, từ đó tác động tới mặt bằng lãi suất.
Đối với tỷ giá, việc FED đảo chiều hạ lãi suất trong năm 2024, sẽ giúp áp lực tỷ giá không còn là yếu tố quá rủi ro trong năm 2024.
Trong kịch bản cơ sở, kỳ vọng tỷ giá USD/VND sẽ ổn định hơn trong năm 2024, được dự báo tăng 1.5% đạt mức 24,600 VND/USD do cán cân tổng thể dự báo tích cực hơn, trong bối cảnh áp lực từ chênh lệch lãi suất âm giữa USD và VND dù có giảm nhưng vẫn duy trì trong suốt cả năm.
Cán cân tổng thể trong năm 2024 được dự báo thặng dư 7 – 10 tỷ USD, do cán cân thương mại mặc dù thặng dư ít hơn nhưng được bù lại bởi dòng vốn FDI, kiều hối và giảm thâm hụt cán cân tài chính. Cụ thể, xuất khẩu dự kiến phục hồi tích cực với mức tăng trưởng dự báo đạt 8% - 12%. Nhập khẩu được dự báo phục hồi, khiến cán cân thương mại không thặng dư lớn như năm 2023, dự kiến đạt 12 – 18 tỷ USD.
Dòng vốn FDI và kiều hối tăng trưởng ổn định sẽ thúc đẩy dòng vốn FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam và là nguồn cung ngoại tệ ổn định cho năm 2024.