March 15, 2021 | 19:40 GMT+7

Lãi suất đã dò xong đáy?

Đào Vũ

Trong khi lãi suất liên ngân hàng vẫn đi ngang ở mức thấp thì một vài ngân hàng lại có động thái tăng lãi suất huy động

Trên thị trường, một số ngân hàng bắt đầu điều chỉnh tăng lãi suất huy động. Đây phải chăng là dấu hiệu của việc lãi suất đã dò xong đáy?

NGÂN HÀNG TĂNG LÃI SUẤT HUY ĐỘNG

Đầu tháng 3/2021, Techcombank là ngân hàng đầu tiên điều chỉnh lãi suất huy động. Mức tăng từ 0,1 – 0,5 điểm phần trăm, tùy từng kỳ hạn, tùy từng đối tượng khách hàng.

Cụ thể, ngân hàng tăng 0,2 - 0,5 điểm phần trăm lãi suất tại tất cả các kỳ hạn 1 - 8 tháng; trong khi các kỳ hạn từ 12 - 35 tháng, lãi suất cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với trước kia. Còn tiền gửi tại kỳ hạn 36 tháng đang được triển khai ở mức 5%/năm, tăng 0,5 điểm phần trăm.

Đối với khách hàng thường trên 50 tuổi, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 - 8 tháng tăng 0,1 - 0,4 điểm phần trăm, tùy kỳ hạn. Lãi suất tại kỳ hạn 36 tháng cũng tăng mạnh từ 4,8%/năm lên 5,2%/năm.

Cùng xu hướng tăng nhưng VPBank vẫn giữ nguyên mức lãi suất kỳ hạn 1 tháng và 6 tháng trở lên, chỉ tăng lãi suất huy động từ kỳ hạn 2 – 5 tháng, tăng phổ biến 0,2 điểm phần trăm.

Tương tự, tại ACB, lãi suất huy động dành cho kỳ hạn 2 và 3 tháng cũng được điều chỉnh tăng đồng loạt 0,1 điểm phần trăm.

Theo ghi nhận trên thị trường từ đầu tháng 3 tới nay, đã có thêm nhiều ngân hàng điều chỉnh biểu lãi suất huy động, thậm chí có ngân hàng không chỉ điều chỉnh một lần duy nhất.

Trước đó, trong tháng 2/2021, một số ngân hàng thương mại như Vietcombank, ACB, SHB… lại điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi từ 0,1 – 0,4 điểm phần trăm.

Lãi suất đã dò xong đáy? - Ảnh 1.

Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống và diễn biến mức lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng

CHƯA PHẢI XU HƯỚNG CHUNG

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp.HCM cho biết, tại địa bàn thành phố cũng đã ghi nhận khoảng 3 đến 4 trường hợp điều chỉnh tăng biểu lãi suất huy động tháng 3/2021. Tuy nhiên, lãi suất tăng chủ yếu ở các kỳ hạn dài, số tiền huy động lớn, mức tăng cao nhất cũng chỉ là 0,6 điểm phần trăm.

“Tôi đánh giá đây chỉ mang tính chất cục bộ ở một vài ngân hàng, chưa phải xu hướng chung của toàn ngành”, ông Minh đánh giá.

Đồng quan điểm, một lãnh đạo ngân hàng thương mại cũng cho rằng, lãi suất tiền gửi vẫn đang ở mức thấp, xoay quanh mức 3,5 – 4%/năm kỳ ngắn hạn và 6 – 7%/năm cho kỳ trung và dài hạn.

Bởi lẽ, thanh khoản hệ thống tín dụng đang rất dồi dào. Riêng tuần từ 8/3 đến 12/3, thị trường mở tiếp tục không phát sinh giao dịch, lãi suất liên ngân hàng đi ngang thấp ở mức 0,33%/năm với kỳ hạn qua đêm và 0,48%/năm với kỳ hạn 1 tuần.

“Số ít ngân hàng có nhu cầu thanh khoản nhất thời nên có thể tăng lãi suất”, vị lãnh đạo trên nêu quan điểm.

Thực tế cũng cho thấy, đầu tháng 3 Techcombank nâng biểu lãi suất huy động như đã nói bên trên. Song, đến hôm 15/3, cũng tại chính ngân hàng này lại áp dụng biểu lãi suất mới, giảm nhẹ 0,1 - 0,2 điểm phần trăm ở một số kỳ hạn ngắn từ 1 - 3 tháng.

Ở khía cạnh khác, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành, Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam nhận xét, việc lãi suất huy động VND đã giảm khá mạnh trong thời gian qua là phù hợp với các diễn biến vĩ mô ổn định và nhu cầu tín dụng không cao do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

“Mặc dù trong những tháng đầu tiên của năm 2021, chúng ta thấy được sự phục hồi nhẹ từ nhu cầu tín dụng cũng như các bước tiến khả quan từ vắc-xin phòng bệnh. Tuy nhiên, các yếu tố này vẫn chưa hình thành rõ nét các dự báo về lạm phát tăng đi kèm nhu cầu tín dụng mạnh mẽ”, ông Quang nói.

Vì vậy, theo ông Quang, các yếu tố hỗ trợ mặt bằng lãi suất ổn định ở mức thấp vẫn hiện hữu, dựa vào các dự báo của UOB về việc Việt Nam tiếp tục có thặng dư thương mại và thu hút ổn định đầu tư nước ngoài.

Được biết, trong 2 tháng đầu năm nay, các ngân hàng thương mại đã bán gần 7 tỷ USD kỳ hạn 6 tháng ở tỷ giá 23.125 VND/USD về Ngân hàng Nhà nước.

Do đó, thị trường sắp phải đón nhận khoảng 157 nghìn tỷ đồng vào tháng 7 và 8/2021 nếu các hợp động này không bị hủy ngang và không có các động thái trung hòa của Ngân hàng Nhà nước như phát hành tín phiếu để hút tiền về. Đây là yếu tố hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và giúp lãi suất tiền gửi trên liên ngân hàng tiếp tục duy trì ở mức thấp.

Dự đoán về thời điểm lãi suất sẽ bật tăng trở lại, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng, trong nửa cuối của năm 2021, khi cầu tín dụng tăng cao cũng như lộ trình siết tỷ lệ huy động ngắn cho vay trung và dài hạn có hiệu lực vào tháng 10/2021 thì lãi suất sẽ tăng nhẹ trở lại.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate