Tuần qua (30/8 – 1/9), mặt bằng lãi suất VND liên ngân hàng vẫn duy trì giảm nhẹ khoảng 0,03 điểm phần trăm, dừng ở các mức: qua đêm 0,71%; 1 tuần 0,85%; 2 tuần 0,98% và 1 tháng 1,20%.
Như vậy, mặc dù nguồn tiền VND bổ sung từ nghiệp vụ mua ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước đáo hạn không còn xuất hiện nhưng diễn biến của lãi suất liên ngân hàng vẫn duy trì đà giảm. Đây cũng là tuần thứ 3 liên tục ghi nhận mức lãi suất này giảm nhờ thanh khoản hệ thống dồi dào và tín dụng giảm tốc độ tăng trưởng do diễn biến dịch bệnh kéo dài.
Trước đó, trong tháng 7 và tháng 8, thị trường đón nhận thêm hơn 127.000 tỷ đồng thông qua kênh đáo hạn ngoại tệ.
Hiện Ngân hàng Nhà nước chưa công bố tăng trưởng tín dụng trong tháng 8. Tuy nhiên, dựa vào số liệu của Cục Thống kê tại 2 đầu tàu kinh tế gồm Hà Nội và Tp.HCM thì tín dụng trong tháng 8 dự kiến sẽ không quá tích cực.
Tại một diễn biến liên quan, theo thông báo của Kho bạc Nhà nước, trong tuần này sẽ tổ chức mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ với tất cả các ngày làm việc trong tuần (6/9-10/9). Trong đó, các kỳ hạn phổ biến nhất là 14 và 21 ngày, kỳ hạn ngắn nhất là 7 ngày và dài nhất là 3 tháng.
Khối lượng giao dịch cụ thể sẽ được cơ quan này công bố theo mỗi phiên. Còn riêng trong quý 3 này, tổng hạn mức sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi để mua lại có kỳ hạn trái phiếu chính phủ là 54.760 tỷ đồng.
Hồi trung tuần tháng 7, Kho bạc Nhà nước đã dùng kênh này để “bơm tiền” thành công cho 2 thành viên tham gia thị trường với tổng khối lượng đạt 300 tỷ đồng.
Theo giới phân tích, với việc tín dụng chưa có dấu hiệu tăng mạnh trở lại, trong khi kênh “bơm tiền” Kho bạc đã sẵn sàng, đồng thời Ngân hàng Nhà nước chuyển qua phương thức mua ngoại tệ giao ngay thì lãi suất liên ngân hàng dự kiến vẫn sẽ tiếp tục ổn định ở mức thấp trong thời gian tới.
Đáng chú ý, trên thị trường 1 cũng thể hiện thanh khoản hệ thống dồi dào và đầy đủ dư địa để cân đối nên lãi suất cho vay giảm tương đối mạnh trong hơn 1 tháng qua với mức dao động từ 0,5 - 3 điểm phần trăm.
Ngoài ra, mặt bằng lãi suất huy động duy trì ở mức thấp 3% - 4%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng; 3,7-5%/năm đối với kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng; 4,2-6,5% cho kỳ hạn trên 12 tháng.
Quay lại với diễn biến tuần trước, lợi suất trái phiếu chính phủ đi ngang trên cả hai thị trường sơ cấp và thứ cấp. Trong đó, tại thứ cấp, lãi suất chốt tuần ở mức 1 năm (0,31%, giảm 0,01 điểm phần trăm); 3 năm (0,70%; tăng 0,01 điểm phần trăm); 5 năm (0,83%, giảm 0,01 điểm phần trăm); 10 năm (2,07%, không đổi); 15 năm (2,28%; giảm 0,01 điểm phần trăm); 20 năm (2,83%, không đổi); 30 năm (2,98%, tang 0,01 điểm phần trăm).
Tại sơ cấp, Kho bạc Nhà nước gọi thấu thành công 10,5 nghìn tỷ đồng, lãi suất trúng thầu đi ngang ở kỳ hạn 10 năm và nhích tăng 0,02 điểm phần trăm ở ỳ hạn 15 năm.
Báo cáo từ Tổng cục thống kê cho thấy trong tháng 8, thu – chi ngân sách nhà nước vẫn tương đối tích cực và giúp ngân sách duy trì thặng dư 83 nghìn tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, giải ngân đầu tư công chậm lại dưới ảnh hưởng của dịch (số tháng 8 giảm 24,7% so với cùng kỳ, và 8 tháng giảm 0,4%). Do vậy, nhu cầu phát hành trái phiếu chính phủ của Kho bạc Nhà nước trong giai đoạn vừa qua tương đối thấp.
Theo nhóm nghiên cứu tại Công ty Chứng khoán SSI, Chính phủ sẽ tích cực đẩy mạnh giải ngân đầu tư công sau khi dịch được kiểm soát nhằm hỗ trợ tăng trưởng và nhờ vậy, nguồn cung trái phiếu sẽ được cải thiện. Điều này sẽ tác động đến mặt bằng lợi suất trúng thầu sẽ đi ngang trong ngắn hạn và tăng dần về cuối năm.