April 15, 2024 | 13:23 GMT+7

Lãi suất huy động được dự báo tăng 0,5%, chứng khoán lại lỡ "sóng thần"?

Tuệ Lâm -

Nhiều dự báo năm 2024 sẽ là một năm "sóng thần chứng khoán" quay lại với mức điểm hồi phục về vùng 1.500 điểm trong bối cảnh lãi suất huy động thấp. Tuy nhiên, lãi suất huy động đang ngược dòng tăng trở lại...

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Dragon Capital trong báo cáo cập nhật vĩ mô và thị trường chứng khoán vừa công bố cho biết từ đầu năm, đồng Việt Nam đã mất giá 3,0% so với USD nhưng mức giảm tương đồng so với các đồng tiền khác trong khu vực như JPY (-7,5%), THB (-6,8%), KRW (-4,2%) và TWD (-4,4%).

DỰ BÁO LÃI SUẤT HUY ĐỘNG TĂNG 0,3-0,5%

Các yếu tố kiều hối, vốn FDI giải ngân và thặng dư thương mại tiếp tục hỗ trợ đồng Việt Nam. Tuy nhiên, sự kéo dài chênh lệch âm lãi suất giữa USD – VNĐ đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tích cực đảo nợ, trả nợ ngoại tệ trước hạn hoặc các doanh nghiệp FDI chuyển bớt lợi nhuận về nước.

Ngoài ra, trong bối cảnh giá vàng trong nước và tiền mã hóa tiếp tục tăng, tỷ giá ở thị trường phi chính thức biến động mạnh, đạt đỉnh ở mức 25.750 VNĐ đối với USD chợ đen và 26.200VNĐ đối với USDT, tương đương với mức chênh lệnh gần 2-4% tỷ giá tại thị trường chợ đen và 5-6% tại thị trường tiền mã hóa. Đây là những yếu tố đã tác động đến thị trường ngoại tệ trong thời gian gần đây.

Dragon Capital cho rằng áp lực tỷ giá vẫn sẽ duy trì trong các tháng tới, bởi vì quý 2 là cao điểm của mùa trả cổ tức và sự ngược chiều chính sách của các ngân hàng trung ương với Cục dự trữ liên bang Mỹ tăng lên ở cuối chu kỳ tăng lãi suất, có thể sẽ khiến cho đồng USD tiếp tục mạnh lên. Trong kịch bản xấu, Đồng Việt Nam có thể mất giá khoảng 3-3,5%; lên mức 25.000- 25.200/USD. Tuy nhiên, tình hình có thể sẽ được cải thiện, đặc biệt khi khi Cục dự trữ liên bang Mỹ dự kiến hạ lãi suất vào cuối năm 2024.

Dragon Capital cho rằng, kinh tế Việt Nam được dự phóng sẽ tăng trưởng ở mức GDP 6-6,5% trong năm 2024, mặc dù có những khó khăn trong ngắn hạn. Chính sách tiền tệ vẫn sẽ tiếp tục được duy trì nới lỏng, tuy nhiên Ngân hàng nhà nước sẽ cân bằng hơn trong việc ổn định tỷ giá và lãi suất.

"Sau mức giảm mạnh 70- 90 điểm cơ bản từ đầu năm, lãi suất huy động có thể sẽ tăng 30-50 điểm cơ bản trong các tháng tới. Đây có thể được coi như một đợt điều chỉnh lãi suất giữa chu kỳ giảm lãi suất để giảm bớt áp lực tỷ giá", Dragon Capital dự báo. 

 CÓ ÁP LỰC LÊN THỊ TRƯỜNG CHỨNG KHOÁN?

Đồng quan điểm, KBSV cũng cho rằng với bối cảnh thanh khoản kém dồi dào hơn chủ yếu do hoạt động hút ròng tín phiếu, thị trường đã ghi nhận sự điều chỉnh nhẹ tăng lãi suất ở một vài ngân hàng với quy mô vốn vừa và nhỏ (VPBank, Eximbank, MSB, KLB, NCB…) cho thấy khả năng tạo đáy của mặt bằng lãi suất.

