June 19, 2023 | 15:01 GMT+7

Lãi suất OMO giảm 0,5%; lãi suất liên ngân hàng qua đêm giảm 1,66%

Hoàng Lan -

Sau khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành, lãi suất thị trường mở (OMO) giảm từ 4,5% xuống 4%; lãi suất liên ngân hàng (thị trường 2) giảm mạnh ở các kỳ hạn dưới 1 tháng. Cùng đó, Chính phủ tiếp tục hối thúc Ngân hàng Nhà nước khắc phục tình trạng tín dụng tăng trưởng chậm...

Cùng với việc giảm lãi suất, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phân bổ toàn bộ "room" tín dụng của năm 2023 ngay trong tháng 6.
Cùng với việc giảm lãi suất, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phân bổ toàn bộ "room" tín dụng của năm 2023 ngay trong tháng 6.

Tuần từ 12/6 - 16/6, lãi suất VND liên ngân hàng (thị trường 2) tiếp tục giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống, chốt ngày 16/6, giao dịch quanh mức: qua đêm 1,01% (-1,66 %so với phiên cuối tuần trước đó); 1 tuần 1,37% (-1,53 %); 2 tuần 1,86% (-1,32 %); 1 tháng 3,21% (-0,84 %).

Trong khi đó, lãi suất USD liên ngân hàng thị trường 2 tiếp tục xu hướng ít thay đổi, phiên cuối tuần 16/6, đóng cửa ở mức: qua đêm 4,84% (+0,01 %); 1 tuần 4,91% (+0,01 %); 2 tuần 5 % (không thay đổi) và 1 tháng 5,16% (-0,01 %).

Theo thống kê của Nhóm nghiên cứu MSB, trên thị trường mở tuần từ 12/06 - 16/06, trên kênh cầm cố, Ngân hàng Nhà nước chào thầu ở hai kỳ hạn 7 ngày và 28 ngày, mỗi kỳ hạn 50.000 tỷ đồng, với lãi suất cho cả 2 kỳ hạn 4 phiên đầu tuần ở mức 4,5%, phiên cuối tuần giảm xuống mức 4%. Không có khối lượng trúng thầu ở cả 2 kỳ hạn, không có đáo hạn. Như vậy, khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố hiện tại giữ nguyên ở mức 293,83 tỷ VND. Ngân hàng Nhà nước không chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước.

Như vậy, lãi suất trên thị trường 2 và lãi suất OMO đã giảm rất mạnh trong ngày 16/6, khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành các quyết định về việc tiếp tục điều chỉnh lãi suất điều hành, có hiệu lực từ hôm nay 19/6/2023.

Trên thị trường ngoại tệ, trong tuần từ 12/6 - 16/6, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều giảm 2 phiên đầu tuần rồi tăng trở lại 3 phiên cuối tuần. Chốt ngày 16/6, tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 23.711 VND/USD, giảm tiếp 6 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD. Tỷ giá bán giao ngay phiên cuối tuần được niêm yết ở mức 24.846 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.

Tỷ giá liên ngân hàng biến động theo xu hướng tăng trong tuần qua. Chốt phiên cuối tuần 16/6, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.520 VND/USD, tăng 46 đồng so với phiên cuối tuần trước đó.

Tỷ giá trên thị trường tự do tiếp tục biến động nhẹ trong tuần qua. Chốt phiên 16/6, tỷ giá tự do tăng 45 đồng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.515 VND/USD và 23.565 VND/USD.

Về diễn biến liên quan, ngày 15/6/2023, Văn phòng Chính phủ ban hành Văn bản số 225/TB-VPCP thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về những nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay. 

 

Thường trực Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng cần thiết, hợp lý trong năm 2023, phân bổ hết hạn mức tín dụng và thông báo công khai ngay trong tháng 6/2023 để các tổ chức tín dụng chủ động mở rộng tín dụng từ nay đến hết năm 2023.

Trong đó, Thường trực Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, khẩn trương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các công cụ của chính sách tiền tệ, có ngay các giải pháp thiết thực, cụ thể để giảm thêm mặt bằng lãi suất; trong đó giảm lãi suất điều hành ngay trong tháng 6/2023 và định hướng giảm lãi suất huy động và cho vay đối với khách hàng của các tổ chức tín dụng nhằm hỗ trợ tích cực doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; khắc phục hiệu quả ngay việc tăng trưởng tín dụng thấp như 5 tháng vừa qua.

Đồng thời, Thường trực Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng cần thiết, hợp lý trong năm 2023, phân bổ hết hạn mức tín dụng và thông báo công khai ngay trong tháng 6/2023 để các tổ chức tín dụng chủ động mở rộng tín dụng từ nay đến hết năm 2023; chú ý đến tín dụng bất động sản và tín dụng sản xuất kinh doanh nhằm hỗ trợ thị trường, góp phần khôi phục và khơi thông dòng vốn đầu tư và kinh doanh cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Thường trực Chính phủ cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tập trung điều hành thị trường liên ngân hàng, tạo điều kiện thanh khoản cho các tổ chức tín dụng theo hướng giảm dần lãi suất, bảo đảm vốn cho các tổ chức tín dụng, phát huy vai trò dẫn dắt của các ngân hàng thương mại nhà nước; tiếp tục cải cách, cắt giảm các thủ tục, tiết giảm chi phí, nâng cao hơn nữa khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp và người dân; cương quyết cắt giảm các loại phí, lệ phí không cần thiết để hỗ trợ cho khách hàng vay vốn…

Năm 2022, các ngân hàng trung ương trên thế giới đã có ít nhất khoảng 300 đợt tăng lãi suất để đối chọi với áp lực lạm phát; tần suất tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương cao hơn gần 3 lần so với năm 2021. Trong đó FED đã 7 lần điều chỉnh tăng lãi suất mục tiêu lên mức 4 – 4,5%/năm.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có 2 lần tăng các mức lãi suất điều hành, với tổng mức tăng 2% và 2 lần nâng lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND kỳ hạn dưới 6 tháng tại tổ chức tín dụng  (ngày 23/9 và ngày 25/10/2022) với mức tăng 0,8 – 2%/năm; tăng 1%/năm lãi suất cho vay tối đa bằng VND đối với một số lĩnh vực ưu tiên (ngày 25/10/2022).

Tuy nhiên, sang năm 2023, khi triển vọng kinh tế trong nước ảm đạm đi đôi với các áp lực lạm phát, tỷ giá suy giảm, từ ngày 14/3, Ngân hàng Nhà nước liên tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành.

Các động thái điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước đã và đang được kỳ vọng sớm mang lại kết quả tích cực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần củng cố niềm tin của thị trường vào sự ổn định VND.   

Attention
The original article is written and published on VnEconomy in Vietnamese only. To read the full article, please use the Google Translate tool below to translate the content into your preferred language.
VnEconomy is not responsible for the translation.

Google translate