Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong tháng 8/2021, người dân đã rút ròng 986 tỷ đồng khỏi hệ thống ngân hàng.
Trước đó, ở tháng 7/2021, người dân cũng chỉ gửi ròng vỏn vẹn 1.250 tỷ đồng. Như vậy trong hai tháng 7 và 8 vừa qua, gần như người dân không gửi thêm tiền vào hệ thống ngân hàng.
Luỹ kế đến cuối tháng 8/2021, tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng chỉ tăng 2,95% so với đầu năm. Con số này thấp hơn đáng kể mức tăng cùng kỳ năm ngoái là 5,46% và cũng thấp hơn nhiều cùng kỳ các năm trước đó (8 tháng năm 2019: 8,39%; 8 tháng năm 2018: 8,47%; 8 tháng năm 2017: 12%; 8 tháng năm 2016: 15,43%).
Tại báo cáo thị trường trái phiếu mới công bố, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô lớn (vốn trên 5.000 tỷ đồng) đang có mức lãi suất huy động thấp nhất kể từ năm 2017 đến nay.
Trao đổi với báo chí, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, lãi suất huy động của các ngân hàng đã giảm liên tục từ năm 2020 đến nay, hiện vào khoảng 5-5,5%/năm. Nếu tiếp tục giảm lãi suất huy động, tiền gửi vào ngân hàng sẽ giảm mạnh. Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước không đặt ra vấn đề giảm thêm lãi suất huy động nữa.
"Ngân hàng muốn có tiền cho vay phải duy trì được tiền gửi đầu vào ổn định. Cho nên, mặt bằng lãi suất huy động phải duy trì ở mức hợp lý để đảm bảo nguồn tiền gửi.”, Phó thống đốc Tú nhấn mạnh.
Với quan điểm của nhà điều hành, giới chuyên môn cho rằng, mặt bằng lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng giảm có thể dẫn đến dòng vốn dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác có mức sinh lời cao hơn như chứng khoán, bất động sản... khiến các thị trường này tăng nóng ở một số thời điểm. Điều này kéo theo tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng vẫn tăng trưởng rất chậm trong thời gian tới.
Trái lại, với việc phải tạm dừng sản xuất kinh doanh do giãn cách xã hội, các tổ chức kinh tế quay lại xu hướng gửi ròng trong tháng 8/2021 với 59.148 tỷ đồng được đưa vào hệ thống ngân hàng. Trước đó, trong tháng 7/2021, các tổ chức kinh tế đã bất ngờ rút ròng hơn 25.900 tỷ đồng ra khỏi hệ thống.
Hiện chênh lệch tiền gửi cư dân và tổ chức kinh tế chỉ còn gần 150.000 tỷ đồng (5,14 triệu tỷ đồng tiền gửi của tổ chức kinh tế so với 5,29 triệu tỷ đồng tiền gửi của dân cư).
Theo đó, trong trường hợp tăng trưởng tiền gửi cư dân vẫn đi ngang và tổ chức kinh tế liên tục gửi ròng tiền vào hệ thống ngân hàng, thì quy mô tiền gửi của tổ chức kinh tế sẽ nhanh chóng vượt quy mô tiền gửi của dân cư.