Trong bối cảnh lãi suất huy động đã về vùng thấp lịch sử, dấu hiệu thanh khoản suy yếu, áp lực từ tỷ giá và lạm phát, KBSV dự báo mặt bằng lãi suất huy động nhiều khả năng đã tạo đáy và sẽ có thể nhích nhẹ trong thời gian còn lại của năm, giao động trong khoản 4,75% - 5,35% giữ nguyên so với báo cáo trước đó (tăng 0,15% - 0,75% từ vùng đáy hiện tại). Lãi suất cho vay bình quân sẽ khó có thể giảm sâu thêm khi lãi suất huy động dự kiến tăng nhẹ, cầu tín dụng phục hồi đi kèm với thị trường bất động sản phục hồi trong nửa cuối năm. 

Nhận định về xu hướng tăng của lãi suất huy động ảnh hưởng lên thị trường chứng khoán, theo ông Lã Giang Trung, CEO Passion Investment, cuối năm nay sang năm sau lãi suất sẽ không còn thấp như bây giờ nữa thay vào đó cao hơn một chút nhưng đó không phải là vấn đề đối với thị trường. Để đi đến điểm mang tính thắt chặt còn rất lâu.

"VN-Index đã qua thời kỳ cổ phiếu đang ở mức rất thấp về mức bình thường, từ bây giờ trở đi sẽ khó hơn nhưng vẫn trong xu hướng đi lên chứ không mạnh mẽ nữa", ông Trung nhấn mạnh.

Một cách thận trọng hơn, theo SGI Capitak, sau khi SBV hút về tín phiếu, lãi suất trái phiếu Chính phủ đã tăng mạnh so với thời điểm 31/1/2024 và vượt so với thời điểm giữa tháng 9/2023 - mốc đỉnh của thị trường chứng khoán năm 2023. Trong bối cảnh huy động chậm hơn tăng trưởng tín dụng ở ba tháng đầu năm và LDR của các ngân hàng vẫn ở mức cao, mặt bằng lãi suất như bond yield, huy động đã tạo đáy vào có thể nhích tăng trở lại nếu tăng trưởng tín dụng tăng tốc. Nhìn chung, có lẽ chúng ta đang đi qua giai đoạn lãi suất thấp và thanh khoản tốt nhất của năm nay.

Dưới áp lực của lãi suất tiền gửi thấp kỷ lục, thị trường bất động sản cũng đang ấm lên với giao dịch sôi động hơn ở các thị trường lớn có nhu cầu sử dụng thực và nguồn cung hạn chế như chung cư và nhà phố. Sự sôi động của thị trường bất động sản nếu tiếp tục lan tỏa sẽ đánh dấu giai đoạn chuyển pha và dòng tiền vào kênh chứng khoán sẽ chịu áp lực cạnh tranh từ kênh bất động sản.

SGI Capital cũng nhận thấy đang có nhiều áp lực lên dòng tiền trên thị trường chứng khoán: áp lực đến từ tỷ lệ margin tăng nhanh trong 3 tháng vừa qua; áp lực từ nhà đầu tư nước ngoài liên tục bán ròng mạnh (11 nghìn tỷ VND riêng trong tháng 3); áp lực từ kế hoạch phát hành của nhiều công ty niêm yết trong quý 2; và lượng bán ròng của cổ đông nội bộ cũng tăng lên.

Trong khi đó, thanh khoản của thị trường gần đây bị thu hút vào một số nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao và định giá đắt với nguồn cung rất lớn. Do đó, nhu cầu mua đã nhanh chóng được đáp ứng và thị trường tiềm ẩn rủi ro điều chỉnh trong ngắn hạn.

"Sau hơn 5 tháng tăng, một nhịp điều chỉnh và tích lũy là cần thiết để thị trường tìm lại điểm cân bằng và phân bổ lại dòng tiền hợp lý hơn cho xu hướng tích cực dài hạn cùng đà phục hồi chung của nền kinh tế", SGI Capital.

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate