Lãi suất cơ bản không có tác tại gì đến nền kinh tế thì tại sao lại bỏ đi?
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển đặt câu hỏi, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn của dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi), sáng 17/12.
Phiên thảo luận có sự tham dự của đại diện Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính.
Phải công bố lãi suất
Việc không quy định lãi suất cơ bản tại Dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi) đã từng làm nóng diễn đàn Quốc hội tại kỳ họp vừa qua, với nhiều ý kiến không đồng thuận. Thậm chí có ý kiến phê phán gay gắt việc Ngân hàng Nhà nước “ lặng lẽ bỏ lãi suất cơ bản mà không một lời giải thích”.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, mới đây, thường trực Ủy ban Kinh tế và cơ quan soạn thảo dự án luật đã thống nhất được 6 vấn đề. Trong đó có vấn đề lãi suất.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước phải công bố lãi suất để điều hành chính sách tiền tệ và điều hành thị trường. Các tổ chức tín dụng cần được quyền và có trách nhiệm trong việc xác định lãi suất trong giao dịch với khách hàng cũng như với các tổ chức tín dụng khác dựa trên nguyên tắc thị trường và lãi suất điều hành do Ngân hàng Nhà nước công bố.
Ngân hàng Nhà nước được quyền can thiệp cơ chế lãi suất của các tổ chức tín dụng trong trường hợp cần thiết để ổn định thị trường tiền tệ và ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, có trách nhiệm công bố một loại lãi suất để làm căn cứ áp dụng cho các hoạt động mang tính chất dân sự ngoài phạm vi hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Mở đầu phiên thảo luận sáng nay, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển cho biết ông rất tâm đắc với lãi suất cơ bản, và ví nó như tấm biển báo hay chiếc barie, tác động trực tiếp ngay đến thị trường. Chứ bản chất các tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thì phải chạy theo lợi nhuận chứ không thể chỉ hoạt động vì trách nhiệm với xã hội.
Chính sách lãi suất cơ bản không có tác tại gì cả cho nền kinh tế thì tại sao lại bỏ đi, ông Hiển đặt câu hỏi.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cũng cho rằng: dứt khoát phải giữ lãi suất cơ bản, vì Ngân hàng Nhà nước vẫn là cơ quan của Chính phủ thì phải thực hiện chức năng quản lý Nhà nước.
Mặc dù Thống đốc Nguyễn Văn Giàu đã trình bày hiện trên thế giới chỉ còn có hai nước còn quy định lãi suất cơ bản, song nhiều ý kiến cho rằng ngân hàng nhiều nước là ngân hàng trung ương nên khác nước ta là chuyện bình thường.
“Phải có lãi suất để định hướng chính sách tiền tệ”, Phó chủ tịch Nguyễn Đức Kiên kết lại phần thảo luận.
Chính sách tiền tệ Quốc gia là gì?
Thẩm quyền quyết định chính sách tiền tệ Quốc gia được coi là một nội dung rất quan trọng của dự thảo luật. Tuy nhiên, ngay cả nội hàm của khái niệm chính sách tiền tệ Quốc gia vẫn là điều gây tranh cãi.
Tại báo cáo tiếp thu, giải trình, Ủy ban Kinh tế và cơ quan soạn thảo luật cho rằng, mục tiêu của chính sách tiền tệ là ổn định giá trị đồng tiền và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Còn về nội dung, chính sách tiền tệ có phạm trù rất rộng, bao hàm việc xác định mục tiêu của chính sách, việc hình thành cơ chế vận hành, việc xây dựng, ban hành các giải pháp, biện pháp cũng như việc sử dụng vận hành các công cụ chính sách tiền tệ để đạt được mục tiêu đề ra.
Do vậy, quy định cụ thể nội dung chính sách tiền tệ trong Luật Ngân hàng sẽ không thể bao quát hết được.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến thảo luận vẫn tỏ ra rất băn khoăn, bởi không làm rõ vấn đề này thì không thể phân định rõ thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong việc quyết định thực hiện chính sách tiền tệ Quốc gia.
Nhiều ý kiến cho rằng nếu chỉ quy định Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm như dự thảo luật thì chưa được. “ Việc lưu thông đồng tiền phải do Quốc hội quyết định chứ”, Chủ nhiệm Nguyễn Văn Thuận phát biểu.
Còn theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên thì “khó đến mấy cũng phải nghiên cứu xem chính sách tiền tệ Quốc gia gồm những gì, ghi hẳn ra một điều tại dự luật để Quốc hội có đủ căn cứ xem xét, quyết định”.
Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.
VnEconomy is not responsible for the translation.
Google translate