Cuối năm, nhu cầu về vốn của các doanh nghiệp thường có xu hướng tăng cao. Cộng với việc vừa được Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng, nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất tiết kiệm để hút tiền gửi trong dân, đảm bảo thanh khoản hệ thống.
ĐỒNG LOẠT TĂNG LÃI SUẤT TIẾT KIỆM
Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tiền gửi của dân cư (không tính tổ chức, doanh nghiệp) vào hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 9 là gần 5,292 triệu tỷ đồng, giảm gần 1.500 tỷ đồng so với cuối tháng 8. Trước đó, trong tháng 8, tiền gửi của người dân cũng đã giảm gần 1.000 tỷ đồng so với tháng 7.
Trong khi, thống kê của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, tính đến đầu tháng 11/2021, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô lớn (vốn trên 5.000 tỷ đồng) đang có mức lãi suất huy động thấp nhất từ năm 2017 đến nay.
Vì vậy, có quan điểm cho rằng, do lãi suất tiền gửi ở mức thấp kỷ lục, nên người dân không còn "mặn mà" và chuyển tiền sang đầu tư chứng khoán, bất động sản…
Tại một diễn biến khác, kể từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước chủ trương hỗ trợ thanh khoản hệ thống bằng cách bơm tiền Đồng thông qua nghiệp vụ mua lại ngoại tệ, đồng thời không trung hòa lượng tiền đối ứng này.
Nhờ vậy, suốt quãng thời gian qua, thanh khoản hệ thống ngân hàng luôn ở trạng thái dồi dào. Lãi suất trên liên ngân hàng duy trì ở vùng thấp.
Tuy nhiên, tỷ giá USD/VND những ngày gần đây bắt đầu biến động khó lường với bước tăng lớn trong 1 phiên. Chốt ngày 6/12, giá USD trên liên ngân hàng cao hơn tới 450 VND so với giá mua vào của Ngân hàng Nhà nước. Do đó, thanh khoản hệ thống không còn được cung cấp nguồn hỗ trợ ở kênh mua ngoại tệ.
Để đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp những tháng cuối năm, thay vì phải bị động theo tỷ giá USD/VND, nhiều ngân hàng đã chủ động tăng lãi suất huy động, đề phòng trước rủi ro thanh khoản.
Cụ thể, Eximbank vừa tăng lãi suất huy động tiền đồng thêm khoảng 0,1 - 0,3%/năm ở nhiều kỳ hạn ngắn vào đầu tháng 12. Đây là lần tăng lãi suất thứ 2 trong 2 tháng trở lại đây. Lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng lên 3,3%/năm, 3 tháng lên 3,6%/năm, 6 tháng lên 5%/năm, 9 tháng lên 5,4%/năm, 12 tháng lên 5,7%/năm.
Hay như OCB tăng lãi suất huy động tiền đồng 0,2%/năm. Đối với tiết kiệm tại quầy, lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng lên 3,55%/năm, 3 tháng lên 3,7%/năm, 6 tháng lên 5,2%/năm, 12 tháng lên 5,9%/năm.
Tương tự, ở GPBank, kỳ hạn 12 tháng, 15 tháng và 36 tháng, lãi suất tăng 0,5 điểm phần trăm lên 6,4%/năm; kỳ hạn 6 tháng tăng từ 5,7%/năm lên 6,2%/năm; kỳ hạn 9 tháng tăng từ 5,75%/năm lên 6,3%/năm.
Một số ngân hàng cũng điều chỉnh biểu lãi suất theo chiều hướng tăng có thể kể đến như VPBank, Vietcapital Bank, Kienlongbank, VietBank… Đặc biệt, nhiều ngân hàng đã tung chương trình ưu đãi và cộng thêm lãi suất khi gửi tiết kiệm online.
LÃI SUẤT TIẾT KIỆM NGÂN HÀNG NÀO CAO NHẤT?
Về bảng xếp hạng lãi suất cao nhất tháng 12/2021, Techcombank đang dẫn đầu với mức 7,1%/năm. Khách hàng muốn nhận được mức lãi suất này cần phải gửi khoản tiền từ 999 tỷ đồng trở lên tại kỳ hạn 12 tháng.
Duy trì ở vị trí thứ hai là ngân hàng MSB với mức ấn định 7%/năm và điều kiện số tiền gửi áp dụng từ 200 tỷ đồng trở lên tại hai kỳ hạn là 12 tháng và 13 tháng.
Liền sau là LienVietPostBank hiện đang xếp ở vị trí thứ ba với lãi suất là 6,99%/năm. Điều kiện để khách hàng nhận được mức lãi suất này là phải có khoản tiền gửi có kỳ hạn 13 tháng và 60 tháng, trong đó giá trị tiền gửi ở kỳ hạn 13 tháng phải từ 300 tỷ trở lên.
Một số ngân hàng khác cũng có lãi suất cao kèm như MBBank và VietABank cùng 6,9%/năm; HDBank với 6,85%/năm; SCB với 6,8%/năm; Kienlongbank với 6,75%/năm… Tuy nhiên, các ngân hàng này đều có những tiêu chuẩn riêng để đạt được mức lãi suất như trên, chứ không cào bằng cho mọi khoản tiền gửi.
Đối với 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV) vẫn duy trì biểu lãi suất như tháng trước. Trong đó, mức lãi suất ngân hàng cao nhất là 5,6%/năm tại VietinBank; ba ngân hàng còn lại có chung mức 5,5%/năm.
VPBank ở vị trí cuối cùng với mới lãi suất cao nhất chỉ đạt 5,4% cho kỳ hạn 15-36 tháng, kèm theo điều kiện khách hàng gửi 50 tỷ đồng trở lên.